
- Một số phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng nhà trường cho trẻ ăn bán trú nghèo nàn và không đủ khẩu phần 28.000 đồng/ ngày. |
Bát cơm được phụ huynh đưa lên mạng và tố nhà trường cho các con ăn quá đạm bạc |
Mới đây, một số phụ huynh phản ánh Trường Tiểu học Nam Trung Yên cho trẻ ăn bán trú với đồ ăn quá đơn giản, đạm bạc và không đủ khẩu phần 28.000 đồng/ ngày/ trẻ.
Một phụ huynh chia sẻ sau khi thấy nhiều lần đi học về, con kêu đói và nói chán thức ăn ở trường: “Quanh đi quẩn lại hết thịt băm đến đậu phụ, cháu không ăn được nên tôi mới để ý bữa ăn bán trú của trường. Cháu còn kể bữa ăn tại trường rất nghèo nàn, chỉ có một ít thức ăn và rau. Tất cả đều được cho chung lẫn lộn vào một bát tô, bạn nào chan canh thì cũng chan trực tiếp vào bát tô đó chứ không có bát riêng. Những bạn ăn nhanh còn đỡ, bạn nào ăn chậm, cơm canh vữa ra nhìn giống như bát cám lợn”.
Vị phụ huynh này cho biết, theo thoả thuận thống nhất với phụ huynh, nhà trường thu 28.000 đồng/ cháu/ ngày gồm một bữa chính và một bữa phụ.
Tuy nhiên, như một số hình ảnh ghi lại vào bữa ăn ngày 23 và 24/10 được chia sẻ lên mạng xã hội, mỗi suất ăn của các cháu chỉ vỏn vẹn vài ngọn rau luộc hoặc khoai tây xào, một ít trứng rán thịt và cơm trắng. Tất cả đều được đựng trong vào một bát tô.
Phụ huynh đặt câu hỏi suất ăn như vậy liệu có xứng với số tiền đóng góp?
Trước thông tin này, ông Trần Văn Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Trung Yên, không hoàn toàn phủ nhận nhưng cho rằng những hình ảnh phụ huynh chụp chưa thể hiện rõ được đầy đủ nội dung và có thể thiếu khách quan.
 |
Ông Trần Văn Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Trung Yên |
“Nhà trường không lưu lại được những hình ảnh của các bữa ăn đó để đối chứng. Những ảnh phụ huynh chụp không có học sinh, chưa thể hiện rõ nội dung và tính chân thực của bữa ăn, không thể hiện rõ là bữa ăn đạm bạc. Hơn nữa, có thể học sinh đã ăn xong bát đầu tiên rồi sau đó xin thêm bát thứ 2, thứ 3… Hoặc có thể là các cô chia nhỏ từng ít một để cho các con ăn hết” - ông Hà nói.
Theo ông Hà, Trường Tiểu học Nam Trung Yên ký hợp đồng với công ty có đủ tư cách pháp nhân để nhập thực phẩm. Trước khi nhập hàng có bộ phận giám sát, trong đó có cả đại diện phụ huynh học sinh. Nhà trường cũng luôn yêu cầu đơn vị cung cấp phải đảm bảo chất lượng của suất ăn.
“Nhà trường luôn có thực đơn công khai với 28.000 đồng/ ngày thì các con được ăn gì ở cả bữa chính và bữa phụ. Chúng tôi có tham khảo ý kiến của đơn vị tư vấn để đưa ra chế độ ăn hợp lý nhất về dinh dưỡng. Bữa phụ chủ yếu là uống sữa, ăn bánh ngọt… Thậm chí, để cải thiện, có những hôm các con ăn phở, ăn bún ở bữa phụ” - ông Hà cho biết.
 |
Trường Tiểu học Nam Trung Yên nơi phụ huynh tố cho học sinh ăn đạm bạc. Ảnh: Thanh Hùng. |
Tại buổi gặp phụ huynh ngày 30/10, một vị hiệu phó của nhà trường cũng xác nhận: “Bức ảnh đó là chụp tại trường, nhưng có thể chỉ chụp trong 1, 2 lớp chứ không thể chụp hết 34 lớp. Những hình ảnh này có thể là bát thứ 2, hoặc bát thứ 3 của học sinh”.
Vị này cũng mong nhận được sự thông cảm do trong thời điểm vừa qua, nhà trường trải qua nhiều sóng gió nên có nhiều vấn đề chưa thể toàn vẹn được.
