Bạn sẽ không thể không cười ra nước mắt với những câu chuyện của các mẹ trong “hội có con biếng ăn”.Mẹ bế con đi ăn chực
Chị Nga ở thành phố Hải Dương có một bé trai 27 tháng tuổi. Mọi người trong ngõ nhà chị đã quen với cảnh ngày ngày chị Nga bế con đi… ăn chực. Chẳng phải nhà chị khó khăn gì mà chỉ vì con chị không hứng thú với các món ăn mẹ nấu.
Chị tâm sự: “Không hiểu sao mình nấu gì con cũng không thích ăn nhưng lại luôn hào hứng với các món ăn của nhà hàng xóm. Hôm nào không sang nhà hàng xóm ăn chực là con bỏ ăn luôn. Ở nhà, một mẹ một con thì không thể nào ép con ăn được. Biết là cứ bế con đi xin ăn thế này rất mất lịch sự nhưng để ở nhà sợ con chết đói mất thôi”.
Thế là ngày ngày, cứ đến giờ ăn, chị Nga cho con bưng bát đi chơi, ghé nhà hàng xóm xin mỗi người vài miếng. Đa số mọi người trong xóm thương thằng bé, sẵn sàng cho bé ăn ké nhưng không phải ai cũng vui vẻ với “vị khách không mời”.
 |
Nhiều bố mẹ đau đầu vì trẻ biếng ăn (ảnh minh họa) |
Con ăn, bố diễn xiếc
Cùng cảnh có con lười ăn, vợ chồng chị Mai ở Hà Nội phải dùng chiêu thức “diễn xiếc” để dỗ dành đứa con trai hơn 2 tuổi chịu ăn cơm. Chị Mai tâm sự: “Con mình chỉ chịu ăn khi có việc gì “kích thích”. Bố nó ngày nào cũng phải diễn trò để tạo động lực ăn uống cho con”.
Trong bữa ăn của con, khi thì chồng chị Mai phải mặc quần áo siêu nhân nhào lộn, khi thì đeo mặt nạ múa gậy Tôn Ngộ Không, khi thì mang bóng ra tung hứng.
Đặc biệt, màn leo cây mua vui cho con của chồng chị khiến cả xóm cười ra nước mắt. Chẳng là để ép con ăn, chồng chị leo lên một cái cây khá cao, chị đứng dưới bưng bát cơm rồi dọa con: “Con không chịu ăn là bố không xuống đâu. Bố ở trên cây, không chơi với Bin nữa”.
Thằng bé thấy vậy thì miễn cưỡng há miệng ăn một miếng cơm. Con ăn được một miếng thì bố lại tụt xuống thơm má một cái, xong lại trèo lên. Đến khi con ăn được lưng bát cơm thì chồng chị Mai cũng mệt bở hơi tai vì leo trèo quá sức.
Mỗi bữa ăn một trò chơi
Chị Hoa ở Hưng Yên có con gái là bé Sóc 17 tháng tuổi. Cứ đến giờ cho con ăn là chị Hoa phải huy động nhân lực để vui chơi cùng bé. Chị Hoa kể: “Sóc lười ăn kinh khủng.
Chẳng bao giờ con chịu ăn tự nguyện, vui vẻ nên bữa nào cả nhà cũng phải bày trò để con vừa ăn vừa chơi, tranh thủ lúc con mải chơi, mải cười mẹ chớp thời cơ đút ngay một miếng. Mà trẻ con nhanh chán, trò chơi hôm nay phải khác hôm qua, thành thử với mình mỗi bữa cho con ăn là một sự sáng tạo”.
Những trò chơi chị Hoa sáng tạo ra để để dỗ dành con ăn chắc nhiều bố mẹ chưa bao giờ nghe tới: Bắt cá trong chậu, ăn thi với mèo, cho gà ăn thóc, xé giấy, tung hoa, ném bóng bay nước,…
Bé Sóc đặc biệt thích ngồi xe máy đi chơi nên hôm nào con không chịu ngồi một chỗ để ăn, chán mọi trò chơi thì chồng chị đành lấy xe máy chở chị ôm con bưng bát cháo ngồi sau, cứ dừng đèn đỏ thì chị đút cho con một miếng.
