Trước đó, một bức tâm thư chỉ trích việc Toyota chậm chạp trong việc phát triển xe điện đã được gửi tới CEO của Toyota – ông Aikio Toyoda. “Toyota không hề nỗ lực trong việc bắt kịp nhu cầu ngày càng lớn với xe điện. Hoặc là hãng phải nhanh chóng chuyển đổi sang xe điện hoặc sẽ bị lỗi thời”, bức thư đề cập. Nỗi lo lắng này không phải là không có cơ sở khi Toyota và nhiều hãng xe Nhật Bản khác đang có nguy cơ đánh mất vị thế dẫn đầu trước những hãng xe “non trẻ” khác.
Toyota cùng nhiều hãng xe Nhật Bản “rớt đài” trong cuộc đua xe điện
Khi các hãng xe từ Trung sang Mỹ đến châu Âu đổ xô vào phát triển xe điện với tốc độ chóng mặt thì các “tượng đài” trong làng xe Nhật Bản lại đang đứng “ngoài lề”. Theo Bloomberg Intelligence, trong 3 quý đầu năm 2022, doanh số bán xe chạy pin đã tăng khoảng 80% so với cùng kì năm ngoái bất chấp tổng doanh số bán ô tô toàn cầu giảm tới 4%. Tesla, BYD và Volkswagen là những hãng xe “thống trị” phân khúc xe điện và đáng chú ý là không có bất kì hãng xe Nhật Bản nào lọt top 20.
Trong năm 2021, 6 nhà sản xuất ô tô lớn của Nhật Bản chiếm khoảng 40% thị phần xe chở khách tại Mỹ. Tuy nhiên, cho đến quý II/2022, thị phần của các hãng xe Nhật đã giảm xuống còn 34% và đến quý III là 32%, theo thống kê của trang Bloomberg.
Năm ngoái, GM soán ngôi Toyota để trở thành hãng xe bán chạy nhất nước Mỹ trong khi doanh số bán xe của Toyota tại thị trường này giảm tới 9,6% vào năm 2022. Khi ngày càng nhiều người Mỹ lựa chọn mua xe điện, các hãng xe Nhật Bản trở thành những “kẻ yếu thế”, dù cho chúng là lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng trong nhiều thập kỷ qua.
Nhiều chuyên gia lo ngại các thương hiệu ô tô Nhật Bản sẽ dần bị ngó lơ ở các thị trường khác, không chỉ riêng Mỹ khi người người nhà nhà đang đổ dồn mọi sự chú ý vào xe điện. Nếu thế, đây sẽ là cái kết buồn dành cho các thương hiệu ô tô Nhật Bản – những “ông lớn” đã thống trị thị trường từ Đông Nam Á cho đến châu Phi.
Một trong những vấn đề lớn nhất mà các hãng xe Nhật Bản đang phải đối mặt là nhiều thị trường đang chuyển đổi sang sử dụng xe điện với tốc độ nhanh hơn nhiều so với dự đoán. Đơn cử như ở Đức và Anh có khoảng 15% xe mới là xe điện trong khi con số này ở Trung Quốc là hơn 20% chỉ trong 3 quý đầu năm 2022.
Cựu CEO của Nissan nhận định ngành sản xuất ô tô Nhật Bản cần phải bắt kịp xu thế xe điện, dù có thể bây giờ đã là quá muộn. Theo ông, Nissan đã đánh mất lợi thế của người tiên phong và các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản sẽ gặp khó khăn trong việc đuổi kịp các đối thủ “non trẻ” khác.
Vì đâu nhà sản xuất ô tô Nhật Bản thờ ơ với xe điện?
Sự hờ hững với xe điện của các hãng xe Nhật Bản không phải là điều khó hiểu. Trên thực tế, những hãng xe Nhật Bản đã bắt đầu phát triển các dòng xe thân thiện với môi trường từ rất sớm. Cách đây 25 năm, Toyota đã ra mắt mẫu xe hybrid Prius. Nissan cũng đã ra mắt mẫu hatchback Leaf vào năm 2009 – mẫu xe tiên phong trong thị trường xe điện.
