“Nếu không có chiếc kính thiên văn, cha mẹ đã giết chết giấc mơ của một nhà thiên văn học tương lai”, cậu bé Mã Hóa Đằng viết trong cuốn nhật ký vào dịp sinh nhật lần thứ 14 ở nhà mới Thâm Quyến.
Nhờ chiếc kính thiên văn có giá bằng bốn tháng lương của cha, Mã Hóa Đằng đã phát hiện ra sao chổi Halley vào năm 1986, đúng chu kỳ 76 năm xuất hiện một lần của nó.
Các học giả Trung Quốc xưa thường quan sát thiên tượng để đoán ‘ý trời’. Mà mỗi lần sao chổi xuất hiện, nó thường đem đến điều dị biệt, báo hiệu một thời kỳ tái lập trật tự mới sắp đến.
Năm 1998, ở tuổi 27, cậu bé say mê khám phá vũ trụ ngày nào đã cùng bốn người bạn đồng niên đại học sáng lập nên Tencent, khai phá ‘thiên hà’ Internet rộng lớn bao la nhưng vẫn còn đang ở thuở sơ khai.
19 năm sau, tên tuổi Mã Hóa Đằng mới được nhiều người biết đến khi Tencent chính thức vượt qua Facebook để trở thành công ty Internet lớn nhất thế giới vào năm 2017, theo giá trị vốn hóa trên thị trường chứng khoán.
Đến năm 2020, cái tên Pony Ma một lần nữa khiến nhiều người ngã ngửa khi âm thầm qua mặt ngôi sao đang lên Jack Ma để trở thành người giàu nhất Trung Quốc, theo thống kê của Bloomberg.
Khác với tỷ phú Mã Vân chọn cái tên phổ biến Jack, Mã Hóa Đằng chọn cái tên Pony là một giống ngựa nhỏ dễ thương có phần giống tính cách nhút nhát của vị tỷ phú này.
Tuy nhiên, hành động của Pony Ma lại rất cương quyết và dứt khoát, giúp cho Tencent trở thành một đế chế Internet hùng mạnh không chỉ ở trong nước mà còn bành trướng ra bên ngoài Đại tường lửa (Great Firewall).
Từ đặc khu kinh tế Thâm Quyến đến Tencent
Năm 2017, Tencent khánh thành tòa tháp đôi cao 248m (50 tầng) và 194m (41 tầng) ở khu Nam Sơn, ngay mặt Bắc của ĐH Thâm Quyến nơi 5 nhà sáng lập từng theo học năm xưa.
Trụ sở mới của Tencent, tuy vậy chỉ như một chú ngựa non so với hàng tá các tòa nhà cao tầng mới mọc lên ở Thâm Quyến. Rừng cao ốc nơi đây có thể sánh ngang với Manhattan hoa lệ ở phía bên kia bán cầu hay Hong Kong ngay bên kia sông.
Cùng năm đó, Trung tâm tài chính Bình An cao 599m (117 tầng) cũng được khánh thành, trở thành tòa nhà chọc trời cao thứ tư thế giới và cao thứ hai ở đại lục.
Bên trong những tòa nhà này, những kỹ sư công nghệ đang làm việc miệt mài ngày đêm để biến Thâm Quyến trở thành Thung lũng Silicon mới của châu Á, như chính khẩu hiệu của thành phố: “Thời gian là tiền bạc, hiệu suất là sinh mệnh”.
Sự đổi mới và cách tân toàn diện bắt đầu vào năm 1980, Thâm Quyến khi đó được cấp phép trở thành đặc khu kinh tế đầu tiên dưới thời nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, người vẫn được xem là kiến trúc sư trưởng của nền kinh tế Trung Quốc thời hội nhập.
Chính sách mở cửa cho phép Thâm Quyến thu hút các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI và lao động nhập cư có tay nghề, dần dần từng bước chuyển trạng thái từ sao chép sang chuyển giao và làm chủ công nghệ nước ngoài.
Có thể kể đến những tên tuổi đã được ươm mầm ở đặc khu này như Huawei, ZTE, TP-Link hay gần nhất là OnePlus, một hãng điện thoại có tuổi đời khá non trẻ.
