Ông Đoàn Tiến Trung, Phó trưởng phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy (Hà Nội) nhận định, cũng có trường hợp hiểu nhầm giữa trường, giáo viên và phụ huynh trong quá trình truyền đạt, tư vấn. “Ví dụ cô giáo bảo lực học con như thế này, chỉ có khả năng đỗ vào trường này, trường kia, thì có thể phụ huynh lại hiểu rằng giáo viên ép học sinh phải thi vào trường đấy”.
Một số ý kiến nghi ngờ, mức chỉ tiêu 25-30% học sinh được định hướng học nghề có thể tạo ra áp lực khác cho các nhà trường, khiến không chỉ học sinh kém, mà học sinh khá cũng bị vận động. Tuy nhiên, ông Trung khẳng định các trường không bị áp chỉ tiêu phân luồng. Theo ông Trung, việc định hướng cũng phải tùy từng đối tượng, phải dựa trên năng lực từng em, "không thể buộc học sinh khá đi học nghề”.
Chính vì căn cứ vào năng lực từng học sinh, ông Trung cho biết Phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy cũng không thể đưa ra chỉ tiêu rằng trường này, trường kia phải phân luồng bao nhiêu.
Ông Trung lấy ví dụ, trên địa bàn, Trường THCS Cầu Giấy là trường chất lượng cao của quận, tỷ lệ đỗ trường THPT chuyên, đi du học rất nhiều, dẫn đến việc học sinh vào trường nghề rất ít.
PGS.TS Chu Cẩm Thơ (Trưởng Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) nhìn nhận, hoạt động giáo dục hướng nghiệp không phải là phân luồng.
“Phân luồng vốn là biện pháp của cơ quan quản lý xã hội, để góp phần đảm bảo cơ cấu nguồn nhân lực trong tương lai.
Trong khi đó, hướng nghiệp giống như một sứ mệnh của giáo dục, tức đem đến cho con người kiến thức, kỹ năng và cả hành trình trải nghiệm để nhận ra thế mạnh của bản thân, từ đó biết xã hội cần gì, cơ hội của mình là gì để có thể thích nghi với xã hội, là công dân của xã hội,...”, bà Thơ nói.
Nhấn mạnh chủ trương hướng nghiệp từ bậc THCS là đúng, song PGS.TS Chu Cẩm Thơ cho rằng, giáo dục hướng nghiệp không chỉ là trách nhiệm của riêng nhà trường mà cần phải có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội (bao gồm cả doanh nghiệp, trường nghề).
“Ngày nay, việc hướng nghiệp cần phải được thực hiện từ sớm. Chuyện hướng nghiệp giống như một việc cần phải làm trong cả hành trình giáo dục. Vì thế, không thể dùng điểm số, kết quả học tập hay kiến thức để làm tham số duy nhất cho hướng nghiệp, càng không thể để đến cuối cấp mới thực hiện hướng nghiệp.
Việc giáo viên, nhà trường nói rằng “học sinh không nên thi vào lớp 10” mà không chỉ dẫn cho các em cần đi đâu, làm gì tiếp theo hoặc có sự định hướng rõ ràng để có thể đưa ra lựa chọn phù hợp, đó cũng không phải là hoạt động hướng nghiệp. Vì lẽ đó, đôi khi, ranh giới giữa hướng nghiệp và ép buộc cũng sẽ rất mỏng manh”.
Do vậy, PGS.TS Chu Cẩm Thơ cho rằng, cần phải có cách làm chuẩn mới có thể đem lại giá trị và hiệu quả. Trong đó, hướng nghiệp chỉ đạt hiệu quả khi giúp cho học sinh biết về thế mạnh của mình, khiến họ hiểu được bản thân hợp với cái gì, có thể làm được gì, ai có thể hỗ trợ họ, xã hội sẽ đón nhận họ thế nào.
Ngoài ra, việc hướng nghiệp cũng cần dựa trên sự cân bằng giữa độ phù hợp về năng lực, sở thích của người học; việc dự báo nguồn nhân lực và điều kiện của gia đình, xã hội trong việc hỗ trợ người học ở các bậc tiếp theo.
