Sáu năm đầu sống ở Anh, anh Vinh không đủ điều kiện về thăm quê. Thế nên, nỗi nhớ người thân, cảnh vật, món ăn… luôn thường trực trong anh.
“Lúc đó, rau củ Việt rất hiếm, nếu có thì cũng quá đắt. Hiện tại, rau củ Việt vẫn còn đắt. Từ đây, tôi nảy ra ý định trồng rau.
Ban đầu, tôi chỉ nghĩ trồng một ít rau thơm để ăn cho đỡ thèm. Lâu dần, việc trồng rau trở thành đam mê, tôi lại mát tay, trồng cây gì cũng phát triển tốt.
Cuối cùng, tôi có hẳn một khu vườn có hơn 100 loại rau củ thuần Việt”, anh Vinh chia sẻ.
Thời tiết ở Anh rất lạnh, các loại rau củ vùng nhiệt đới khó có thể phát triển. Vì vậy, anh Vinh thất bại hoàn toàn ở những lần ươm đầu.
Không nản lòng, anh Vinh tìm tòi, học hỏi thêm kinh nghiệm trồng rau ở xứ lạnh. Sau đó, anh nghĩ ra cách trồng rau củ vào thùng, chậu không đục lỗ để dễ di chuyển.
Khi trời lạnh, mưa tuyết, anh đưa các chậu rau củ vào nhà để bảo quản.
“Để trồng được vườn rau như này không cần phải chuẩn bị gì nhiều. Ngoài ít thùng, chậu và đất, tôi chỉ dùng một ít phân bón. Tôi chọn cách ủ phân rác bếp thải, hứng nước mưa từ mái nhà tưới cho rau”.
Ngoài ra, ông bố Việt còn mua cả khối đất vườn, trong đó có một số bao chứa phân hữu cơ pha sẵn. Hàng năm, anh lấy đất này phơi khô, trộn thêm phân để trồng tiếp.
34 năm chỉ ăn món Việt
Hiện tại, anh Vinh đã có nhiều kinh nghiệm trồng các loại rau củ quả Việt Nam ở xứ lạnh. Với phương pháp trồng bằng chậu không đục lỗ, gia đình anh có rau củ ăn quanh năm.
Anh Vinh có rất nhiều kỷ niệm gắn bó với khu vườn đặc biệt giữa trời Âu. Nhiều lần xem thời tiết, thấy dự báo có mưa, tuyết rơi, anh vội vàng di chuyển mấy trăm chậu.
Anh chạy hộc tốc mới kịp đưa cả vườn rau vào nhà, bếp, kho… mà mưa chỉ 2-3 phút chưa đủ ướt đất, tuyết rơi cũng phảng phất. Lấy tay lau mồ hôi, anh tự cười mình.
Bây giờ, việc dự báo thời tiết chuẩn hơn trước cho nên làm vườn cũng nhàn hơn. Cả vườn rau gần 500 chậu với hơn 100 loại rau củ quả mà anh chỉ dành hơn 1 tiếng đồng hồ buổi sáng và 2 tiếng đồng hồ buổi tối để chăm và tưới nước. Vậy mà vườn rau xanh mướt, phát triển tươi tốt.
Từ chỗ rau trồng chỉ đủ ăn trong gia đình, dần dà, vườn rau của anh Vinh phát triển tốt, thừa rất nhiều. Cho nên, anh chia sẻ rau củ cho bạn bè, hàng xóm. Anh hoàn toàn không buôn bán, dù rau Việt ở Anh có giá rất cao.
34 năm xa xứ, gia đình anh Vinh chỉ ăn món Việt. Con cái của anh cũng ăn đồ Việt.
Anh Vinh tâm sự: “Tôi muốn tạo ra khu vườn đậm đà văn hóa Việt giữa trời Tây để con cháu hiểu về phong tục tập quán quê hương, nhận thức được việc giữ gìn văn hóa Việt.
Ngoài ra, khu vườn cũng mang đến cho cộng đồng Việt ở Anh có chút rau mang hương vị quê nhà.
Sau mỗi ngày làm việc, tôi cảm thấy thoải mái khi được ngồi ngắm vườn rau lớn lên từng ngày giữa mảnh đất cách Việt Nam mười mấy ngàn cây số”.