“Biết là cho con ăn kiểu này là không tốt nhưng để con nhịn đói không đành. Mình từng áp dụng mọi biện pháp sách vở mà chẳng có tác dụng gì” - chị Hoa thở dài ngao ngán.
 |
Cho con "vừa ăn vừa chơi" là sai lầm của nhiều bố mẹ (ảnh minh họa) |
Những nỗ lực phản tác dụng
Dù bố mẹ tìm mọi cách để ép con ăn nhưng các bé con chị Nga, chị Mai, chị Hoa đều trong tình trạng đe dọa suy dinh dưỡng. Tình trạng biếng ăn của con kéo dài khiến bố mẹ các bé vô cùng mệt mỏi và cảm thấy bế tắc trong việc tăng cân cho con.
Theo ý kiến của các chuyên gia, để cải thiện tình trạng biếng ăn của trẻ, cần phải tìm ra nguyên nhân thật sự khiến trẻ lười ăn và tập cho con thói quen ăn uống khoa học. Theo đó, các bố mẹ không nên cho con “vừa ăn vừa chơi” hay ép buộc con ăn vì sẽ khiến trẻ ham chơi, không hứng thú với đồ ăn và ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của trẻ sau này.
Việc bố mẹ dùng “khổ nhục kế” để ép con ăn đã vô tình tạo cho trẻ những thói quen không tốt. Và để thay đổi điều này, các bố mẹ phải kiên nhẫn sửa sai. Khi thấy con có tình trạng biếng ăn, suy dinh dưỡng, điều tốt nhất bố mẹ nên làm là đưa trẻ đi khám và nghe theo lời khuyên của các chuyên gia.
(Theo Dân Việt)
" alt=""/>Nỗi khổ của bố mẹ có con biếng ăn

Mỗi khi ra đường, nhìn những cô gái chân dài da trắng, anh lại chép miệng “đúng là vợ người ta”. Rồi lại ỏng eo chê vợ mình mông to, ngực xệ. Ngày xưa, em cũng thon gọn dáng xinh, da dẻ hồng hào láng mịn.
Tối muộn, anh về, dáng vẻ liêu xiêu. Chắc cũng không còn nhớ hôm nay là kỷ niệm 6 năm ngày cưới của chúng mình. “Em nói gì mà nói lắm thế, nhức hết cả đầu”, em mới nói vài câu anh đã gắt.
Đây không phải là lần đầu tiên anh nói những câu như thế, nhưng nỗi buồn tủi thì mười lần như một, nghẹn đắng.
Mâm cơm có nhiều món anh thích em đã kỳ công nấu nướng bỗng như nằm thừa thãi và vô duyên trên bàn. Ngày xưa mẹ bảo em: "Lấy phải người chồng ham vui và vô tâm rồi sẽ khổ".
Nhưng hồi đó em yêu anh cũng vì cái tính sôi nổi, nhiệt tình. Anh em, bạn bè có công to việc nhỏ gì anh cũng không vắng mặt, giúp hết mình và vui tới bến. Em không biết rằng những trải nghiệm của người lớn không bao giờ sai.
Có gia đình rồi anh vẫn như hồi thanh niên, vẫn ham vui, vẫn ham chơi. Gọi điện nhờ anh tan sở về qua đón con, anh bảo hôm nay gặp anh bạn cũ.
Ngày nghỉ bảo anh chở con đi tiêm phòng. Anh bảo, đã hẹn với nhóm bạn đi uống cà phê. Anh cứ thế, không cần biết mỗi chiều em sấp ngửa vội vàng đón con, vội vàng đi chợ, vội vàng nấu cơm rồi lại đợi anh về.
 |
Chỉ thế thôi, những chuyện tưởng chừng rất nhỏ nhặt, vậy mà mình giận nhau không biết bao nhiêu lần. Nhưng anh giận em thì anh đi chơi, anh tụ tập, rồi về nhà ôm điện thoại chơi game, chán thì lăn ra ngủ.
Còn em, bận bịu với con cái cửa nhà, thấy chồng không nói không năng, không cười không hát, không khí trong nhà ngột ngạt. Nghĩ, thôi mình nhịn một chút cho vui cửa vui nhà, đi đâu mà thiệt, vậy là lại làm lành trước. Riết rồi, anh tưởng lẽ phải luôn thuộc về anh.
Anh bảo em: “Hồi mới yêu nhau, em hiền dịu nết na, sao giờ lại hay cau có và lắm điều thế?”. Đúng là em nhận ra em có thay đổi, nhưng vì đâu mà em thay đổi?
Em của ngày xưa chỉ đi làm, ăn và chơi, chưa phải chăm lo cho ai, chưa có ưu tư vướng bận gì. Em của hôm nay cũng có thể dịu dàng như thế, nếu anh đủ yêu thương và thấu hiểu.