Tuy nhiên, khi nhà trường đưa ra cuốn nhật ký ghi lại thực đơn của các bữa ăn trong tháng 10, phụ huynh lại phát hiện nhiều điểm bất thường. Ví dụ như có nhiều trang trong cuốn sổ này dù vẫn có dấu của công ty cung ứng thực phẩm và lên thực đơn, nhưng phần ngày tháng lại bỏ trống.
Ngoài ra cũng chỉ có dấu của đơn vị cung cấp, không hề có xác nhận của 3 bên gồm: nhà trường, phụ huynh, y tế như vị hiệu trưởng trình bày.
VietNamNet sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.
Thanh Hùng
" alt=""/>Phụ huynh tố trường tiểu học cho trẻ ăn bán trú “nghèo nàn”

- Phương án cho phép các trường xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh để tuyển sinh vào lớp 6 mà Bộ GD-ĐT đề xuất nhận được nhiều ủng hộ từ các trường đặc thù và các phụ huynh. |
Ảnh minh họa. |
Chị Phạm Thị Hương, có con đang học lớp 5 tại một trường tiểu học ở quận Hà Đông dự định cuối năm học này sẽ nộp hồ sơ cho con vào hệ THCS của Trường THPT Lương Thế Vinh.
“Nếu như năm ngoái, trường tuyển 600 chỉ tiêu mà có tới 4.000 hồ sơ nộp vào, xét tuyển căn cứ vào kết quả học bạ và giấy khen các cuộc thi thì tôi rất lo. Các cuộc thi để cấp bằng khen, chứng chỉ cho học sinh để làm tiêu chí phụ đã được tinh giảm nên năm học này con tôi không tham gia cuộc thi nào. Cái khỏe là giờ tôi không còn lo áp lực chạy đua thi gì, kiếm giải ở đâu. Giờ nếu kết hợp xét tuyển với kiểm tra đánh giá năng lực học sinh thì con có thể quyết định vào trường hay không nhờ năng lực thật sự của mình khi thể hiện phù hợp những tiêu chí mà trường đưa ra”.
Đại diện nhiều trường “nóng” tuyển sinh đầu cấp cũng chia sẻ họ như được “cởi trói”, gỡ khó nếu như phương án này được thực thi.
Bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Siêu (Hà Nội) cho hay rất ủng hộ phương án xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh, sau những bất cập của những mùa tuyển sinh trước.
“Đây là phương án rất thiết thực. Việc này sẽ giảm tải áp lực học hành cho học sinh và trả lại cho các em những mùa hè đúng nghĩa khi không phải lao vào luyện thi từ tấm bé. Chắc chắn giảm được áp lực luyện các cuộc thi, chuyện chạy giấy khen, chứng chỉ,…”, bà Thúy nói.
Tuy nhiên, theo bà Thúy, các trường cần có phương án đã xin ý kiến của địa phương công khai sớm trên các phương tiện thông tin đại chúng để phụ huynh, học sinh có kế hoạch chuẩn bị.
Bà Thúy mong muốn nếu dự thảo được áp dụng thì cần có hướng dẫn cụ thể khoanh vùng lại trường nào được phép chủ động và trường nào không, tránh trường hợp có trường không khó khăn nhưng mượn điều này để gây sóng gió và có những áp lực không cần thiết với phụ huynh.
Đồng quan điểm, bà Lê Kim Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng cho rằng đây là một phương án tích cực và cũng phù hợp với việc tinh giảm các cuộc thi trước đó của Bộ GD-ĐT.
“Bởi trong bối cảnh đã tinh giảm các cuộc thi thì việc lấy thành tích khác, tìm ra sự khác biệt giữa các học sinh là rất khó khăn. Nếu tiếp tục chỉ xét tuyển thì sẽ rất khó cho các trường đặc thù, nhưng với cơ chế cho phép khảo sát đánh giá năng lực thì rất tốt”, bà Kim Anh nói.
Theo bà Kim Anh, như trước đây, khi tuyển sinh bằng xét tuyển, các trường không cách nào khác buộc phải căn cứ vào học bạ và các điểm cộng thông qua bằng khen, giấy khen các cuộc thi làm tiêu chí phụ.
Nhưng mới đây, Bộ ra văn bản tinh giảm các cuộc thi thì các trường không còn biết căn cứ vào đâu để xét tuyển. Do đó, theo bà Kim Anh, việc Bộ cho các trường được tổ chức khảo sát, đánh giá năng lực học sinh là phù hợp.
