
“Mầm non là giai đoạn đầu tiên trẻ bước vào môi trường giáo dục. Làm thế nào để những tờ giấy trắng tinh khôi ấy không bị hoen ố là điều vô cùng quan trọng” - đó là những trăn trở của cô giáo Nguyễn Thị Thảo, Hiệu trưởng Trường Mầm non Quang Thuận (Bạch Thông, Bắc Kạn).Sự cực khổ cũng là niềm vui trong nghề
Trước khi giữ vai trò quản lý, cô giáo Nguyễn Thị Thảo đã từng tham gia giảng dạy tại Trường Mầm non Đức Xuân và Trường Mầm non Mỹ Thanh (Bắc Kạn). Nhớ lại quãng thời gian đó, cô Thảo cho biết tại đây điều kiện khó khăn không thể tổ chức cho trẻ ăn bán trú, nhưng nhiều em nhà ở xa, bố mẹ không thể đưa đón, phụ huynh vẫn phải để con tại trường và gửi cô giáo trông giúp buổi trưa.

|
Công việc luôn đi sớm về muộn, cho nên trong suốt 17 năm công tác, hiếm khi cô có thời gian đưa con đến trường như những người mẹ khác |
“Tôi đã ứa nước mắt khi nhìn thấy nắm cơm của các con được gói vào chiếc lá, trong đó có thêm một mẩu cá mắm và vài ba cộng rau dớn. Cứ buổi trưa tan học, mười lăm đứa trẻ lại ngồi xếp hàng mở gói cơm ra ăn. Đó là những hình ảnh tôi nhớ mãi trong suốt quãng thời gian dạy học và là động lực để mình bám trụ với nghề” – cô giáo Nguyễn Thị Thảo bắt đầu câu chuyện về 17 năm gắn bó với ước mơ làm giáo viên mầm non của mình.
Thời điểm đó, khi tuổi đời còn khá trẻ, với khao khát được cống hiến, cô Thảo nhận nhiệm vụ tại Trường Mầm non Mỹ Thanh - một điểm trường lẻ với 15 học sinh, cơ sở vật chất thiếu thốn trăm bề.
“Lúc đó khó khăn vô cùng. Thiếu bàn ghế, trang thiết bị, tôi chỉ có thể trải một tấm chiếu mỏng xuống nền cho học sinh ngủ qua trưa”.
Dù vậy, với cô giáo trẻ, chính tình yêu thương đã tạo thành sức mạnh giúp cô vững tâm theo đuổi nghề. “Nhiều người cho rằng dạy trẻ mầm non rất cực khổ. Những người giáo viên mầm non phải hóa thân lúc là cô, là mẹ, khi lại là ca sĩ, họa sĩ trong lớp học mà vai nào cũng đòi hỏi sự hoàn hảo. Nhưng tôi luôn coi đó là niềm vui trong nghề” – cô giáo Thảo chia sẻ.
Hàng ngày, khi mới tờ mờ sáng, cô Thảo đã phải vượt hơn 12km để kịp có mặt tại trường.
Nhà cách trường khá xa, nhưng giáo viên luôn phải phụ thuộc vào thời tiết đặc thù của địa phương để tới trường. Có những ngày giá rét, sương mù, 7h30 sân trường không có bóng dáng học sinh nào. Nhưng cũng có khi vào ngày mùa, trời nắng sớm, 6h30 học sinh đã đứng đầy trong sân, 7h cô giáo có mặt tại lớp mà phụ huynh trách “Sao cô giáo đến muộn thế?”...
Công việc luôn đi sớm về muộn, cho nên trong suốt 17 năm công tác, hiếm khi cô có thời gian đưa con đến trường như những người mẹ khác.
Đến với nghề nhờ chữ duyên, theo đuổi nghề như cái nghiệp, cho nên dù đã bao lần phải rơi nước mắt khi con ốm đau mà không thể mang con theo cùng, cô Thảo vẫn quyết tâm bám ngôi trường làng. Với cô, niềm hạnh phúc không gì hơn là được thấy nụ cười của con trẻ.
“Mặc dù trường tôi đang công tác không đủ đầy về vật chất như các trường ở thành phố, nhưng chính sự thân thiện của phụ huynh, lòng tin tưởng của đồng nghiệp khiến tôi quyết tâm gắn bó với nơi này”.
Chữ "tâm" phải đặt lên hàng đầu
Hiện nay, cô Thảo đang là Hiệu trưởng Trường Mầm non Quang Thuận, Bạch Thông, Bắc Kạn. Sau 17 năm theo nghề, giờ đây, cô đã trang bị cho mình nhiều kinh nghiệm chuyên môn lẫn khả năng quản lý.
Cô chia sẻ: “Là giáo viên mầm non, đã dấn thân vào nghề thì cái tâm luôn phải đặt lên hàng đầu. Giáo viên phải là người mẹ của trẻ, phải chăm sóc, yêu thương trẻ như con của mình”.

