Mạc Văn Khoa tự nhận thành công trong nghề diễn nhờ những khuyết điểm vốn khiến anh tự ti như đen, xấu, giọng nói đặc quê mùa.Sau 3 năm vào TP.HCM theo đuổi nghề diễn, diễn viên hài sinh năm 1992 đã có sự thay đổi bất ngờ. Từ con số không, hiện anh đã có trong tay giải Á quân Cười xuyên Việt, vai diễn duyên dáng trong Cua lại vợ bầu, Lật mặt... Nhờ đó, thu nhập của Mạc Văn Khoa từ 200-300.000 đồng tăng lên vài trăm triệu đồng mỗi tháng như lời kể của anh.
Nhìn lại mình của hiện tại, nam diễn viên quê Hải Dương bật cười: “So với nhiều người tôi vẫn không là gì cả nhưng với bản thân, đó là bước tiến dài. Và phải may mắn lắm, tôi mới có được ngày hôm nay”.
 |
Mạc Văn Khoa: Kiếm vài trăm triệu mỗi tháng nhưng tôi ít để ý đến tiền |
Đen xấu, nói ngọng vẫn quyết tâm theo nghề diễn
Sinh ra ở miền quê nghèo của tỉnh Hải Dương, tuổi thơ của tôi gắn bó với đồng ruộng, đồi núi. Nhà nằm giữa hai quả đồi, xung quanh là vườn tược, cây cối, muốn tới nhà hàng xóm, tôi phải đi một đoạn đường xa.
Vì vậy, suốt tuổi thơ, tôi chỉ quanh quẩn ở nhà, trường học. Tính cách nhút nhát, ít nói có lẽ ảnh hưởng một phần bởi môi trường sống.
Quan trọng nhất là tôi tự ti với ngoại hình của mình. Từ nhỏ, tôi cảm thấy thua thiệt bạn bè vì vóc dáng gầy gò, vừa đen vừa xấu, nói ngọng. Có người đến chơi nhà, tôi không dám chào hỏi mà chạy trốn.
Tôi chỉ thực sự bước ra khỏi vỏ ốc của mình từ năm học lớp 8. Khi đó, tôi được thầy giáo chọn đóng vai lính trong một vở kịch của trường. Đóng khố, nói đúng một câu nhưng sự xuất hiện của tôi trên sân khấu khiến mọi người thích thú. Tôi tự tin hơn khi nghe mọi người nhận xét có khiếu hài, duyên.
Từ vai diễn nhỏ đó, ngọn lửa diễn xuất bắt đầu nhen nhóm trong tôi. Tôi xem hài và tưởng tượng mình được diễn như các nghệ sĩ không. Tôi cũng tự nghĩ các tình huống và câu nói hài để dành, làm vốn mỗi khi đi diễn kịch ở trường, xã.
Càng lớn, hy vọng được đứng trên sân khấu, diễn trước khán giả càng cháy bỏng trong tôi. Tốt nghiệp cấp ba, tôi đăng ký thi vào khoa diễn viên của Đại học sân khấu điện ảnh Hà Nội. Tuy nhiên, mơ càng cao, vỡ mộng càng đau, tôi bị loại ngay vòng đầu.
Nhìn các thí sinh khác, tôi trách mình đã quá ảo tưởng và thầm nhủ môi trường này có lẽ không dành cho mình. Làm sao có cơ hội cho một đứa xấu xí, ăn mặc quê mùa, nói ngọng như mình được vào học, khi xung quanh là dàn thí sinh cao ráo, xinh đẹp, sành điệu. Tôi buồn bã, lủi thủi trở về quê.
Cơ hội được học nghề mở ra từ dịp tôi vào Nha Trang thăm chị gái. Trên đường đi, tình cờ đọc thông tin Cao đẳng nghệ thuật Nha Trang tuyển khoa đạo diễn nên tôi quyết định thi. Trường ở địa phương nên mức độ cạnh tranh không như Hà Nội, tôi đã thi đỗ.
Lớp học của tôi chỉ có 6 sinh viên và không ai đẹp nhưng tôi vẫn giữ ngôi vị xấu trai nhất. Lần này, không còn bị ái ngại vì sự xấu đẹp, nhưng tôi vẫn ám ảnh giọng nói của mình.
