Một số ấn phẩm của các nhà in đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh: Nhã Nam
Sách Lần theo dấu chữđược chia thành bốn phần. Trong đó, phần một tập trung phác thảo những đặc trưng trong lịch sử in ấn ở Việt Nam thời kỳ đầu thuộc địa (1862 - 1920). Ba phần còn lại của cuốn sách lần lượt đề cập đến “In ấn ở Nam Kỳ”, “In ấn ở Bắc Kỳ” và “In ấn của Công giáo”.
Ngoài ra, tác giả còn đính kèm ba phụ lục gồm: “Danh mục các nhà in và hiệu sách khác ở Việt Nam (1862 - 1920)”, “Thuật ngữ in ấn”, “Sơ đồ mối liên hệ giữa các nhà in ở Việt Nam giai đoạn 1862 - 1920)”.
Cuốn sách không chỉ có giá trị về mặt học thuật mà còn là tài liệu tham khảo quý giá cho các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, sinh viên ngành báo chí, xuất bản và những người quan tâm đến lịch sử phát triển văn hóa Việt Nam.
Nhân dịp này, Nhã Nam tổ chức ra mắt cuốn sách vào 9h30 ngày 7/12, tại tòa nhà Complex 01 Tây Sơn (số 29, ngách 31, ngõ 167 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội). Tại sự kiện, một số ấn phẩm của các nhà in đầu tiên tại Việt Nam được trưng bày và giới thiệu, gồm sách, báo, tạp chí, từ điển. Đây là những ấn phẩm quý giá thuộc sở hữu của hai nhà sưu tập là nhà báo Yên Ba và tác giả Trịnh Hùng Cường.
Tác giả Trịnh Hùng Cường sinh năm 1981, tại Bắc Ninh, là một nhà sưu tập sách cổ. Là cử nhân Vật lý ánh sáng (Đại học Bách khoa Hà Nội), nhưng với niềm đam mê sưu tầm tư liệu liên quan đến lịch sử, văn hóa Việt Nam, tác giả Trịnh Hùng Cường đảm nhiệm thêm vị trí chuyên viên khai thác tư liệu tại Thư viện Nguyễn Văn Hưởng.
Với hiểu biết phong phú về sách báo xưa của Việt Nam, anh thường sưu tập, khai thác và phục chế tài liệu liên quan đến lịch sử, chính trị và văn hóa Việt Nam.