|
Cô giáo Nguyễn Thị Thảo cùng đồng nghiệp trong ngày đón bằng công nhận trường Mầm non Quang Thuận đạt trường chuẩn Quốc gia cấp độ I |
Vì vậy, cô luôn trăn trở trước hàng loạt những vụ bạo hành trẻ tại các trường mầm non trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, cô cho rằng những sự việc này chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” trong môi trường sư phạm. Thực tế, còn rất nhiều thầy cô tâm huyết, có chuyên môn, coi học sinh như những đứa con của mình.
Cô cũng khẳng định trong những trường hợp như thế, nếu không có bản lĩnh vượt qua, người giáo viên rất dễ sa vào những việc vi phạm đạo đức nghề giáo.
“Giáo viên mầm non là một nghề đầy áp lực. Có những lúc sự căng thẳng trong chăm sóc trẻ khiến giáo viên không kiềm chế được bản thân. Tuy nhiên, trong các cuộc họp, tôi luôn đưa ra vấn đề này để các cán bộ giáo viên rút ra bài học và coi đó là sai phạm không được mắc phải trong nghề nghiệp. Những việc gây ảnh hưởng đến tinh thần và thân thể của học sinh cần tuyệt đối tránh.
Tôi nghĩ những câu chuyện bạo hành trẻ gần đây trước hết là do cán bô quản lý chưa sát sao, khiến việc bạo hành trẻ trở thành một thói quen chứ không phải là việc sơ suất” – cô Thảo bộc bạch.
Cô cũng cho rằng áp lực với công việc này đôi khi đến từ chính phụ huynh học sinh. Nhiều cha mẹ thấy con gặp vấn đề gì đều nghĩ đó là “lỗi ở các cô giáo”. Ít nhận được sự cảm thông của phụ huynh, người giáo viên nếu không vì yêu trẻ sẽ không tiếp tục được công việc.
Trong khi đó, những rủi ro trong lớp học là điều không thể tránh khỏi. Cô Thảo kể lại một sự việc xảy ra khi mới vào nghề: “Trong một tiết học ngoài trời, không may học sinh lớp tôi phụ trách bị va đập vào cánh máy bay đu quay, chảy nhiều máu. Tôi và các giáo viên khác rất lo lắng, đưa con đi bệnh viện ngay lập tức. Sau đó, tôi cùng với cô hiệu trưởng đến nhà xin lỗi phụ huynh. Dù là vô tình, nhưng với trách nhiệm của người giáo viên, tôi cảm thấy rất buồn. Cũng may, tôi được phụ huynh cảm thông và không trách cứ”.
Bắt đầu từ công việc giảng dạy đến vai trò là người quản lý, cô Thảo luôn thấu hiểu được những vất vả trong nghề của đồng nghiệp. Vì vậy, cô hiệu trưởng trẻ này luôn cố gắng biến ngôi trường thành ngôi nhà thân thiết mà ở đó, giáo viên gắn bó với học sinh, đồng nghiệp sẵn sàng chia sẻ, góp ý những câu chuyện khó khăn trong quá trình dạy học.
Năm 2011, cô Nguyễn Thị Thảo được bổ nhiệm vào vị trí Hiệu trưởng Trường Mầm non Quang Thuận. Nhờ tâm sức của cô và cán bộ nhà trường, Trường Mầm non Quang Thuận đã có sự vươn lên - năm 2016, trường đạt trường chuẩn quốc gia cấp độ I.
Đối với riêng cô Thảo, trong nhiều năm liền, cô liên tục được UBND tỉnh và ngành giáo dục trao tặng danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, nữ cán bộ giáo viên tiêu biểu của ngành, chiến sĩ thi đua... Cô luôn tâm niệm, dù ở cương vị nào làm việc cũng cần phải có tâm, luôn phải phấn đấu và học tập.
Thúy Nga
" alt=""/>Cô giáo “ong thợ” dưới mái trường làng
- Trước những tranh luận về việc cấm dạy thêm, học thêm, là một phụ huynh học sinh, tôi nhận thấy đây là một nhu cầu hoàn toàn chính đáng và cần được bảo vệ.Ở Việt Nam học thêm còn chưa là gì so với Hàn Quốc, Trung Quốc
Điều thứ nhất tôi muốn khẳng định rằng, học thêm không phải đặc sản riêng của Việt Nam. Học sinh các nước châu Á khác, mà tiêu biểu là Hàn Quốc và Trung Quốc cũng phải học thêm và nếu so về thời gian và cường độ thì ở Việt Nam còn chưa là gì.
Hàng năm, có hàng triệu học sinh Hàn Quốc miệt mài ôn luyện trước những kỳ thi quan trọng với mong ước thi đỗ vào các trường trung học, đại học danh tiếng. Tại xứ sở kim chi, một ví trí học tập ở những ngôi trường hàng đầu đồng nghĩa với cơ hội vào làm việc tại những tập đoàn lớn, một tương lai ổn định và giàu có. Đối với các gia đình có điều kiện, họ đầu tư cho con cái ôn luyện từ rất sớm.