Vì thế, các doanh nghiệp như Tencent không những được hưởng các ưu đãi về thuế, chính sách quản lý hiện đại mà còn được bật đèn xanh để thực hiện những chiến lược phù hợp với tầm nhìn vĩ mô đặt ra cho đặc khu kinh tế Thâm Quyến.
Pony Ma (Mã Hóa Đằng, SN 1971) được xem là nhạc trưởng cho thành công của Tencent.
Ở buổi đầu thành lập, Tencent cho ra mắt nền tảng nhắn tin OICQ (mà sau đổi tên thành QQ) bị xem là đạo nhái một sản phẩm của Israel. Nhưng cùng với chiến dịch phong tỏa Internet nước ngoài tràn vào Trung Quốc, các công ty công nghệ non trẻ như Tencent được hưởng lợi rất lớn khi không vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt đến từ Yahoo hay Google ở buổi bình minh của thời kỳ dot-com.
Ngày nay nhắc đến Tencent, nhiều người nghĩ ngay đến WeChat, ứng dụng nhắn tin với 1,2 tỷ người sử dụng trên toàn cầu. Cùng với TikTok và nhiều app Trung Quốc khác, WeChat từng lao đao trong thương chiến Mỹ-Trung vì bị cấm cửa dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.
Nhưng bệ phóng đem đến thành công cho Tencent lại chính là QQ, nền tảng nhắn tin tức thời với khoảng 800 triệu người dùng hàng tháng hiện nay. Lý do duy nhất khiến QQ vẫn sống sót ở kỷ nguyên mobile khi những đối thủ như Yahoo! Messenger hay Windows Live Messenger đều đã đột tử, là bởi vì miếng bánh game online béo bở.
Ở thời điểm ngăn cách với Internet thế giới khi đó, Trung Quốc cũng chặn luôn các game online nước ngoài không có giấy phép phát hành. Chỉ chờ có vậy, Tencent đã chớp thời cơ để tung ra một loạt các game trình duyệt web (webgame) thu hút cả chục triệu người chơi.
Thành công ở mảng game, Tencent tiếp tục dùng tiền tái đầu tư vào ngành này thông qua sở hữu các công ty game ăn khách. Trong đó, nổi tiếng nhất phải kể đến thương vụ thâu tóm hoàn toàn nhà phát hành toàn cầu Riot Games vào năm 2015.
Cùng năm đó, khi xu hướng dần chuyển dịch sang game mobile, Tencent mau chóng làm ra một sản phẩm vẫn bị châm biếm là game nhái (game clone) vĩ đại nhất mọi thời đại, Honor of Kings.
Trẻ em Trung Quốc mê mệt trò chơi này đến độ quên ăn quên ngủ, lấy tiền của bố mẹ để mua trang phục ảo trong game. Nhưng chỉ đến khi số người chơi vượt mốc 100 triệu vào năm 2017, chính phủ Trung Quốc mới tá hỏa nhận ra và vội vàng tìm cách ngăn chặn cơn nghiện game của giới trẻ nước này.
Trụ sở của Tencent ở thành phố Thâm Quyến, một tòa tháp đôi có chi phí xây dựng lên tới 600 triệu USD.
Sau tất cả, doanh thu năm 2020 của Tencent theo báo cáo là 73,9 tỷ USD, trùng thời điểm kỷ niệm 40 năm thành lập đặc khu kinh tế Thâm Quyến. Thành phố nằm bên dòng Châu Giang đã đạt mức tăng trưởng thần tốc 21,6%/năm, GDP đạt mức 396,78 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người tăng 335 lần lên 30.396 USD.
Từ một làng chài ven biển tiêu điều với chỉ 30.000 dân thập niên 80 tới đô thị 13 triệu dân, tự động hóa tất cả mọi thứ như rửa xe, mua hàng siêu thị đến cắt tóc, người ta thấy sự hiện diện ở khắp mọi nơi của siêu ứng dụng WeChat, mà được gọi là Weixin tại đại lục.