Tôi bị ngọng hai chữ "n" và "l". Mỗi lần tôi phát biểu, cả lớp cười ồ. Ba năm học, tôi cố gắng luyện tập và phát âm đúng hai vần này. Riêng chất giọng quê đặc trưng, tôi không thể thay đổi.
Sự thay đổi nhỏ nhoi đó không là gì khi tôi bước chân vào Sài Gòn tìm kiếm cơ hội. Bắt đầu từ số không tròn trĩnh, tôi không biết làm gì ngoài việc đăng ký học kịch tại sân khấu của NSƯT Trịnh Kim Chi. Vừa học vừa diễn kịch, cát-xê tôi nhận được là 50.000 đồng cho mỗi vai diễn.
 |
"Tôi ít chú ý đến tiền" |
Hơn nửa năm, tôi sống bằng tiền trợ cấp của bố mẹ. Lúc đó, tôi cũng khao khát được đi đóng vai quần chúng cho đoàn phim nhưng không biết liên hệ với ai.
Tương lai mù mịt, không có cơ hội, bản thân day dứt vì vẫn ăn bám bố mẹ, tôi quyết định nghỉ sân khấu. Tôi đi chở gạch cho một người anh làm vật liệu xây dựng. Trong lúc nghĩ đến việc đi xuất khẩu lao động Đài Loan thì tôi đọc được thông tin tuyển sinh chương trình Cười xuyên Việt 2015.
Dự thi với tâm thế thử sức nhưng không ngờ, tôi vượt qua vòng loại, được Anh Đức nhận xét diễn có duyên. Và cuối cùng, tôi đoạt giải Á quân. Cột mốc này đã thay đổi cuộc đời tôi. Nếu không có giải thưởng, có thể tôi đã chuyển nghề, đi xuất khẩu lao động.
Từ đây, cánh cửa nghề mở ra, nhiều cơ hội từ đóng phim, chương trình truyền hình đến với tôi. Hiện tại, chưa có vai diễn lớn ở điện ảnh nhưng các vai phụ của tôi đều nhận được phản hồi tốt từ khán giả. Mỗi khi nhìn lại, tôi vẫn cảm thấy như đang sống trong giấc mơ của chính mình.
Tôi may mắn nhưng không phủ nhận bản thân cũng cố gắng hết sức với từng vai diễn, chương trình mình tham gia. Ví dụ, với vai Tuấn trong Cua lại vợ bầu, tôi phải nghiên cứu kỹ kịch bản, tìm cách tạo ra điểm nhấn cho nhân vật. Sau đó, đến trường quay, tôi lại bàn bạc với anh Trấn Thành, đạo diễn. Tôi quan điểm cố gắng hết sức ngay từ đầu, để sau này không hối tiếc.
"Tôi ít chú ý đến tiền"
Công việc thuận lợi, cuộc sống của tôi cũng dần ổn định. Nếu trước đây, tôi mơ ước kiếm được 5 triệu/tháng thì bây giờ thu nhập, có tháng vài trăm triệu đồng.
Tuy nhiên, bản thân tôi không quá chú ý tới tiền. Tôi không nghĩ chuyện đầu tư ra sao, tích lũy thế nào. Ai gửi bao nhiêu tiền, gửi khi nào thì lúc đó tôi biết.
Nam diễn viên hài sống giản dị, xuề xòa.
Làm xong chương trình này, tôi lại dồn tâm sức vào chương trình, bộ phim khác, không quan tâm đến việc đối tác đã trả cát-xê hay không. May mắn, tôi làm việc với các nhà sản xuất uy tín nên yên tâm về khoản tiền bạc.
So với Mạc Văn Khoa thời mới ra trường, tôi hầu như không thay đổi. Mặc sang chảnh, ăn uống nhà hàng, lui tới chốn sành điệu không có trong mục đích sống của tôi.
Tôi vẫn thích ăn quán lề đường, đi dép tổ ong, dép lào hơn đi giày, mặc vest. Vì thế, trong nhà chỉ có một đôi giày tây, vài đôi giày thể thao nhưng ít khi tôi dùng tới. Mỗi lần đi sự kiện diện vest, đóng giày tôi cảm thấy nóng nực và gò bó vô cùng.