Tuy nhiên, sự hào hứng với những mẫu xe điện đời đầu đã nhanh chóng biến mất khi doanh số bán xe không mấy khả thi. Điều này khiến các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản khi đó tin chắc rằng cuộc cách mạng xe điện sẽ chỉ diễn ra một cách chậm chạp và không phải là “miếng bánh ngọt dễ ăn”.
Một lý do khác khiến các hãng xe và giới chức Nhật Bản chậm trễ trong việc phát triển xe điện là vì lo ngại dòng xe này sẽ ảnh hưởng đến doanh số ô tô hiện có. Hơn nữa, điều này cũng ảnh hưởng đến mạng lưới các nhà cung cấp và nhà thầu phụ vì xe điện thường không cần nhiều bộ phận như ô tô truyền thống.
Theo báo cáo của Climate Group, sản xuất ô tô là một trong những ngành chủ lực của Nhật Bản, chiếm gần 20% hoạt động sản xuất trong nước và cung cấp tới 8% việc làm. Jesper Koll – trưởng nhóm chuyên gia của công ty dịch vụ tài chính Monex Group cho biết: “Sản xuất một chiếc xe điện sẽ khiến một nửa người dân ở Nagoya thất nghiệp. Từ đó, tiềm năng tăng trưởng của kinh tế Nhật Bản cũng sẽ bị thu hẹp”. Nagoya là “tụ điểm” của nhiều nhà sản xuất phụ tùng ô tô ở Nhật Bản.
Lợi thế thương hiệu có giúp hãng xe Nhật kịp “quay xe”?
Ý thức được sự phát triển thần tốc của xe điện, nhiều nhà sản xuất ô tô tại xứ sở hoa anh đào cũng đã đẩy mạnh đầu tư vào các dự án xe điện. Hãng Toyota đã rót 4 nghìn tỷ yên (tương đương 30 tỷ USD) vào kế hoạch ra mắt 30 xe điện vào năm 2030. Honda cũng bắt tay với GM để sản xuất mẫu SUV chạy điện ra mắt vào năm 2024 và hợp tác với Sony để phát triển xe điện cao cấp từ năm 2026. Hay như Nissan cũng mạnh tay chi tiền để giới thiệu nhiều mẫu xe điện mới.
Bất chấp những khó khăn hiện tại, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản được cho là vẫn có lợi thế nhất định sau nhiều năm dẫn đầu thị trường. Toyota, Honda hay các hãng xe Nhật Bản khác vẫn có độ nhận diện thương hiệu lớn với mạng lưới phân phối và dịch vụ tại nhiều thị trường quốc tế. Dẫu vậy, giới phân tích cho hay nếu không có kế hoạch kĩ lưỡng và thông minh, các hãng xe Nhật Bản sẽ không thể bắt kịp các đối thủ.
Động lực hướng tới dòng xe BEV tăng lên khi Chính phủ tại nhiều quốc gia châu Âu và Mỹ đã ban bố lộ trình cấm xe sử dụng động cơ đốt trong trong 10-15 năm tới, bao gồm cả xe hybrid vốn là thế mạnh của Toyota.
Trong khi đó, quá trình chuyển đổi xe điện và phần mềm dành cho xe tự hành đang tạo cơ hội cho các nhà sản xuất ô tô trẻ tuổi hơn tham gia vào sân chơi bình đẳng. Theo các chuyên gia, để duy trì tính cạnh tranh, Toyota còn rất nhiều việc phải làm trên cả hai phương diện này.
Trong báo cáo gần đây về chiếc lược xe năng lượng mới của Toyota, hãng xe Nhật Bản đặt ra mục tiêu đầy tham vọng khi bán 3,5 triệu xe điện vào năm 2030. Nhưng kết thúc năm tài chính năm 2022, xe điện của Toyota chỉ chiếm 0,2%, tương đương 16.000 xe trong tổng số 9,5 triệu xe đã bán ra trên toàn cầu.