Nếu anh có thể chia sẻ việc nhà cùng em, dỗ thằng em chơi để nó đừng khóc đòi mẹ khi mẹ còn mải lo chăm con chị ốm, thay tã bẩn cho con khi tay em còn nấu dở bữa cơm. Em sẽ không cau có khó chịu nếu có một người đồng hành hiểu chuyện.
Em cũng như anh, ngày 8 tiếng đi làm. Thế nhưng về nhà, trong khi em tất bật thì anh lại nằm xem ti vi, đọc báo. Có việc cần nhờ anh, anh lại kêu “có tý việc thế mà không làm được”, khi em cần anh giúp đỡ việc nhà, anh bảo “đàn ông đàn ang ai lại đi quét nhà, rửa bát”.
Mỗi lần bạn bè đến nhà tụ tập, anh vô tư kể ngày xưa yêu cô Lan, cô Thúy mặn nồng thế nào, chả hiểu duyên số thế nào không lấy lại lấy em. Anh nói, như thể lấy phải em là bất hạnh lắm.
Ngày xưa, em cũng xinh đẹp như ai, cũng bao nhiêu chàng trai đưa đón. Ngày xưa anh cũng phải “chai mặt” hơn người ta mới rước được em về. Thế mà giờ còn ngẩn ngơ buông lời tiếc nuối.
Mỗi khi ra đường, nhìn những cô gái chân dài da trắng, anh lại chép miệng “đúng là vợ người ta”. Rồi lại ỏng eo chê vợ mình mông to, ngực xệ. Ngày xưa, em cũng thon gọn dáng xinh, da dẻ hồng hào láng mịn.
Trải qua hai lần sinh nở, người đã chẳng còn gọn gàng, da mặt đã xuất hiện những vết nám, bụng đã lăn tăn những vết rạn khó coi. Ăn mặc cũng không dám nửa kín nửa hở sexy. Anh không nói những lời yêu thương thì thôi, cũng không cần mỉa mai như thế.
Có lần anh hỏi em: “Sao em khác xưa nhiều thế?” Anh hỏi em, sao không tự hỏi mình: Vì ai, vì đâu mà em trở nên khác xưa? Cái thời, với anh em chỉ là người tình.
Vâng, nếu em chưa làm vợ, mỗi ngày chỉ đi làm, rảnh rỗi đi tập thể thao, đi làm đẹp, tối đến diện những bộ cánh xinh đẹp rồi hẹn hò với anh.
Nếu em chưa làm vợ, em sẽ đi đây đó, đến những nơi mình thích, xa anh hàng tuần để anh nhớ đến cuồng dại.
Nếu em chưa làm vợ, chúng ta sẽ đến những quán cà phê lãng mạn vào mỗi cuối tuần, trong ánh đèn mờ ảo, tiếng nhạc du dương, nói nhau nghe những lời ngọt ngào thương nhớ, rồi nhà ấy nấy về, giấc ai nấy ngủ.
Em của ngày xưa là thế. Em cũng thích như thế, luôn luôn thơm tho, luôn luôn xinh đẹp, dịu dàng và thoải mái. Đừng so sánh em với ngày xưa, cũng đừng so sánh em với những cô gái đang làm người yêu của những chàng trai chưa vợ.
Em cũng không thích em của ngày hôm nay đâu. Không muốn làm một bà mẹ bỉm sửa lắm điều. Không muốn cằn nhằn nếu anh về muộn. Không muốn cau có, gắt gỏng, than phiền. Em cũng ước gì mỗi ngày đều đón anh về nhà với nụ cười tươi rói.
Nhưng, việc nhà bề bộn, con cần đi bác sĩ, người nhà ốm đau cần thăm nom. Và rất nhiều những việc không tên. Những việc dù nhỏ thôi, dù “tiểu tiết” như anh nói thôi, em cũng rất cần bàn tay anh chia sẻ. Đàn ông nhiều khi cứ bảo phụ nữ là chúa phiền hà và hay đòi hỏi.
Nhưng phụ nữ thực ra rất dễ yêu, dễ mủi lòng. Chỉ cần một lời hỏi han khi mệt, một vòng tay ôm khi buồn, một chút sẻ chia khi bận rộn… Mỗi thứ một chút thôi, đâu có gì là quá khó khăn, nếu đủ yêu thương.
(Theo Dân trí)
" alt=""/>Tâm sự nhói lòng của vợ bị chồng chê đã xấu còn lắm điều