Kiến trúc sư trưởng đứng sau thành công của đặc khu kinh tế Thâm Quyến là nhiều đời lãnh đạo thành phố, nhưng người dẫn dắt Tencent bước vào thời hoàng kim chỉ có một, đó là Mã Hóa Đằng.
Tencent và bài học cho các công ty nội dung
Thành công của Tencent là kết quả của một quá trình dài tích lũy tư bản bằng cách thu hút người dùng nội địa ở một thị trường đóng cửa với thế giới, từ đó mở rộng dịch vụ độc quyền và tạo ra doanh thu khổng lồ.
Có vốn trong tay, Tencent rút ngắn được quá trình tiếp thu công nghệ nước ngoài và mở rộng tập khách hàng hơn nữa thông qua đầu tư và sở hữu các studio game. Tencent đã dần dần làm chủ công nghệ mà vươn lên trở thành những công ty công nghệ mạnh trên làng công nghệ toàn cầu.
Nhờ đó, Tencent tiếp tục mở rộng danh mục đầu tư sang các lĩnh vực như mạng xã hội, âm nhạc, thương mại điện tử, phát trực tiếp livestream, sản xuất và phân phối phim, truyện tranh… Tất cả tập trung vào tập khách hàng thuộc thế hệ trẻ, vốn là những người dễ chịu ảnh hưởng nhất của các loại hình giải trí này.
Có thể nói, gã khổng lồ Internet Trung Quốc đã bao trọn ngành công nghiệp nội dung giải trí số, từ phát triển phát hành đến chia sẻ, thanh toán, tạo ra thói quen không thể thay đổi ở người trẻ. Các sản phẩm này lại dễ dàng được lan tỏa ra toàn thế giới thông qua môi trường Internet, từ đó truyền bá được các yếu tố lịch sử, văn hóa truyền thống, hệ tư tưởng của Trung Quốc.
Ngoài ra, khi đã nắm hàng tỷ người dùng trong tay, Tencent dễ dàng triển khai các chính sách phục vụ mục đích quản lý của chính phủ Trung Quốc. Hay nói cách khác Tencent đã trở thành đối trọng cho Trung Quốc siết các ứng dụng ngoại như Google, Facebook. Cùng với các ứng dụng nội địa của Trung Quốc, dịch vụ của Tencent có thể thay thế được dịch vụ của các Big Tech trên thế giới vốn đang là mưa làm gió trên toàn cầu nhưng lại "đóng băng" tại thị trường Trung Quốc. Chính nhờ những công ty mạnh như Tencent mà Trung Quốc mới có thể mạnh mẽ "xuống tay" với các ứng dụng ngoại và bắt họ phải tuân thủ luật chơi của mình nếu muốn đứng ở thị trường Trung Quốc.
Tại Việt Nam, VNG là kỳ lân được xem là hình mẫu về doanh nghiệp nội dung số và đang dần chuyển hóa từ một nhà phát hành có doanh thu chính đến từ game online, sang một công ty Internet đa lĩnh vực, trong đó có cả lĩnh vực thanh toán điện tử. Đặc biệt, VNG đã xây dựng được ứng dụng OTT với thương hiệu Zalo với 62 triệu người dùng đang từng bước trở thành một siêu ứng dụng ở Việt Nam, cạnh tranh sòng phẳng với Facebook Messenger, Viber hay WhatsApp và WeChat. VNG đang có ảnh hưởng rất lớn tại Việt Nam và bắt đầu tiến ra thị trường nước ngoài như Myanmar. Cùng với VNG, VCCorp cũng đang trở thành công ty nội dung mạnh ở Việt Nam khi sở hữu hệ sinh thái nội dung số khá mạnh và đang lấn sang nhiều lĩnh vực khác trong đó có mạng xã hội.
