Ai kế nhiệm ông trùm Wagner Progozhin?
Tiến sĩ Joana de Deus Pereira, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) nói với BBC rằng cái chết của ông Prigozhin có thể sẽ dẫn tới một sự cải tổ nhất định của nhóm Wagner.
Tuy nhiên, theo bà Joana, các hoạt động tổng thể của Wagner có lẽ sẽ vẫn diễn ra như dưới thời lãnh đạo của ông Prigozhin. "Wagner sẽ tiếp tục tồn tại trong tương lai, nhưng có lẽ dưới một cái tên khác. Tập đoàn Wagner đã chứng tỏ rằng nó có khả năng thích ứng và biển đổi. Chúng ta phải nhìn Wagner không chỉ với tư cách một con người mà là một hệ sinh thái".
Theo Times, Giáo sư chính trị quốc tế tại Đại học Lancaster, Amalendu Misra cho rằng cơ cấu lãnh đạo của Wagner được giữ bí mật nên sẽ khó biết được ai sẽ thay thế ông Prigozhin. Ruslan Trad, nhà phân tích an ninh thuộc Hội đồng Đại Tây Dương nhận định, một người có liên quan tới cơ quan tình báo quân sự Nga (GRU) có thể được bổ nhiệm làm lãnh đạo của Wagner. Nhân vật này sẽ phải có nhiều tiền để đảm bảo ngân sách cho các hoạt động của Wagner.
Lực lượng Wagner ở Ukraine và Belarus sẽ thế nào?
Trong năm qua, Wagner là lực lượng rất hiệu quả của Nga ở Ukraine. Họ đã giành được quyền kiểm soát các thành phố miền đông Ukraine là Soledar và Bakhmut. Tuy nhiên, cái chết của ông Prigozhin khó có thể tác động lớn tới cuộc xung đột của Nga và Ukraine, bà Emily Ferris thuộc RUSI nhận xét.
"Lực lượng Wagner đã ngừng hoạt động ở Ukraine kể từ sau vụ nổi loạn không thành và đã tới Belarus nên sẽ không ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc xung đột ở Ukraine". Nhà quan sát này nói, ít nhất là trong thời gian ngắn, lực lượng Wagner sẽ không quay lại khu vực giao tranh ở Ukraine.
Hiện, có khoảng 8.000 chiến binh Wagner được cho là đang đồn trú ở các trại tại Belarus, chịu trách nhiệm huấn luyện cho lực lượng đặc nhiệm ở quốc gia này. Wagner cũng đã chính thức đăng ký là công ty giáo dục tại Belarus vào ngày 4/8.
Tuy nhiên, theo ảnh vệ tinh mà BBC phân tích, một số ngôi lều trong trại chính của Wagner tại Osipovichi, phía đông nam thủ đô Minsk của Belarus đã được tháo dỡ. Một số đã được gỡ xuống hoàn toàn, một số được tháo dỡ một phần. Hiện chưa rõ, những người cư ngụ trong lều đã chuyển tới nơi nào khác ở Belarus hay rời khỏi nước này.
Nhà chức trách Belarus hiện chưa bình luận gì về thông tin trên.
Tương lai của Wagner tại châu Phi
Tương lai của lực lượng Wagner tại nước ngoài cũng chưa rõ ràng. Wagner đã hỗ trợ các chính phủ ở Syria, Mali, Cộng hòa Trung Phi và Libya. Trong những ngày gần đây nhất, trước khi tai nạn máy bay xảy ra, ông Prigozhin được cho là có mặt ở Tây Phi.
Tờ Time dẫn lời ông Alex Vines, Giám đốc chương trình châu Phi của Chatham House, cái chết được cho là của ông Prigozhin và cấp phó có thể khiến tinh thần của nhân viên Wagner ở châu Phi bị ảnh hưởng và khiến một số người rời bỏ lực lượng.
Tuy nhiên, Wagner sẽ tiếp tục ở lại châu Phi theo một hình thức nào đó ngay cả sau khi ông Prigozhin qua đời, Federica Saini Fasanotti, thành viên cấp cao tại Trung tâm An ninh, Chiến lược và Công nghệ Strobe Talbott, nhận định.
Wagner sẽ mau chóng bị lãng quên?
