Minh Trường
Ảnh: NVCC
Những ngày qua, mạng xã hội lan truyền đoạn clip một phụ nữ lớn tuổi vai đeo túi, tay cầm một ít tiền lẻ bước vào quán bún riêu. Bà đến quầy hàng và ra hiệu chủ quán bán cho một tô bún riêu đúng với số tiền ít ỏi.
Tài khoản đăng đoạn clip trên kèm theo nội dung: “Bà vào quán. Bà không nói được. Bà cầm 10.000 đồng tiền lẻ và chỉ vào tô bún mình đang làm. Bà đưa mình tiền, nhưng mình bảo thôi.
Mình mời bà ngồi và mang ra một tô bún đầy đủ. Bà ăn xong vẫn muốn đưa tiền cho mình. Mình không nhận và biếu thêm bà một chút tấm lòng”.
Đoạn clip ấm lòng thu hút gần 1 triệu lượt xem và hàng nghìn bình luận của cộng đồng mạng. Phần lớn người xem bày tỏ xúc động và khen ngợi hành động tử tế của chủ quán.
Tài khoản Mr. Thành bình luận: “Bạn thật tử tế. Chúc bạn mua may bán đắt, làm được việc tốt thấy vui cả ngày”. Một số tài khoản khác trân quý cách cho đi vô tư của chủ quán.
Qua tìm hiểu, chủ nhân đăng tải đoạn clip là anh Phạm Văn Sơn (SN 1994, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên). Anh Sơn cũng là chủ quán đã mời người phụ nữ câm điếc một tô bún riêu đầy đủ rau thịt.
Chủ quán cho biết: “Đoạn clip được cắt ra từ camera an ninh của quán. Sáng 2/7, tôi đang bán hàng thì thấy bà cụ đi bộ từ ngoài đường vào quán. Bà đeo túi ở vai, tay cầm 10.000 đồng. Bà đến quầy hàng, chỉ tay vào mấy tờ tiền lẻ và ra hiệu mua bún.
Tôi hiểu ý nên mời bà ngồi vào bàn, sau đó bưng ra một tô đầy đủ. Bà nhìn tô bún, thoáng chút bối rối”.
Dù bà chỉ mua 10.000 đồng bún riêu, nhưng anh Sơn mời bà một tô đầy ắp thức ăn. Sau khi ăn xong, bà lấy 10.000 đồng ra trả cho chủ quán. Tuy nhiên, anh Sơn xua tay không nhận và biếu thêm cho bà 100.000 đồng. Bà rất vui, xúc động và rối rít ra hiệu cảm ơn anh.
“Người phụ nữ đó khoảng hơn 60 tuổi, chỉ ú ớ và ra hiệu bằng tay chứ không thể nghe nói. Bà không phải người ở địa phương. Từ hôm đó đến nay, tôi không thấy bà đi ngang qua hoặc ghé vào quán ăn bún nữa”, anh Sơn cho biết.
Anh Sơn cảm thấy cách hành xử của bà cụ đáng để tôn trọng. Dù có ít tiền nhưng bà mua bún, chứ không xin.
Suốt 7 năm bán bún riêu, anh Sơn gặp nhiều người khó khăn hoặc khách ăn quên tiền. Gặp những tình huống đó, anh đều vui vẻ mời họ ăn bún miễn phí hoặc sau này quay lại trả tiền vẫn được.
Trên tài khoản cá nhân, anh Sơn thường đăng nhiều clip quay lại cảnh buôn bán ở quán. Một số clip vui vẻ từng thu hút hàng triệu lượt xem. Tuy nhiên, đoạn clip lần này mang nhiều ý nghĩa và xúc động.
Anh Sơn giúp đỡ các trường hợp như bà cụ câm điếc với sự vô tư, xởi lởi. Anh không xem đó là chiêu trò thu hút khách hàng hay để nổi tiếng. Bởi, quán bún của anh được người dân địa phương ủng hộ, lúc nào cũng đông khách.
Xuất phát từ gia cảnh bình thường, anh Sơn tự thân phấn đấu, bươn chải học nghề rồi về quê mở quán. Dù quán có thuê nhân viên nhưng anh vẫn đứng bếp nấu bún, kiêm luôn bán hàng, lau dọn bàn ghế…
Phải lao động vất vả mới có cuộc sống ổn định, nhưng anh Sơn sẵn sàng cho đi với người có hoàn cảnh kém may mắn hơn mình.
Thông qua đoạn clip, anh muốn truyền đi thông điệp yêu thương, nhường cơm sẻ áo đến cộng đồng. Với anh, mạng xã hội không chỉ để giải trí, mà còn là nơi lan tỏa sự tử tế.
Ảnh, video: Nhân vật cung cấp
Điều kiện duy nhất để người lao động nhận được số tiền thưởng này là phải làm việc tại văn phòng hơn 4 giờ mỗi ngày và chỉ được nhận tiền thưởng 10 ngày mỗi tháng.