Ngoài ra, Việt Nam cũng có nhiều doanh nghiệp nội dung số, tuy nhiên sự ảnh hưởng của doanh nghiệp này đến thị trường trong nước chưa thật sự có ảnh hưởng mạnh mẽ như VNG và VCCorp. Rõ ràng, những bước đi và sự thành công của Tencent hay VNG cũng là cảm hứng cho các doanh nghiệp nội dung số trên con đường lập nghiệp của mình. Thế nhưng, để có thể có được những công ty lớn mạnh như vậy không thể thiết vai trò của Chính phủ với những chính sách đột phá như Trung Quốc đã từng làm để thúc đẩy công ty của họ phát triển. Các công ty nội dung của Việt Nam cũng đang đề xuất với Chính phủ áp dụng sandbox để có thể tạo đột phá cho các công ty nội dung của Việt Nam có thể bắt kịp chuyến tàu 4.0.
Phương Nguyễn
" alt=""/>Con đường trở thành gã khổng lồ Internet của TencentCác nước đều lo “thất thu”
Kinh tế số phát triển nhanh chóng đã làm gia tăng mức độ phức tạp trong việc thu và quản lý thuế và dẫn đến cạnh tranh không bình đẳng. Thu thuế thương mại điện tử (TMĐT) được nhận định là vấn đề nan giải trên toàn cầu, bởi hệ thống thuế hiện hành được xây dựng cho nền kinh tế truyền thống trong khi kinh tế số lại dựa trên các giao dịch trực tuyến.
Thị trường TMĐT toàn cầu đã tăng lên con số 26.000 tỷ USD vào năm 2020, theo thống kê của Diễn đàn thương mại và phát triển của Liên hợp quốc UNCTAD. Sự gia tăng mạnh mẽ của TMĐT trong bối cảnh đại dịch đã đưa tỷ trọng bán lẻ trực tuyến trong tổng doanh thu bán lẻ từ 16% lên 19% vào năm 2020.
Doanh thu TMĐT tăng trưởng mỗi năm và thâm nhập ngày càng sâu vào đời sống người dân. Hoạt động thương mại trên các nền tảng này hiện diện ngày càng nhiều hơn ở các quốc gia nhưng việc thu thuế luôn là vấn đề “đau đầu” đối với chính phủ nhiều nước.
Doanh số bán lẻ thương mại điện tử trên toàn thế giới đạt hàng nghìn tỷ USD và tăng mạnh qua mỗi năm (Nguồn: Statista)
Các nền tảng TMĐT cho phép mua sắm, giao dịch xuyên biên giới ở nhiều khu vực pháp lý. Người bán không phải lúc nào cũng xác định được số thuế phải nộp tại nơi thậm chí, cố tình né tránh. Do đó, nhiều quốc gia, khu vực đang xem xét hoặc đã ban hành đạo luật yêu cầu các sàn giao dịch điện tử phải thực thi các nghĩa vụ thuế cũng như dựa vào các nền tảng trực tuyến này để thực hiện vai trò thu thuế.
Năm 2019, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã khuyến nghị các cơ quan thuế dựa vào nền tảng thương mại điện tử để ngăn chặn việc tránh, trốn thuế. OECD đã đưa ra một bộ quy tắc hài hòa về thuế giá trị gia tăng/thuế hàng hóa dịch vụ (VAT/GST) trong nền kinh tế kỹ thuật số. Bộ quy tắc đã được áp dụng tại một số quốc gia, được cho là sẽ giúp loại bỏ tình trạng đánh thuế hai lần hoặc không đánh thuế.
Các nước đều đang tìm cách thu thuế hiệu quả hơn từ các tập đoàn công nghệ hay các hoạt động trên nền tảng trực tuyến.
Kể từ năm 2016, Anh đã thực thi nhiều biện pháp bổ sung nhằm giải quyết tình trạng “xói mòn” thuế VAT với hình thức mua bán trực tuyến. Các nền tảng kinh doanh TMĐT như eBay, Amazon có trách nhiệm đảm bảo khách hàng ở nước ngoài của mình phải đăng ký VAT tại Vương quốc Anh. Các nền tảng phải đối mặt với án phạt nặng, thậm chí truy cứu hình sự nếu không tuân thủ.
Tại Đức, một dự luật được thông qua năm 2018 quy định các nền tảng TMĐT phải chịu trách nhiệm pháp lý về thuế VAT chưa thanh toán của người bán ở Đức.