Với những món đồ là kỷ niệm thì tôi phải dùng và giữ đến khi hỏng mới bỏ. Bạn bè thắc mắc tại sao tôi vẫn dùng điện thoại Iphone 5S, đã hư nút nguồn, pin bị chai.
Tôi khẳng định bao giờ điện thoại không dùng được mới bỏ. Đây là chiếc điện thoại đầu tiên tôi mua được khi kiếm được tiền, là vật ghi dấu kỷ niệm ngày khó khăn, tôi rất trân trọng. Ngoài ra, chiếc xe máy lần đầu mua, đôi dép và bộ đồ thi Cười xuyên Việt tôi vẫn giữ lại.
Ai cũng nói tôi nên đầu tư, nâng cấp cho vẻ ngoài hơn nhưng để làm gì khi điều đó làm cho bản thân khó chịu, không thoải mái. Cuộc đời này quý nhất là tự do, sống không được là chính mình thì quả áp lực, đáng sợ.
Trong cuộc sống, tôi không có quá nhiều nhu cầu cần tiêu tiền. Đối với tôi, quan trọng nhất là lo lắng bố mẹ. Xuất thân từ khó khăn, tôi càng thấu hiểu nỗi khổ bố mẹ đã trải qua. Vì thế, khi kiếm được tiền, điều đầu tiên tôi muốn làm là bù đắp cho gia đình bằng cách xây nhà mới, giúp bố mẹ có cuộc sống đầy đủ lúc tuổi già.
Bạn gái chấp nhận yêu ngay cả khi tương lai của tôi mù mịt
Cũng như công việc, chuyện tình cảm của tôi cũng may mắn và khá suôn sẻ. Tôi và bạn gái đã có 4 năm hẹn hò. Cô ấy chấp nhận yêu ngay khi tôi không có gì, ngoài tương lai mù mịt.
Thời gian đầu hẹn hò, tôi ít gặp bạn gái, chỉ nhắn tin hỏi thăm. Lúc đó, tôi không đủ tiền nuôi bản thân thì sao có thể mời cô ấy đi ăn, đi uống. Nếu có, chúng tôi chỉ hẹn nhau ở công viên, đi chơi ở nhà thờ Đức Bà - những nơi không tốn tiền.
Vào mỗi dịp lễ, Tết, tôi cảm thấy chạnh lòng vì mình không có quà tặng bạn gái. Bù lại, tôi chỉ nói được những câu ngôn tình, lá thư vui, tình cảm gửi cô ấy.
Cùng nhau đi lên từ khó khăn nên tôi càng trân trọng tình cảm này. Ở bên cạnh cô ấy, tôi được là chính mình, thoải mái nói mà không cần rào đón.
Gia đình cô ấy cũng dành cho tôi sự yêu thương và tin tưởng. Có lẽ cùng là người Bắc, vào Sài Gòn lập nghiệp nên họ chia sẻ với khó khăn ban đầu của tôi. Bố mẹ cô ấy thương tôi như con trong nhà, động viên tôi cố gắng khi chưa có gì trong tay. Bây giờ, cả gia đình tự hào về tôi, không bỏ qua bất cứ vai diễn, chương trình nào tôi tham gia.
Về chuyện đám cưới, bạn gái và gia đình đã thúc giục nhưng tôi muốn lo nhà cửa ổn định trước. Tôi tin rằng khi cả hai trải qua khó khăn cùng nhau thì mọi khúc mắc, nếu có, sẽ vượt qua dễ dàng.
(Theo Zing)

'Cua lại vợ bầu' đánh bại doanh thu khủng của 'Em chưa 18'
Bộ phim chiếu Tết nhiều ồn ào của Trấn Thành chính thức vượt mặt "Em chưa 18" để trở thành phim Việt có doanh thu cao nhất lịch sử phòng vé.