BBC dẫn lời bà Emily Ferris thuộc RUSI cho biết, trong trung hạn, các hoạt động của Wagner sẽ không bị ảnh hưởng nhiều vì cái chết của người đứng đầu. Tuy nhiên, về lâu dài, hoạt động của Wagner sẽ thay đổi.
"Rất có thể, Wagner sẽ chia thành hai nhóm, trong đó, nhóm không có thủ lĩnh ở Belarus sẽ giải tán và phe còn lại hoạt động ở nước ngoài sẽ biến thành một nhóm khác. Tên tuổi của Wagner có thể biến mất, nhưng lực lượng và phương pháp mà ông Prigozhin tạo ra thì không".
Ngày 4/7, hàng chục triệu cử tri đã đi bỏ phiếu bầu Hạ viện trong cuộc tổng tuyển cử tại Vương quốc Anh. Mặc dù nền chính trị Anh hoạt động dưới một hệ thống đa đảng, với nhiều đảng khác nhau tham gia vào các cuộc bầu cử, trên thực tế, đây là cuộc cạnh tranh giữa đảng Bảo thủ của Thủ tướng Rishi Sunak và Công đảng do ông Keir Starmer lãnh đạo.
Với kết quả chính thức được công bố sáng 5/7 (theo giờ Anh), Công đảng trên đà giành chiến thắng áp đảo, cho phép phe của ông Keir Starmer trở lại cầm quyền sau 14 năm đảng Bảo thủ nắm quyền.
Công đảng đã giành 412 trong số 650 ghế tại Hạ viện, tăng hơn 200 ghế so với hiện tại. Trong khi đó, số ghế của đảng Bảo thủ giảm xuống còn 121 ghế, chỉ còn khoảng 1/3 so với 365 ghế hiện nay. Đây là chiến thắng đầu tiên cho Công đảng trong 19 năm, và là thất bại bầu cử lớn nhất trong lịch sử đảng Bảo thủ.
Đáng chú ý, trong số những ghế đảng Bảo thủ mất bao gồm nhiều tên tuổi lớn nhất trong nền chính trị Anh như cựu Thủ tướng Liz Truss, người đã lãnh đạo chính phủ ngắn nhất trong lịch sử nước Anh, và 11 bộ trưởng nội các. Ngay sau khi kết quả chính thức được công bố, Thủ tướng Rishi Sunak đã từ chức, cho phép ông Keir Starmer chuyển vào số 10 Phố Downing và trở thành Thủ tướng mới của Anh.
Cuộc bầu cử ở Anh đáng chú ý khi nhìn đến xu hướng đang diễn ra trên khắp châu Âu, khi nhiều quốc gia phải chứng kiến những gì giới quan sát ví như “sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tuý cánh hữu”. Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) cuối tháng trước đã chứng kiến số phiếu cao lịch sử dành cho các đảng cánh hữu và cực hữu.
Kết quả của cuộc bầu cử đã gây ra tình trạng hỗn loạn chính trị tại một vài quốc gia, đặc biệt là Pháp. Tổng thống Emmanuel Macron đã kêu gọi tổ chức bầu cử quốc hội ngay sau khi phe cực hữu giành nhiều phiếu nhất trong cuộc bầu cử EP. Như dự đoán, đảng Tập hợp Quốc gia (RN) cực hữu đã giành chiến thắng trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử diễn ra vào tuần trước.
Trong khi Vương quốc Anh và châu Âu lục địa đang đi theo những hướng chính trị khác nhau, động lực đằng sau sự thay đổi những năm gần đây về cơ bản là giống nhau - cử tri đang khao khát sự thay đổi.
Dan Stevens, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Exeter, đã chia sẻ với CNBC sau cuộc bầu cử Anh, “trên khắp châu Âu, tâm trạng của phần lớn cử tri đang phản đối các chính phủ đương nhiệm”, và cho dù các đảng cầm quyền thuộc phe nào, có thể thấy rõ “xu hướng bất mãn nói chung và muốn sự thay đổi chung”.