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tôi sợ mất đi một người phụ nữ có giá trị
Khi được hỏi: “Làm chồng của người vợ doanh nhân, anh có sợ bị lép vế không? Có sợ vợ không?”, anh Chánh Văn dí dỏm:
“Sợ! Sợ chứ (cười lớn). Nhưng tôi vẫn luôn nói với vợ rằng mình sợ mất đi một phụ nữ có giá trị như nàng, chứ không sợ mất nàng hay sợ mất mặt. Tôi còn sợ cả con mình nữa. Tôi sợ con sẽ xấu hổ khi nói về bố chúng. Tôi sợ rất nhiều, cả những người ngoài kia, sợ mình lạm dụng lòng tốt của ai đó, sợ mình làm phiền ai đó, sợ mình không còn giá trị sử dụng…
Chúng ta chỉ có thể trở thành một người hữu ích khi biết sợ việc mình làm trở nên vô ích. Tôi sợ thành kẻ vô dụng, sợ năm tháng trôi qua phí hoài, sợ sự rảnh rỗi của những thứ ta không dám sống, không dám trải nghiệm. Tôi là kẻ có nhiều nỗi sợ và đang mỗi ngày tự học cách chấp nhận, chứ không phải để chiến thắng nỗi sợ đó”.
Với nhà văn Hoàng Anh Tú, tặng quà cho vợ là việc khó. Theo anh, chất lượng mỗi món quà không phải nằm ở giá trị vật chất mà quan trọng là người nhận có cảm thấy hạnh phúc hay không? Vì vậy, tặng quà chính là trao nhau cảm xúc, giống như dành tặng nhau thời gian, sự lắng nghe không phán xét, định kiến và cả những phút im lặng đầy ý nghĩa...
Nổi tiếng là một người hay bày tỏ tình yêu với bà xã, anh tự tin: “Người ta chỉ ghen khi thấy vị trí của họ bị suy chuyển trong lòng đối phương mà thôi. Trải nghiệm đó chắc vợ tôi chưa có”.
Nhưng đôi khi, trong đời sống hôn nhân không thể tránh khỏi những cuộc cãi vã. Để hóa giải bất hòa, anh Tú cho rằng một mối quan hệ sống là mối quan hệ được xây dựng sau các mâu thuẫn. Chúng ta càng yêu thương ai đó thì càng dễ xảy ra mâu thuẫn với họ, nhưng sau tất cả là để hiểu nhau hơn chứ không phải ghét bỏ, tránh né.
“Theo năm tháng, tôi đang học cách bình hòa chính mình chứ không tìm cách bình ổn mâu thuẫn. Bởi đa phần mọi cuộc cãi vã đều bắt đầu từ những thứ rất nhỏ và khi không làm chủ được bản thân, ta sẽ biến nó thành cãi vã lớn, gây tổn thương đối phương. Chắc chắn là phải học hàng ngày cho dẫu hôn nhân của chúng tôi sắp tròn 20 tuổi”, nhà văn Hoàng Anh Tú trải lòng.
Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình
Để gìn giữ hạnh phúc bền lâu, anh Chánh Văn cho biết bí quyết nằm ở việc cả hai vợ chồng đều có chung quan điểm sống trân trọng gia đình. Dù bận rộn thế nào họ vẫn có tổ ấm tràn ngập yêu thương trong suy nghĩ cũng như lịch trình mỗi ngày.
Bên cạnh đó, việc dành cho con cái sự tự do cũng là một phương thức giáo dục đúng đắn.
Khi được hỏi về chuyện con cái của những người nổi tiếng đôi lúc phải đối diện với mạng xã hội, nhà văn Hoàng Anh Tú chia sẻ:
“Cả hai luôn tâm niệm việc sống sao để 3 con không xấu hổ về cha mẹ. Vợ tôi chính là người luôn khởi phát ý niệm đó. Nàng viết gì cũng thận trọng và thường gửi cho chồng đọc trước. Chúng tôi vẫn sửa chữa cho nhau và hoàn thiện bản thân liên tục như thế.
Vì rằng có những thứ tổn thương vô hình và chưa chắc xảy ra ngay đâu, có thể dăm năm, mười năm sau mới thành bão lũ dù hôm nay nó chỉ giống như một hạt mưa vô danh vậy. Ba đứa nhỏ nhà tôi cũng ý thức điều đó với mỗi status các cháu đưa lên mạng. Tôi không nghĩ đó là vì mình nổi tiếng, chỉ đơn giản là cách chúng ta sử dụng mạng xã hội thế nào mà thôi”.