Bà Thơ cũng thẳng thắn nhìn nhận, thực tế hiện nay cơ cấu dân số và nhu cầu học tập của Hà Nội nói riêng, ở các địa phương nói chung còn nhiều vấn đề gây khó cho việc phân luồng. Chẳng hạn, việc phân bố học sinh ở nội thành rất lớn. Các em này thường có nhu cầu học tập đại học cao, muốn theo học THPT để có thể đạt được nguyện vọng đó; còn ở vùng ngoại thành, vùng khó khăn thì lại rất khác.
Cơ cấu trường nghề, sự phối hợp trong công tác hướng nghiệp cũng chưa được như mong muốn, dồn trách nhiệm lên nhà trường, trong khi các trường lại khá thiếu nguồn lực. Bà Thơ cho rằng, đây đều là những cản trở không hề nhỏ cho công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS.
Thanh Hùng - Thúy Nga
Để tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học nhất là đào tạo trình độ tiến sĩ, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị Bộ GD-ĐT tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học tiệm cận với chuẩn mực đào tạo quốc tế, đặc biệt ở các ngành có nhu cầu đáp ứng Cách mạng công nghiệp 4.0.
Đặc biệt lưu ý phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học Việt Nam về số lượng và chất lượng phù hợp với chuẩn mực và thông lệ của khu vực và thế giới.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hoàn thiện cơ sở dữ liệu để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong đào tạo sau đại học.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về đào tạo sau đại học tại các cơ sở đào tạo, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Tăng cường kiểm tra, thanh tra về tuyển sinh và đào tạo sau đại học
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở đào tạo sau đại học xây dựng và ban hành đầy đủ các quy định hướng dẫn trong công tác đào tạo sau đại học theo thẩm quyền; nghiêm túc thực hiện chuẩn chương trình đào tạo; quy chế tuyển sinh và đào tạo sau đại học hiện hành;
Kiện toàn hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong cơ sở đào tạo; thực hiện nghiêm quy định về kiểm định chất lượng chương trình đào tạo sau đại học, khuyến khích kiểm định theo các tiêu chuẩn của các tổ chức kiểm định khu vực và quốc tế có uy tín;
Thực hiện nghiêm công khai, minh bạch các bước từ tuyển sinh, tổ chức đào tạo và cấp bằng, bảo đảm việc phản biện đồng đẳng, sự giám sát của xã hội và các bên liên quan; đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của các nhà khoa học trong quy trình đào tạo;
Đẩy mạnh việc gắn kết đào tạo với nghiên cứu khoa học; thực hiện liên kết đào tạo sau đại học với những cơ sở đào tạo nước ngoài có uy tín để nâng cao chất lượng đào tạo theo các chuẩn mực của khu vực và quốc tế;
Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát nội bộ: quy trình lựa chọn đề tài và hướng nghiên cứu; tiêu chuẩn và điều kiện của người hướng dẫn, phản biện độc lập, các thành viên hội đồng đánh giá luận văn, luận án; trách nhiệm của các nhà khoa học có liên quan đối với chất lượng của luận văn, luận án; việc công bố các kết quả nghiên cứu liên quan đến đề tài luận văn, luận án trên các tạp chí khoa học ở trong nước và quốc tế.
Chỉ thị cũng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương - cơ quan quản lý trực tiếp các cơ sở đào tạo sau đại học chú trọng công tác đào tạo nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành, lĩnh vực, địa phương; ưu tiên đầu tư tạo điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo sau đại học tại các cơ sở đào tạo trực thuộc.
Cùng đó, tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của Bộ GD-ĐT về tuyển sinh và đào tạo sau đại học tại các cơ sở đào tạo trực thuộc; chấn chỉnh kịp thời và xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương chỉ đạo các đơn vị có cán bộ được cử tham gia đào tạo sau đại học tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình đào tạo, sử dụng sau đào tạo, đồng thời bảo đảm thực hiện nghiêm túc các quy định.
Hải Nguyên
" alt=""/>Thủ tướng yêu cầu kiểm tra, giám sát chất lượng luận văn, luận án