Các khoản phụ cấp sẽ sớm được ghi vào nội quy làm việc chính thức của công ty, trở thành một phần của hệ thống lương cố định.
Trong giai đoạn đại dịch, Agileware đã đề xuất nhân viên làm việc từ xa, cho phép họ làm việc theo giờ ở bất kỳ nơi nào thuận tiện cho họ. Sự tự do đó là một phần văn hóa doanh nghiệp của công ty và là điều mà Agileware không muốn mâu thuẫn khi đưa ra phương pháp “điều trị” những căn bệnh sinh ra do thiếu tương tác với thế giới thực.
Nguyên nhân khiến công ty đưa ra giải pháp này là chi phí chăm sóc sức khỏe tâm thần ngày càng tăng đối với các kỹ sư. Một số nhân viên gia nhập công ty trong thời kỳ đại dịch, khi làm việc từ xa là lựa chọn duy nhất, đã rời công ty vì vấn đề sức khỏe tâm thần.
Giám đốc điều hành Agileware, ông Mitsuyoshi Kawabata cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng nhân viên cần tương tác trực tiếp với nhau và có cơ hội để cảm nhận những khó khăn trong công việc cũng như tình trạng sức khỏe của nhau”.
Công ty Acompany có trụ sở tại Nagoya, nơi cung cấp các dịch vụ liên quan đến công nghệ mật mã, cũng thiết lập một hệ thống tương tự. Các nhân viên được trả thêm 1.000 yên mỗi ngày nếu họ làm việc tại văn phòng từ 1 đến 4 giờ chiều. Họ cũng xem xét cả việc trả phí đi lại cho nhân viên.
Giống như Agileware, công ty cảm thấy phải có sự cân bằng. Họ muốn đảm bảo rằng những nhân viên sống ở xa cảm thấy thoải mái với sự sắp xếp của họ. Công ty cũng muốn thúc đẩy việc xây dựng mối quan hệ và trao đổi ý tưởng giữa các kỹ sư trong thế giới thực.
Giám đốc điều hành của công ty cho rằng những khoản tiền thưởng nho nhỏ này có thể khuyến khích những người làm việc từ xa đến trực tiếp chào nhau và xây dựng tình bạn thân thiết.
Giám đốc công ty Acompany, ông Hayata Sagasaki cho biết: “Chúng tôi đã lắng nghe cẩn thận ý kiến của các chuyên gia để tránh tăng thêm gánh nặng cho nhân viên do những thay đổi trong luật thuế và luật lao động”.
Doanh nghiệp phương Tây chọn áp đặt quy định
Trong khi đó, các công ty ở Mỹ và châu Âu chưa áp dụng cách tiếp cận tập trung vào nhân viên như vậy để khuyến khích họ quay trở lại văn phòng sau đại dịch. Nhiều công ty công nghệ lớn chỉ đơn giản ban hành các quy định không mang tính tích cực.
Tại Amazon, nhân viên sẽ bị cản trở sự thăng tiến trong sự nghiệp nếu họ không tuân thủ các yêu cầu làm việc tại văn phòng, cụ thể là phải có mặt 3 ngày một tuần bắt đầu từ hồi tháng 5. IBM cũng đưa ra lời dọa tương tự. Trong khi đó, Meta đặt các yêu cầu về công việc tại văn phòng khi những người làm việc ở xa bị mất năng suất.
Ngay cả Zoom cũng quyết định rằng bất kỳ ai sống trong phạm vi 80km tính từ văn phòng sẽ phải có mặt ở văn phòng 2 ngày một tuần.
Mặc dù có nhiều lý do biện minh cho việc bắt buộc quay trở lại văn phòng, nhưng một câu thần chú thường được lặp đi lặp lại là người lao động sẽ sáng tạo hơn khi làm việc cùng nhau. Và tất nhiên là các nhà quản lý luôn muốn nhìn thấy nhân viên của mình đang làm việc.
Trên thực tế, các nghiên cứu cũng đưa ra kết quả khác nhau về làm việc từ xa. Không khó để tìm thấy các nghiên cứu nói rằng những người làm việc từ xa làm việc hiệu quả hơn, tăng thời gian làm việc và ít bị phân tâm hơn.
Mặt khác, cũng có những nghiên cứu cho rằng những người làm việc từ xa kém hiệu quả hơn, nhưng không hẳn là do lười biếng mà do họ phải viết nhiều email hơn, phản hồi chậm hơn...
Dĩ nhiên, việc yêu cầu quay trở lại văn phòng không được lòng người lao động. Nhiều người đã thẳng thừng từ chối yêu cầu này và nói rằng họ muốn một cách tiếp cận nhẹ nhàng, nếu không họ sẽ nghỉ việc.
Nếu vậy, biết đâu việc thưởng một khoản nho nhỏ cho những người lên văn phòng giống như các doanh nghiệp Nhật Bản lại khiến người lao động thay đổi suy nghĩ.