Ông Sanshiro Fukao, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu Itochu cho biết: "Điều quan trọng nhất đối với Toyota ngay bây giờ là phải tăng tốc độ phát triển xe điện hơn bao giờ hết".
Chính sự thành công vang dội của Toyota với các loại xe hybrid cũng đã khiến việc chuyển sang xe điện trở thành một thách thức không nhỏ đối với nhà sản xuất ô tô hàng đầu của Nhật Bản.
Ông Koji Sato cũng nhận thức rõ các xu hướng đang làm thay đổi ngành công nghiệp ô tô và tuyên bố rằng Toyota sẽ đẩy nhanh quá trình phát triển xe BEV bằng một cách tiếp cận khác so với trước đây.
Nhưng công ty vẫn sẽ đưa ra cho khách hàng nhiều sự lựa chọn, không chỉ có xe điện mà còn cả xe xăng, xe hybrid, xe FCV. Chiến lược đa giải pháp của Toyota khi phát triển xe điện sẽ không thay đổi dưới triều đại của ông.
Thực tế, Toyota luôn tỏ ra thận trọng đối với các phương tiện năng lượng mới và cho rằng đây chỉ là một trong nhiều loại phương tiện sẽ đóng vai trò trung hòa carbon.
Điều này xuất phát từ lo ngại rằng việc chuyển đổi từ động cơ đốt trong sang pin có thể giáng một đòn mạnh vào các nhà cung cấp, toàn bộ lĩnh vực ô tô và ngành công nghiệp chủ chốt của quốc gia.
Đó là lý do tại sao Toyota vẫn trung thành với chiến lược đa giải pháp nhằm hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0. Đại diện của Toyota cho biết việc mở rộng dòng sản phẩm và bán xe điện sẽ chỉ bắt đầu từ năm 2026.
Theo nhiều chuyên gia, việc phải mất 3 năm nữa mới có một sản phẩm xe điện là quá chậm và sẽ khó có thể cạnh tranh trên thị trường ô tô năng lượng mới.
Trong khi các đối thủ như Tesla và các nhà sản xuất của Trung Quốc liên tục tung ra các mẫu xe điện mới với tốc độ ra mắt rất nhanh. Sự cạnh tranh của xe điện cũng đang gia tăng một cách chóng mặt. Trong khi Toyota lại không có nhiều sự lựa chọn về xe điện.
Một mối quan tâm khác của các nhà phân tích là cách tiếp cận của Toyota đối với phần mềm dành cho xe tự hành và các công nghệ hỗ trợ người lái bởi điều này cũng rất quan trọng trong cuộc đua của xe điện.
Cuộc cạnh tranh để làm cho những chiếc xe ô tô hấp dẫn hơn thông qua phần mềm sẽ dễ dàng thực hiện với xe điện hơn là xe sử dụng động cơ đốt trong. Hiện tại, Toyota cũng đang ở phía sau trong cuộc đua này.
Do đó, nếu thất bại trong việc chuyển đổi sang xe điện và phần mềm cho dòng xe này, rất có thể Toyota sẽ đi theo con đường giống như một số ông lớn trong ngành điện thoại di động đã bị loại khỏi cuộc chơi sau sự xuất hiện của Apple iPhone.
Chính vì vậy, vị tân Chủ tịch của Toyota nhấn mạnh: "Trận chiến đã bắt đầu, ở đây sẽ không có kẻ thắng người thua mà chỉ là sống hay chết.
Xe điện không phải là cách duy nhất để chiến đấu trong trận chiến này nhưng nó sẽ là chìa khóa quan trọng giúp Toyota vượt qua mọi sự chỉ trích về năng lực của nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới.
Theo Nikkei Asisa
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!
Kể từ khi ra mắt, cuộc tranh luận về những ưu, nhược điểm của những mẫu xe điện cỡ nhỏ chưa bao giờ có điểm dừng. Tuy nhiên, hầu hết những tranh cãi đó chỉ dừng lại ở phỏng đoán. Chỉ đến gần đây, khi số lượng người dùng xe điện cỡ nhỏ tăng cao, người ta mới có một cái nhìn tổng quan và chân thật hơn về chúng.
