Sau một thời gian tìm tòi, thử sử dụng các loại lá cây khác nhau trong vườn nhà, Vinh phát hiện dùng lá mít hoặc lá bồ đề khắc tranh phù hợp nhất.
“Lá mít và lá bồ đề rất dễ kiếm. Mỗi chiếc lá lại có hệ gân không giống nhau. Nếu em làm cùng nội dung trên 2 chiếc lá mít thì sẽ tạo nên 2 bức tranh không trùng lặp”, Vinh nói.
Quy trình để gen Z làm ra một bức tranh điêu khắc từ lá cây cũng lắm công phu.
Đầu tiên, Vinh sẽ lựa chọn những chiếc lá mít, lá bồ đề bánh tẻ lành lặn, không tì vết. Sau đó Vinh sẽ dùng dao gọt bỏ gân cuống để chiếc lá mỏng hơn, dễ ép phẳng hơn. Khi lá khô, không bị cong vênh, giòn gãy Vinh sẽ cất đi làm nguyên liệu sáng tác.
Mỗi khi bắt tay vào khắc tranh, Vinh sẽ in hoặc phác họa nội dung tranh mẫu lên giấy. Sau đó dán tranh mẫu lên lá rồi Vinh dùng dao chạm khắc từng đường nét, chi tiết để tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh.
Dụng cụ sáng tác của Vinh chính là chiếc dao dọc giấy và dao tỉa hoa quả. "Mũi dao mổ rất sắc phù hợp để đi các đường nét nhỏ, tạo độ tinh tế cho bức tranh nên em gắn vào đầu dao tỉa hoa quả làm đạo cụ", Vinh chia sẻ.
Để làm ra một tác phẩm điêu khắc trên lá, bình quân Vinh mất khoảng 3-4 tiếng. Có những bức tranh tranh phong cảnh phức tạp, nhiều chi tiết, Vinh mất nhiều giờ mới hoàn thành. Khi làm xong, Vinh sẽ mang tác phẩm đi ép plastic (ép nhựa) để bảo quản được lâu dài.
Chủ đề trong các tác phẩm của Vinh thường là tranh phong cảnh, chân dung nhân vật nổi tiếng và hình hoạt hình.
Theo Vinh, khó nhất khi làm tranh chân dung đó chính là đôi mắt. Vinh phải học cách đi dao làm sao để chính xác nhất có thể. Chỉ cần lệch dao một chút sẽ làm lệch đi đôi mắt, không khắc họa được thần thái nhân vật. Các chi tiết càng nhỏ điêu khắc trên lá cây sẽ càng khó.
Mới đầu, Vinh khắc tranh lên lá cây dành tặng bạn bè, người thân. Sau có nhiều người thích đã tìm đến hỏi mua qua mạng. Đã có hàng trăm mẫu tranh được Vinh sáng tác từ lá mít và lá bồ đề. Mỗi bức tranh thường có giá 150-200.000đ.
Thấy Vinh dành nhiều thời gian khắc tranh trên lá, bố mẹ cũng lo lắng, sợ Vinh không tập trung vào việc học. Vinh cho biết: "Chỉ khi nào căng thẳng, cần giải trí em mới ngồi khắc tranh. Dự định của em sau này sẽ trở thành kỹ sư điện hoặc thợ cơ khí. Vì thế trước mắt em sẽ tập trung học thật tốt để có kết quả như ý trong kỳ thi THPT sắp tới".
Sau này, Vinh mong muốn có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về nghệ thuật điêu khắc tranh để có thể làm nên các tác phẩm phức tạp, kỹ thuật cao hơn. Và nếu có thể Vinh sẽ thực hành làm trên lá vải thiều, loại cây gắn liền với quê hương Lục Ngạn.
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tại buổi giao lưu, tác giả Vũ Minh Họa cho biết, trên hành trình trưởng thành cùng con đã không ít lần “bị sốc” trước những thay đổi và hành động của con trai: "Con tự ý bỏ học, nhà trường thông báo con bị kỷ luật, rồi con nói không thích con gái bằng con trai… khiến cho bản thân tôi vô cùng loay hoay, hoang mang, thậm chí tự vấn lương tâm. Khi thì làm trinh thám bám theo con, lúc làm nhà tâm lý thủ thỉ tâm tình, dùng mọi cách đưa con về quỹ đạo tốt nhất".
Nữ tác giả chia sẻ, cuốn sách này chị viết để nhắn nhủ: "Ai cũng từng có những sai lầm, mẹ lưu giữ lại mong các con hiểu rằng, tuổi dậy các con đã mang cho mẹ nhiều cảm xúc bất an và mẹ rất kiên nhẫn để chia sẻ, thấu hiểu. Sau này mẹ già 90, 100 tuổi các con nên học cách thấu hiểu và thấu cảm giúp mẹ".