|
Học sinh tiểu học Hàn Quốc cũng phải luyện thi |
Và để đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng lớn này, các trung tâm luyện thi tư nhân (hagwon) mở ra khắp nơi. Trung tâm nào có giảng viên càng danh tiếng, giờ giấc nghiêm khắc và bài tập về nhà nhiều như núi thì trung tâm đó càng hút học sinh. Học ở trường lớp, trung tâm luyện thi thôi chưa đủ, về đến nhà các em còn phải tiếp tục học tới gần sáng.
Cá biệt, có những phụ huynh Hàn quốc sắm cả những chiếc tủ học tập để con em học bài cho tập trung.

|
Tủ học tập, thứ mà chỉ Hàn quốc mới có |
Đến đây, các bạn có thể nghĩ rằng trẻ em ở Hàn Quốc thật khổ, không có tuổi thơ, phải học hành theo ý muốn của cha mẹ. Xin thưa, học hành ôn luyện là việc của cả xã hội, cả xã hội Hàn quốc đều phải hi sinh cố gắng. Có những bậc cha mẹ đã phải dành tất cả tiền dưỡng già của mình để cho con cái theo học.
Điều này có thể tiêu cực nhưng nếu không có sự cố gắng như thế, liệu rằng có những Samsung, Hyundai, LG… ngày nay.
Sao bắt chước Hàn Quốc mà không học theo Mỹ?
Có câu hỏi đặt ra là : Tại sao chúng ta không bắt chước mô hình giáo dục của Mỹ? Tôi phải thừa nhận rằng hiện nay nước Mỹ đang có nền giáo dục hiện đại và tiên tiến nhất thế giới. Cả châu Á, bao gồm Hàn Quốc cũng đang phấn đấu được như họ.

|
Đại học Havard, niềm mơ ước của các sinh viên châu Á |
So với sinh viên Việt Nam, sinh viên Mỹ có kiến thức thực hành tốt hơn, kiến thức xã hội rộng hơn và tư duy làm việc theo nhóm. Ưu thế duy nhất của các sinh viên Việt Nam và sinh viên châu Á nói chung đó là sự vững vàng ở các môn khoa học cơ bản như Toán, Lý, Hóa. Điều này không có gì đáng xấu hổ cả. Bởi học sinh, sinh viên là sản phẩm của hệ thống giáo dục. Bên Mỹ họ có điều kiện giảng dạy tốt hơn thì sinh viên Mỹ có kiến thức đa dạng là điều đương nhiên.
Việc cấm dạy thêm, học thêm cho giống Mỹ chỉ là bắt chước vẻ bề ngoài. Làm sao để đào tạo được như họ thì chúng ta lại đang loay hoay. Và nếu trong lúc đợi chất lượng giáo dục đi lên mà đã vội cấm việc dạy thêm, học thêm có phải là đã bỏ đi ưu thế duy nhất của các học sinh, sinh viên Việt Nam không?
Học thêm là nhu cầu chính đáng
Việc học thêm, dạy thêm thời gian qua có nhiều biến tướng tiêu cực. Nhưng không thể vì thế mà xóa bỏ nhu cầu chính đáng của một bộ phận học sinh, phụ huynh.
Không phải em học sinh nào cũng có tư duy nhanh nhẹn, nếu học trên lớp mà vẫn không hiểu bài, về nhà lại phải tự mò mẫm một mình thì rất có thể sẽ không theo kịp các bạn. Ngày nay phương pháp giáo dục đã khác trước, nhiều khi phụ huynh cũng bó tay mà không thể giảng bài cho con em mình.
Hơn nữa, tôi nghĩ rằng nguyên nhân của việc học thêm tràn lan như ngày nay bắt nguồn từ việc thi cử. Nếu đề thi mà chỉ cần đọc sách giáo khoa cũng làm được hết thì cũng chẳng xảy ra tình trạng như bây giờ.
Ngoài ra cũng có những bậc phụ huynh đặt kỳ vọng cao vào con cái. Muốn con mình đủ sức so sánh với những bạn bè đồng lứa đến từ châu Âu, Nhật, Mỹ. Điều này chẳng quá tốt hay sao?
Dĩ nhiên muốn được như thế thì phải đầu tư học thêm ngoại ngữ ở ngoài. Tôi nói không ngoa chứ nếu đem kỹ năng nghe, nói, phát âm đang dạy ở các trường phổ thông đi phỏng vấn du học thì học sinh của chúng ta trượt gần hết.
Điều cuối cùng tôi muốn nhắn nhủ tới các bậc phụ huynh khác, đúng là sẽ rất áp lực cho con em chúng ta nếu phải học hành vất vả. Nhưng nếu đang ở vị trí tụt hậu mà vẫn muốn vui vẻ, thoải mái, không có một sự nỗ lực hơn người thì sẽ chẳng có phép màu nào xảy ra cả.
XEM THÊM
Phụ huynh: "Dạy thêm ở trường là vụ lợi giáo dục"" alt=""/>'Học sinh Việt Nam học thêm vẫn còn ít'