Hấp dẫn người mua với giá rẻ và sự tiện lợi
Theo khảo sát của Inf.news, trong 50 người khi được hỏi có sẵn sàng bỏ tiền ra mua một chiếc Wuling Hongguang MINI EV hay không thì có tới 40 người trả lời đồng ý. Thậm chí, 12 trong số 40 người này hiện đã sở hữu một chiếc Wuling Hongguang MINI EV nhỏ gọn. Dựa trên những trải nghiệm ban đầu, xét cả về thiết kế, nội thất, trải nghiệm lái, Wuling Hongguang MINI EV đều được đánh giá trên 7 điểm.
Một trong số đó cho hay: “Ngay từ trước khi mua Wuling Hongguang MINI EV tôi đã không đặt ra yêu cầu và kỳ vọng quá cao. Đối với tôi, Wuling Hongguang MINI EV cũng giống như những chiếc xe khác, chỉ cần giá rẻ và tiện lợi là quá đủ”.
Tài khoản Sunny Luo chia sẻ cô và gia đình đã sử dụng chiếc Wuling Hongguang MINI EV được 3 tháng và cảm thấy ổn với quyết định của mình. Cô sử dụng chiếc xe điện mini này để đi làm và đi chơi vào những ngày cuối tuần. Sau 3 tháng cô nhận thấy chi phí “nuôi” một chiếc Wuling Hongguang MINI EV rẻ hơn đáng kể so với xe xăng dù tính hữu dụng của chúng gần như là giống nhau.
“Việc sạc điện cho chiếc Wuling Hongguang MINI EV này khá dễ dàng bởi nó có kích thước nhỏ gọn nên tiện để sạc tại nhà. Thường thì tôi chỉ cần cắm sạc vào buổi tối hôm trước và sáng hôm sau đã có một chiếc xe đầy pin, sẵn sàng để đi làm”, cô chia sẻ.
Jason Torchinsky tại Chicago, Mỹ cũng có trải nghiệm đáng ngạc nhiên với chiếc xe điện mini Trung Quốc Changli Freeman. Đầu tiên, anh khá bất ngờ khi có thể mua chiếc Changli Freeman trên web Alibaba.com. “Tôi không nghĩ rằng mình có thể mua được một chiếc ô tô giống như cách mua chiếc Playstation 5”, Jason chia sẻ.
Chiếc xe được vận chuyển đến trong một thùng gỗ khá lớn. “Tôi thực sự đã chuẩn bị tâm lý là sẽ chỉ nhận được một chiếc xe giống như đồ chơi trẻ em, với cấu trúc mong manh và không thể chạy. Thế nhưng, những gì tôi nhận được là một chiếc ô tô nhỏ với thiết kế khéo léo cùng thân xe chắc chắn.
Thậm chí, chiếc xe điện mini này còn được trang bị đèn pha và đèn báo, cần gạt nước, máy sưởi, radio thậm chí cả một camera dự phòng kì dị. Chiếc xe điện Changli Freeman tốt hơn rất nhiều so với tưởng tượng của tôi”, anh nói.
Mặc dù có tốc độ tối đa khoảng 25 dặm/giờ nhưng với Jason, chiếc xe điện Changli Freeman thực sự là “một giải pháp di chuyển ấn tượng”. “Tôi sử dụng nó để đi đến cửa hàng tạp hóa, siêu thị. Đôi khi tôi đưa con mình đến trường hoặc đến chơi ở nhà bạn. Tôi cũng dùng chiếc xe Changli Freeman để di chuyển xung quanh thị trấn. Chiếc xe nhỏ gọn giúp tôi có thể đỗ nó ở bất kì đâu, trong các ngách nhỏ hoặc ngay ở phía sau của một chiếc ô tô lớn khác”.
