Ông Goncharenko mô tả đề xuất của ông Macron là “tín hiệu rất tốt” để ứng phó Nga. Nhà lập pháp này lưu ý, quân đội nước ngoài đến Ukraine có thể huấn luyện binh lính cho Kiev và thực hiện các nhiệm vụ khác mà không cần phải đối đầu trực tiếp với các lực lượng Moscow.
Khi được hỏi liệu Ukraine có yêu cầu phương Tây can thiệp trực tiếp nếu quân đội Nga tiếp cận Kharkiv hoặc Kiev hay không, ông Goncharenko nói bản thân không loại trừ bất kỳ kịch bản nào.
“Đúng, tôi nghĩ điều đó có thể xảy ra… nếu tình hình tiền tuyến cho chúng tôi thấy Ukraine không thể một mình ngăn chặn quân Nga”, ông Goncharenko nhấn mạnh, đồng thời bày tỏ hy vọng Kiev sẽ không phải nhờ cậy đến biện pháp quyết liệt đó.
Nghị sĩ Ukraine tin sẽ có lợi cho Liên minh châu Âu (EU) nếu chú ý đến lời kêu gọi hỗ trợ như ông mô tả, vì “việc cùng Ukraine ngăn chặn Nga sẽ dễ dàng hơn là không có nước này cùng hành động”.
Trong khi đó, theo đài RT, Tổng thống Pháp Macron hôm 4/5 cho biết, ông ủng hộ “sự mơ hồ về mặt chiến lược” đối với Nga, với lí do điều này có thể giúp ngăn chặn Moscow. Theo nhà lãnh đạo Pháp, quan điểm của ông về sự can thiệp quân sự của phương Tây ở Ukraine phù hợp với cách tiếp cận này.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Anh David Cameron đã tỏ ra hoài nghi quan điểm trên. Ông Cameron cảnh báo, việc điều binh lính NATO đến Ukraine “có thể là một bước leo thang nguy hiểm”.
Bộ trưởng Quốc phòng Italia Guido Crosetto, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto và Thủ tướng Slovakia Robert Fico cũng có cùng quan điểm với ông Cameron. Ông Fico nhắc lại rằng, NATO không có lí do chính đáng nào để điều quân đến Ukraine vì nước này không phải là thành viên của liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu.
Phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov gọi phát biểu của ông Macron là “rất hệ trọng và nguy hiểm”, đồng thời cáo buộc đây là bằng chứng rõ ràng hơn cho thấy Paris có liên quan trực tiếp đến cuộc xung đột. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng cảnh báo hậu quả thảm khốc nếu nếu binh lính NATO được điều động đến Ukraine.
“Chắc chắn có khả năng Nga đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công lớn hơn vào Kharkiv. Bạn sẽ không làm như vậy, nếu bạn không nghĩ đến một số cuộc tấn công lớn hơn trực tiếp vào thành phố”, ông Kirby nói.
Phía Nga hiện chưa công bố bất kỳ thông tin nào về các hoạt động gần Kharkiv, ngoài báo cáo đã giành quyền kiểm soát 2 ngôi làng ở khu vực biên giới với Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng (LPR), khu vực thuộc Ukraine nhưng đã sáp nhập vào lãnh thổ Liên bang Nga hồi năm 2022.
Trong vài tháng qua, các lực lượng Ukraine đã sử dụng Kharkiv làm bàn đạp để tiến hành tấn công bằng máy bay không người lái (UAV), pháo binh, và tên lửa vào nhiều khu vực biên giới của Nga mà chủ yếu là vùng Belgorod. Ngoài ra, phía Ukraine cũng có những nỗ lực vượt qua biên giới Nga, nhưng không thành công.
Cũng trong ngày 10/5, Mỹ công bố thêm một gói viện trợ quân sự trị giá 400 triệu USD cho Kiev. Đây là gói viện trợ thứ 3 trong những tuần gần đây. Mỹ còn phê duyệt việc bán khẩn cấp 3 hệ thống HIMARS trị giá khoảng 30 triệu USD do Đức tài trợ cho Ukraine.
Sau khi Mỹ phê duyệt gói viện trợ trị giá 61 tỷ USD cho Ukraine vào tháng 4, giới chức Kiev nói với Financial Times rằng gói viện trợ này sẽ chỉ “giúp làm chậm bước tiến của Nga, chứ không thể ngăn chặn Nga”.
Nga cũng khẳng định việc chuyển giao thêm vũ khí mới cho Ukraine không thể xoay chuyển cục diện cuộc xung đột. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, các lực lượng Nga đang hoàn toàn kiểm soát tình hình trong vùng xung đột, và có những bước tiến vững chắc. Ông Shoigu cho hay trong suốt tháng 4, Ukraine đã mất trung bình 1.000 binh sĩ mỗi ngày, và ước tính tổn thất quân sự của Kiev chỉ riêng trong năm nay là 111.000 người.