Tuy nhiên, bà Kim Anh cho rằng, nếu dự thảo được thông qua thì năm nay, các trường “nóng” tuyển sinh đầu cấp sẽ có lượng hồ sơ đăng ký đầu vào cao hơn nhiều so với những năm trước. “Bởi như năm trước, xét tuyển hồ sơ và tiêu chí phụ là bằng khen nên phụ huynh đã một phần tự đánh giá hồ sơ của con em mình liệu có phù hợp và lọc. Như vậy cảm thấy đủ điều kiện thì phụ huynh mới nộp vào. Nhưng nếu tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực, thì cơ hội sẽ mở rộng ra và nhiều học sinh sẽ muốn thử sức, bởi hoàn toàn có cửa”, bà Kim Anh lý giải.
Có “phát” luyện thi vào trường top?
Về điều này, TS Vũ Đình Chuẩn (Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT) cho rằng, Thông tư số 11/2014/TT-BGD-ĐT về quy chế tuyển sinh đầu cấp THCS và THPT ban hành năm 2014 qua 3 năm triển khai đã tạo điều kiện cho các Sở GD-ĐT và các cơ sở giáo dục tự chủ trong tuyển sinh khá nhiều.
“Bất cập xét tuyển nảy sinh khi vào một số trường có việc cộng thêm điểm ưu tiên, cùng với đó phải thừa nhận Bộ với sở tổ chức rất nhiều cuộc thi, hội thi. Sau khi cộng thì trọng số của điểm ưu tiên nhiều quá, nảy sinh ra vấn đề hiệu quả của các cuộc thi. Dù khi triển khai thì cũng nghĩ chỉ là những sân chơi lành mạnh cho học sinh, nhưng khi dính đến các điều kiện đầu vào các trường thì nảy sinh những vấn đề không lành mạnh”, ông Chuẩn nói.
Theo ông Chuẩn, tháng 3/2015, Bộ GD-ĐT có công văn số 1258 hướng dẫn, trong đó khẳng định cấp THCS là cấp học phổ cập nên không thi tuyển đầu vào. Trong đó quy định, với các cơ sở giáo dục có số lượng học sinh đăng ký vào lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu thì xây dựng phương án xét tuyển và trình các cấp có thẩm quyền xem xét. Nhưng sau đó, nhiều trường có ý kiến rằng nếu không thi thì không tuyển được. Một số trường lấy bằng khen, giải thưởng làm tiêu chí phụ để xét tuyển dẫn đến phụ huynh tìm cách cố gắng có các giải các cuộc thi để được vào.
Do đó, Bộ GD-ĐT tìm giải pháp để tháo gỡ những vấn đề phát sinh trong tuyển sinh đầu cấp, đặc biệt là bỏ bớt một số cuộc thi. “Bộ trưởng GD-ĐT có chỉ đạo rà soát các cuộc thi. Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cũng ký công văn yêu cầu từ năm học 2017-2018 các sở giáo dục không được lấy kết quả các cuộc thi do sở tổ chức hoặc kết quả các cuộc thi quốc tế do sở cử tham gia vào việc đánh giá kết quả học tập của học sinh”, ông Chuẩn nói.
Trước ý kiến cho rằng nếu cho phép đánh giá năng lực, có thể tái diễn chuyện ôn thi, luyện thi, ông Chuẩn nhìn nhận vẫn có thể xảy ra chuyện đó. Tuy nhiên, các trường đặc thù nên tuyển sinh bằng phương án làm bài kiểm tra đánh giá năng lực kiến thức tổng hợp vì kết quả ít phụ thuộc vào chuyện học thêm.
“Chúng tôi thấy một số đơn vị tổ chức bài trắc nghiệm năng lực thì việc dạy thêm, học thêm các môn văn hóa ở bậc tiểu học không xảy ra. Như trường THCS Nguyễn Siêu có bài khảo sát gần như bài phỏng vấn nhưng kiến thức tổng hợp viết bằng tiếng Anh. Như vậy có đi học thêm cũng khó làm được việc này”, ông Chuẩn nói.
Bà Lê Kim Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy cho rằng, dự thảo như hiện nay đã cho phép các trường chủ động trong việc lấy học sinh.
“Các trường có thể khảo sát rất nhiều năng lực hay ở nhiều bộ môn chứ không giống như thi cử. Muốn giảm áp lực thì Bộ cũng cần quy định rõ việc các trường cần có đề án tuyển sinh hợp lý, công bố công khai sớm để phụ huynh, học sinh được biết”, bà Kim Anh nói.
Thanh Hùng

Bộ GD-ĐT “tính” cho đánh giá năng lực học sinh để tuyển sinh vào lớp 6
Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT ban hành kèm theo Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18/4/2014 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
" alt=""/>Tuyển sinh vào lớp 6: 'Cởi trói' hay tăng áp lực luyện thi?