Ấn Độ từng ra chính sách thuế TMĐT gây tranh cãi đó là đạo luật “thuế thu tại nguồn”, yêu cầu các nền tảng TMĐT phải thu thuế GST từ các nhà cung cấp. Nhiều doanh nghiệp TMĐT tại quốc gia này từng cho rằng quy định làm tăng thêm chi phí tuân thủ khi phải đảm nhận thay chức năng của cơ quan thuế.
Còn tại châu Âu, từ 1/7/2021, bất kỳ nhà bán hàng online, sàn giao dịch TMĐT nào đều phải đăng ký kinh doanh ở một nước thành viên nếu muốn bán hàng trực tuyến vào EU. Thậm chí, các công ty bán hàng trực tuyến phải thu VAT ngay cả khi giao dịch diễn ra thông qua các kho hàng có trụ sở tại EU.
Kinh nghiệm cho Việt Nam
Việt Nam là một trong những nền kinh tế số triển vọng nhất Đông Nam Á. Thị trường TMĐT cũng là miếng bánh hấp dẫn với tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Doanh thu TMĐT Việt Nam đạt quy mô 13,2 tỷ USD năm 2020 và có thể đạt quy mô 52 tỷ USD vào năm 2025 với tốc độ tăng trưởng trung bình 29%.
Các hoạt động mua/bán hàng hóa trên sàn TMĐT đang thâm nhập sâu và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống người dân ở nhiều vùng, miền. Nhưng quản lý thuế đối với loại hình này vẫn còn nhiều thách thức.
Luật Quản lý thuế số 38 cùng một số Thông tư ban hành kể từ năm 2020 đã bổ sung nhiều quy định liên quan đến quản lý thuế đối với các hoạt động TMĐT. Sau quy định về việc quản lý dòng tiền với các nền tảng xuyên biên giới, mới đây, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 40, quy định các sàn TMĐT phải kê khai và nộp thuế thay cho các cá nhân bán hàng.
Tại Việt Nam, sắp tới các sàn TMĐT sẽ phải kê khai và nộp thuế thay các cá nhân bán hàng
Các sàn TMĐT căn cứ doanh thu, các khoản thu khác mà cá nhân kinh doanh thông qua sàn nhận được bao gồm các khoản nhận được qua đơn vị vận chuyển (COD), hình thức trung gian thanh toán và một số hình thức thanh toán khác... để xác định doanh thu kê khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh. Các khoản thuế khấu trừ trực tiếp trên doanh thu là thuế Giá trị gia tăng và thuế Thu nhập cá nhân.
Quy định này đã gây ra nhiều tranh cãi trái chiều. Các sàn TMĐT cho rằng sẽ làm tăng chi phí tuân thủ khi phải đầu tư về cả hạ tầng, nhân lực để xác định, phân loại và số thuế cần nộp, hay không thể kiểm soát hay có thông tin về doanh thu do chỉ là nền tảng kết nối…
Các chuyên gia cho biết, thị trường TMĐT Việt cũng có những đặc riêng khi giao dịch tiền mặt lớn, một người bán hàng trên nhiều nền tảng, nguồn thu cũng đa dạng…cũng là những vấn đề cần tính đến khi áp trách nhiệm cho các sàn.
Trong khi đó, phía cơ quan quản lý cũng cho biết, quy định này sẽ không ảnh hưởng tới các cá nhân tuân thủ nghĩa vụ thuế bởi sẽ không phải nộp thuế tại địa điểm kinh doanh cố định khi đã nộp qua sàn với phần doanh thu này. Cùng với đó, cơ quan này cũng giãn lộ trình thực hiện để các doanh nghiệp TMĐT có thể chuẩn bị cho việc cung cấp và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế.
Theo lộ trình, từ tháng 1/2022 các sàn TMĐT hoạt động tại Việt Nam phải kết nối và cung cấp thông tin người bán hàng đến cơ quan thuế. "Điều này làm giảm thiểu đầu mối kê khai, tạo thuận lợi cho cả người nộp và cơ quan thuế”, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết.
Duy Vũ
" alt=""/>Thất thu nguồn thuế khổng lồ từ thương mại điện tử