Năm 2016, những lo ngại về chính sách nhập cư và chủ nghĩa hoài nghi đồng Euro lên đến đỉnh điểm trong cuộc trưng cầu dân ý rời khỏi EU năm 2016, khởi xướng Brexit. Gần đây hơn, người dân Anh đã phải đối mặt với một loạt thách thức đến từ đại dịch Covid-19, xung đột tại Ukraine, và chi phí sinh hoạt tăng cao.
Đối với phần lớn cử tri Anh, các chính quyền Bảo thủ Theresa May, Boris Johnson, Liz Truss, và Rishi Sunak đã thất bại hoàn toàn trong việc giải quyết các thách thức này. Các nhà phân tích cho biết, vào thời điểm Thủ tướng Rishi Sunak công bố cuộc tổng tuyển cử, người Anh đã chán ngấy và muốn có sự thay đổi ngay lập tức.
Khai thác sự bất mãn này, Công đảng đã sử dụng thông điệp “đem đến sự thay đổi” làm lời kêu gọi tập hợp đối với cử tri trên khắp quốc gia. Trong toàn bộ quãng thời gian trước ngày bầu cử, Công đảng đã đặt nhu cầu thúc đẩy nền kinh tế làm trọng tâm của chiến dịch tranh cử. Các thành viên của đảng này liên tục nói với cử tri rằng nước Anh cần có định hướng mới và tăng cường đầu tư trên khắp đất nước, nhưng điều này chỉ có thể đạt được thông qua phát triển kinh tế.
Với trọng tâm này, Công đảng đã không tập trung vào các vấn đề thường được phe cánh tả châu Âu ủng hộ như xung đột Israel - Gaza, biến đổi khí hậu, hay quyền lợi của cộng đồng LGBT trong chiến dịch tranh cử. Không chỉ vậy, Công đảng đã nỗ lực bác bỏ những ý kiến cho rằng nếu thắng cử, chính phủ của ông Starmer sẽ đánh thuế cao và chi tiêu cao...
Hình ảnh mà ông Starmer và các lãnh đạo của Công đảng muốn thể hiện cho người dân trong cuộc bầu cử là “những người trưởng thành” có khả năng điều hành đất nước và tập trung vào những vấn đề cấp bách, đồng thời vẽ lên một bức tranh cho thấy đảng Bảo thủ chỉ quan tâm đến quyền lực, dẫn đến chia rẽ nội bộ và không có khả năng quản trị đất nước.
Kể từ khi trục xuất Jeremy Corbyn, cựu lãnh đạo gây nhiều tranh cãi khỏi Công đảng vào đầu năm, ông Starmer đã làm mọi thứ để củng cố vị thế của Công đảng như một phe trung hữu đại diện cho phần lớn của nước Anh, thay vì chỉ ủng hộ quan điểm của nhóm cử tri cánh tả chiếm thiểu số.
Vương quốc Anh không phải quốc gia duy nhất đang hướng đến một sự thay đổi chính trị mang tính bước ngoặt. Trong vài năm gần đây, khắp Tây và Đông Âu, làn sóng dịch chuyển tương tự đang diễn ra, với sự trỗi dậy của các đảng dân túy và dân tộc cực hữu, thách thức và thay thế thế lực chính trị truyền thống.
Những thay đổi được thể hiện rõ qua sự ủng hộ gia tăng trong các cuộc thăm dò dư luận hoặc chiến thắng trong các cuộc bầu cử của các đảng như Fratelli d’Italia ở Italia, Partij voor de Vrijheid (PVV) ở Hà Lan, AfD (Alternative für Deutschland) ở Đức và RN ở Pháp.
Những đảng này ban đầu thường nổi lên như những phe phái phản kháng, vận động trên nền tảng chống nhập cư hoặc hoài nghi Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, những năm gần đây, các đảng này đã điều chỉnh chiến lược, áp dụng cách tiếp cận chính thống hơn để thu hút một lượng lớn cử tri tiềm năng, những người quan tâm đến các vấn đề mang tính quốc gia rộng lớn hơn như việc làm, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, bản sắc dân tộc và kinh tế.
Bất chấp Công đảng của Anh có quan điểm đối lập hoàn toàn so với các đảng cực hữu đang trỗi dậy trên khắp châu Âu, chính sự tập trung vào các vấn đề kinh tế và xã hội trước sự thất bại của các chính quyền đương nhiệm đã khiến cả hai bên thắng lớn.