" alt=""/>Mạc Văn Khoa: Kiếm vài trăm triệu mỗi tháng nhưng tôi ít để ý đến tiền
Trong cuộc trò chuyện với báo chí vào đầu năm 2019, Đan Trường thẳng thắn chia sẻ chuyện bị so sánh với đàn em, cảm giác khi bị đánh giá hết thời. Anh cũng không ngại thừa nhận luôn nhường nhịn vợ vì cả hai luôn khắc khẩu.Làm sao tôi dám vỗ ngực mình không hết thời
- Phim ngắn thể loại cổ trang được nhiều nghệ sĩ ồ ạt làm trong năm 2018, anh ra "Mưa trên cuộc tình" vào đầu năm 2019, có sợ bị đánh giá đi sau đàn em?
- MV cổ trang tôi đã làm từ rất lâu rồi, không phải bây giờ mới bắt đầu. Việc sản phẩm ra sau cũng là điều bình thường. Tôi nghĩ mình ra sau để sản phẩm của mình không bị trùng, càng được chú ý. Tôi tự tin mình có nhiều kinh nghiệm trong việc làm phim ngắn cổ trang. Đặc biệt đây là sản phẩm có đông đảo nghệ sĩ nổi tiếng tham gia.
Anh gặp những áp lực gì khi bây giờ ca sĩ trẻ, đình đám sở hữu sản phẩm đạt hàng chục, trăm triệu view?
- Tôi quen với điều đó nhiều năm qua. Không phải là ca sĩ có MV đạt trăm triệu view nhưng tôi vẫn có show diễn mỗi ngày. Nhiều khi nhìn lại, tôi vẫn không nghĩ mình còn đứng vững được như ngày hôm nay. Vì vậy, tôi không nao núng về view nhiều hay ít. Tôi biết rằng ở bên cạnh luôn có một lượng fan nhất định và sẵn sàng ủng hộ đêm diễn của mình.
Áp lực lớn nhất với tôi là tuổi tác. Mọi người gọi tôi là ca sĩ trẻ mãi không già nên sợ già và sợ xấu lắm. Tôi nghĩ, ngày nào mình già, chắc đi ở ẩn luôn quá. Áp lực về tuổi tác khiến tôi phải giữ mình, đôi khi rất mệt mỏi. Dù làm việc thế nào, tôi vẫn phải nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ, tập thể dục điều độ, không thức đêm.
- Đi diễn tỉnh đều đặn và có lượng fan ổn định nên anh không đặt nặng việc ra mắt các MV đột phá, mới mẻ?
- Mỗi năm, ca sĩ trẻ ra sản phẩm đột phá nhiều lắm nhưng thắng thua thì vẫn không nói trước được. Có những bài hát bình thường, quay một chỗ mà vẫn có hit, nhưng có MV đầu tư hoành tráng lại không được chú ý. Điều đó chứng tỏ không phải làm MV quá ấn tượng, đầu tư quá nhiều tiền thì sẽ có hit.
Hơn nữa, ở tuổi của tôi không thể nhảy cà tưng, mặc đồ màu mè được, làm gì cũng phải chừng mực. Điểm mạnh của mình là gì thì tập trung thôi.
Có thể nói rằng, từ lúc trên đỉnh nhất hay khi bị các bạn trẻ vượt mặt thì tôi đều không hề nao núng. Chứng kiến các bạn toả sáng, tôi nghĩ mình như tạm nghỉ qua cơn sốt, mọi việc sẽ trở lại bình thường.
 |
Đan Trường cho biết hiểu quy luật của cuộc sống nên bình thản làm nghề. Ảnh: Bá Ngọc. |
- Trước những so sánh hơn thua với đàn em, anh phản ứng thế nào?
- Tôi mừng vì mình vậy mà còn được so sánh. Tại sao họ không liệt tôi vào hàng bảo tàng, đã qua thời? Đan Trường vẫn còn được nhắc tới chứng tỏ vẫn còn hot. Tôi nói thật, nổi tiếng cỡ nào rồi cũng sẽ hết. Các bạn đang nổi rồi cũng đến lúc phải qua thời. Quan trọng là khi nổi tiếng mình làm được gì có ích cho bản thân, gia đình và khán giả nhớ tới.
Qua thời là quy luật làm sao tránh khỏi. Làm sao tôi dám vỗ ngực nói rằng mình mãi mãi đương thời, đến khi chết. Khi biết quy luật thì mình sống thanh thản hơn. Vì vậy tôi không để mình bực tức bởi những chuyện bình thường đó.