Với thời gian dài sử dụng, vị khách này hài lòng với chiếc xe điện cỡ nhỏ - thứ mà nhiều người nghĩ là “đồ chơi” hay “trò đùa của các hãng xe điện”. Chiếc Changli Freeman đáp ứng được khoảng 75% nhu cầu của Jason. “Chiếc xe còn khá dễ lái. Nếu so với một chiếc xe đạp điện, rõ ràng Changli Freeman có ưu thế hơn khi bảo vệ người dùng khỏi thời tiết và có thể chứa được nhiều đồ đạc hơn”.
Micah Toll, một người dùng xe điện mini từng chia sẻ trên tờ Electrek cho hay anh nhận được một chiếc Minghong S1 Pro và ngạc nhiên trước những trải nghiệm mà nó mang lại. “Chiếc xe nhỏ gọn nhưng tôi vẫn có thể “nhét” 3 đứa trẻ vào hàng ghế sau cùng vợ mình ở ghế bên cạnh. Chở tới 5 người trên xe nhưng hiệu suất của Minghong S1 Pro vẫn không giảm khiến tôi ấn tượng”, Micah chia sẻ.
Với anh “xe điện mini là phương tiện cực kỳ thú vị và tiện lợi. Tôi tin rằng chúng có quá nhiều tiện ích và làn sóng xe điện cỡ nhỏ sẽ sớm khuấy đảo các thị trường quốc tế, ngoài Trung Quốc”.
Vẫn còn những lo lắng về độ an toàn
Mặc dù hài lòng với chiếc Wuling Hongguang MINI EV nhưng người dùng Sunny Lou vẫn chỉ ra một số yếu điểm của mẫu xe điện giá rẻ này. “Vì bánh xe khá nhỏ và thân xe nhẹ nên tôi luôn phải chú ý giảm tốc độ mỗi khi đánh lái và rẽ. Nếu không, tôi sẽ phải trả giá bằng một cú ngã nhào. Tốt nhất là luôn chạy xe với tốc độ ổn định. Nhiều khi tôi phải căng não để dự đoán trạng thái lái xe của xe phía trước, tránh không phanh gấp”, Lou nói. Ngoài ra, khả năng cách âm của chiếc Wuling Hongguang MINI EV gần như bằng 0.
Một người dùng Wuling Hongguang MINI EV khác tỏ ý không hài lòng khi lái thử chiếc xe. “Nó quá bé và nếu bạn cao trên 1m75, bạn sẽ bị chạm đầu vào trần xe. Cảm giác này khá khó chịu khiến tôi không thể tập trung lái xe”, anh nói. Chưa kể, với chiều cao này, mắt của bạn sẽ ngang tầm với gương chiếu hậu. Điều này ảnh hưởng tới khả năng quan sát đường xá của người lái, đặc biệt là khi rẽ.
Trong khi đó, Micah Toll cũng đề cập đến một số điểm cần khắc phục của mẫu xe điện cỡ nhỏ Minghong S1 Pro dù khá hài lòng với nó. “Việc không có điều hòa khiến không gian bên trong xe bí bách. Ngoài ra, sau hơn 1 tuần sử dụng, hàng ghế sau đã rơi bản lề. Rõ ràng là dù nó cực kì hữu ích và thú vị nhưng chất lượng xe vẫn là một điều đáng lo ngại”.
Chiếc xe điện cỡ nhỏ cũng chỉ được trang bị phanh đĩa thủy lực. “Dù chúng hoạt động tốt nhưng đôi lúc tôi phải đạp chân phanh mạnh hơn so với khi sử dụng một chiếc ô tô thông thường. Chưa kể, vào những ngày mưa, tôi phải lái xe một cách cẩn thận nếu không muốn chiếc xe bị lật khi phanh”. Micah Toll nói.
Rõ ràng, sự tiện lợi và giá cả của những mẫu xe điện cỡ nhỏ là điều không cần bàn cãi. Tuy nhiên, các nhà sản xuất cần phải giải quyết được bài toán làm sao để những mẫu xe điện này trở nên an toàn hơn cho người dùng.
Minh Nhật (Tổng hợp)