Có được những niềm vui hiện tại, tác giả cho biết đã xác định không bao giờ bỏ cuộc trong việc cùng con bước qua khủng hoảng tuổi dậy thì, vì chị biết nếu buông xuôi, các con sẽ khó vượt qua được sự cám dỗ ma mị luôn bủa vây giới trẻ.
Có mặt tại buổi ra mắt sách, TS. Trần Thị Thu Hiền - Phó Trưởng khoa Giới và phát triển - Học viện Phụ nữ Việt Nam khẳng định sự cần thiết trong việc đồng hành, thấu hiểu con từ các bậc phụ huynh, mục đích để có cuộc đời bình an nhất. Muốn đạt được điều đó, việc cùng chia sẻ, cùng hành động giúp con nhận ra giá trị tốt đẹp là một trong những cách hữu hiệu.
“Tôi đã được đọc những tác phẩm của tác giả trong 6 năm nay, tôi đánh giá cao ý nghĩa cuốn sách này. Sách đã phản ánh, phân tích về quá trình thay đổi tâm sinh lý của tuổi dậy thì và sự thay đổi về mặt giới tính của con trẻ… Những điều tác giả viết ra bởi chính trải nghiệm của một người mẹ nên chạm đến trái tim của mỗi người. Giọng văn nhẹ nhàng, đôi khi viết như không phải là viết, mà là những thứ rất đời, sâu thẳm tình thương yêu”, TS. Trần Thị Thu Hiền nói.
Tác giả Vũ Minh Hoạ từng xuất bản 2 cuốn sách: Hành trình đơn thân(tự truyện), Cơn lốc mang tên con giáp thứ 13(sách kỹ năng).
Triển lãm Nét đan thanh tuyển chọn 60 tác phẩm thư pháp của 15 tác giả thuộc nhiều thế hệ. Các tác phẩm phong phú về cách thức trình bày, đa dạng về phong cách và thuần thục trong bút pháp thể hiện con chữ trên mặt giấy.
Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết, Văn Miếu - Quốc Tử Giám là nơi thấm đẫm tinh thần đạo học Việt Nam với truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo và trọng dụng nhân tài. Nội dung các tác phẩm tham gia triển lãm phần nào phản ánh được truyền thống tốt đẹp đó. Những hoạt động triển lãm cũng góp phần lan tỏa tinh thần hiếu học, văn chương, nghệ thuật tới công chúng.
“Các tác phẩm được sắp đặt theo ý tưởng xuyên suốt trên cơ sở ứng dụng công nghệ ánh sáng. Thông qua đó, chúng tôi hy vọng sẽ mang đến cho công chúng một cái nhìn mới mẻ và hiện đại đối với nghệ thuật thư pháp của cha ông”, ông Lê Xuân Kiêu chia sẻ.
Theo giám tuyển Xuân Như Vũ Thanh Tùng, điểm khác biệt của triển lãm lần này là sự kết hợp trình chiếu ánh sáng vào tác phẩm thư pháp để tạo nên một không gian thưởng thức mới.
“Chúng tôi muốn đóng góp hơi thở, làn gió mới cho hoạt động thư pháp. Thư pháp và Hán Nôm như mạch ngầm nối dài các di sản văn hóa, góp phần bảo tồn di sản văn hóa dân tộc”, giám tuyển Xuân Như Vũ Thanh Tùng nói.
Là bác sĩ Đông y, có 13 năm theo đuổi thư pháp, tác giả Phùng Quang Vũ có 3 tác phẩm tham gia triển lãm, trong đó 2 tác phẩm anh viết là văn thơ thời Lý Trần và 1 là phỏng thơ của Đại thi hào Nguyễn Du.
Với Phùng Quang Vũ, đây là không gian tuyệt vời để các tác giả trao đổi, chia sẻ về bút pháp và tác phẩm của mình.
"Tôi mong di sản của cha ông để lại luôn được phát triển, tiếp nối và làm mới. Triển lãm hôm nay được sắp đặt, thiết kế rất độc đáo đã tôn lên giá trị của những tác phẩm thư pháp và chắc chắn người xem dễ tiếp thu, cảm nhận các giá trị văn hóa truyền thống của ông cha. Đồng thời, đưa giá trị truyền thống đến gần với công chúng thông qua ứng dụng công nghệ hiện đại, mang đến cái nhìn mới mẻ với nghệ thuật thư pháp của dân tộc", tác giả Phùng Quang Vũ bày tỏ.
Triển lãm diễn ra từ ngày 14/11- 30/11/2023.