- Đối diện với sự thay đổi, nhất là từ đỉnh cao đến không còn là tên tuổi hot, anh có bị giao động tâm lý?
- Tôi vẫn còn đi hát nhiều, vẫn có nhiều fan yêu thương, chứ đâu đến mức bị quên hoàn toàn mà đau khổ. Tôi vẫn đi hát mỗi ngày, một tháng 30 ngày chạy show nhưng không thích kể lể trên Facebook.
Bây giờ, tôi cảm thấy bình thản đối diện với mọi chuyện trong cuộc sống, làm nghề không nóng vội. Mọi thứ tôi làm phải bài bản, nghiêm khắc và không hời hợt.
Ngay cả, khi kết hôn, số lượng fan giảm hơn, tôi cũng không nao núng. Các bạn ấy không còn mơ mộng nữa, một số bạn quay ra hâm mộ người khác. Các bạn có thể hâm mộ người khác nhưng tôi tin vẫn sẽ không quên được tôi.
Tôi tin rằng không có ca sĩ nào tình cảm như Đan Trường. Khi đã là fan của tôi thì tôi giao lưu, nhớ tên từng bạn, tâm sự chứ không đơn giản cười và chụp hình là xong.
Một mùa Tết chạy 180 show
- Ở tuổi anh, đa số các ca sĩ đều tận hưởng cuộc sống bên gia đình hơn là chạy show miệt mài. Còn anh, ngay cả dịp Tết cũng không nghỉ, anh đam mê kiếm tiền đến thế?
- Tôi chạy show không phải vì tiền mà muốn được gặp fan ở mọi nơi trên cả nước. Nếu tôi không về tỉnh diễn, họ phải di chuyển lên Sài Gòn xem thì rất cực. Một buổi tối, tôi hát 5 show, chạy 5 điểm ở tỉnh là chuyện bình thường. Tôi hát nhiều đến mức sợ chính mình luôn đó.
Vào dịp Tết, tôi lại càng không có thời gian cho bản thân, gia đình. Những năm trước, tôi hát liên tục, cao điểm nhất là chạy 180 show trong một mùa Tết.
- Đối với anh dường như chỉ có công việc và công việc, anh dành thời gian nào cho vợ con trong dịp Tết, trong khi hàng ngày đã xa cách?
- Tất nhiên có vợ con, tôi phải dành thời gian cho gia đình nhiều hơn. Nếu 22 năm qua, tôi không có cảm giác đón Tết thì năm nay tôi dành một tuần cùng gia đình đi chơi, thăm hỏi họ hàng hai bên. Tôi chỉ diễn ở Việt Nam vào ngày 30 Tết đến mùng 4 thì đi Mỹ.
Tôi và Thuỷ Tiên bị khắc khẩu, không ở gần nhau được. Thậm chí, khi đi diễn, tôi và cô ấy vẫn ở khác phòng vì cứ gặp là cãi nhau kinh khủng.
 |
Đan Trường và vợ con định cư ở Mỹ. |
- Đan Trường nhẹ nhàng, quan tâm với fan nhưng trong vai trò người cha, người chồng của gia đình thì thế nào?
- Trong công việc, tôi đâu ra đó, rõ ràng và phải đúng nhưng trong gia đình phải nhịn nhiều lắm. Tôi và vợ khắc khẩu, cả hai cùng nóng thì gia đình không yên ổn. Vì vậy khi có mâu thuẫn, cả hai xung đột ý kiến tôi nhường vợ đúng luôn. Tôi hay đùa với mọi người "xưa Đan Trường hét ra lửa, giờ chỉ hét ra khói".
Tôi yêu con nhưng lại không có khiếu chơi với em bé. Nếu phải trông con cả ngày, tắm, thay tã cho bé là tôi làm không được. Tôi chơi với con thì cũng phải có vú chăm. Nếu chăm con cả ngày, tôi cảm thấy mình bị già.
(Theo Zing)

Tình cũ của Cường Đô la làm 'bạn gái MV' của Đan Trường
Người mẫu Hạ Vi cùng với ca sĩ Đan Trường sang Trung Quốc quay MV ca nhạc "Mưa trên cuộc tình"
" alt=""/>Đan Trường: 'Tôi và vợ khắc khẩu, đi diễn cũng không ở chung phòng'