Anh liên hệ với người đại diện gia đình và được biết 2 trường hợp trở nặng là người mẹ 103 tuổi và con gái bà, 73 tuổi. 89% - 90% là kết quả chỉ số SpO2 (độ bão hòa oxy trong máu) của hai bệnh nhân. Do chưa thể liên hệ với lực lượng y tế địa phương, qua điện thoại, anh Chánh trấn an tinh thần và bắt đầu hướng dẫn các F0 trở nặng cách tập thở.Dù chưa được đến viện nhưng có bác sĩ hướng dẫn nên gia đình F0 yên tâm hơn và bắt đầu bình tĩnh làm theo các chỉ dẫn của bác sĩ mạng lưới. Nam bác sĩ cũng hướng dẫn họ cách liên hệ oxy, và tư vấn về chăm sóc sức khỏe. “Hiện tại, sức khỏe của cả gia đình trên đều đã ổn định. Người nhà còn gửi cho tôi clip ghi lại cảnh cụ tự xúc cơm ăn, tập thể dục. Tôi nhìn, không nén nổi vui mừng”, anh Chánh nói.
Đó là một trong số nhiều ca bệnh bác sĩ mạng lưới Thầy thuốc đồng hành - tổ chức với 6.000 y bác sĩ, tình nguyện viên ở khắp mọi miền cả nước.
“Chia lửa” cho vùng dịch
Đọc lời kêu gọi tuyển tình nguyện viên trên facebook, không do dự, bác sĩ Nguyễn Văn Chánh đăng ký. “Không vào vùng dịch, trực tiếp điều trị người bệnh, chúng tôi tham gia mạng lưới tư vấn để giúp các bệnh nhân, giảm tải áp lực cho TP.HCM”, anh nói.
Trải qua các buổi tập huấn trực tuyến, các bài kiểm tra, các tình nguyện viên là các bác sĩ trong và ngoài nước bắt tay vào công việc.
 |
BS tư vấn Nguyễn Văn Chánh - BS quản lý phó của Khu vực 760 mạng lưới Thầy thuốc đồng hành |
Hiện tại, mạng lưới này đã phủ sóng ở cả 3 tỉnh, thành phố là Hà Nội, TP.HCM và Bình Dương. Theo anh Chánh, với các ca F0 tại nhà trở nặng, không có các trang thiết bị cần thiết, bác sĩ sẽ liên hệ y tế địa phương để hỗ trợ, các bác sĩ sẽ hướng dẫn, đồng hành cùng họ vượt qua bệnh. Trong trường hợp khẩn cấp hơn, các bác sĩ sẽ gọi hotline và liên hệ hệ cấp cứu kịp thời.
Các bác sĩ, tình nguyện viên gọi điện tư vấn, hỏi thăm sức khỏe F0 hàng ngày. Các chỉ số SpO2, huyết áp… luôn được bác sĩ yêu cầu người nhà cung cấp để theo dõi sức khỏe bệnh nhân. Nếu bệnh nhân không có thiết bị, khi cần thiết các bác sĩ lại nhờ trợ giúp từ y tế địa phương để kiểm tra sức khỏe hiện tại của người bệnh.
Ngoài tư vấn chuyên môn, các bác sĩ cũng động viên, hướng dẫn bệnh nhân về chế độ dinh dưỡng, cách ăn uống, quan tâm đến giấc ngủ và chế độ luyện tập…
“Yếu tố quan trọng là tinh thần lạc quan và dinh dưỡng của người bệnh. Có như vậy, bệnh nhân mới hồi phục được nhanh hơn”, anh nói.
 |
Mạng lưới bác sĩ đồng hành đã phủ sóng ở cả 3 tỉnh thành phố là Hà Nội, TP.HCM và Bình Dương |
Theo bác sĩ tư vấn này, việc hỗ trợ trực tuyến khó khăn hơn nhiều so với thăm khám trực tiếp. “Chúng tôi chỉ đánh giá qua lời kể và trong những trường hợp cần đánh giá chính xác hơn thì có thể kết nối telehealth trực tuyến để đánh giá chính xác hơn tình trạng bệnh.
Trong khi đó, nếu thăm khám trực tiếp, các bác sĩ có thể nghe phổi, nghe tim hay chỉ định làm xét nghiệm để đánh giá tình trạng bệnh. Đôi khi, chúng tôi phải yêu cầu gặp bệnh nhân do người nhà lo lắng quá đánh giá không đúng tình trạng của người thân”, anh chia sẻ thêm.
Đêm trắng đồng hành cùng F0
Số lượng bệnh nhân nhờ đến sự hỗ trợ của mạng lưới ngày càng tăng với 450 nghìn cuộc gọi sau 3 tuần hoạt động. Theo anh Chánh, sau khi sức khỏe ổn định, các F0 đã được mạng lưới tư vấn lại giới thiệu cho những người thân, bạn bè…của họ.
“Sau không ít ca tư vấn, đặt lưng xuống giường, tôi không ngủ nổi. Cả đêm đó, tôi cứ giữ máy liên lạc với họ”, anh Chánh nói về trường hợp đặc biệt, anh tư vấn vào ngày 10/8.
Gia đình có 3 người (2 vợ chồng và con trai 20 tuổi). Người chồng đã mất vì Covid-19, vợ và con trai đều là F0. Khi gọi đến mạng lưới, người con hoảng loạn vì mẹ đang diễn tiến nặng, khó thở và tiêu chảy qua 2 ngày không thể cầm.
Đánh giá bệnh nhân thuộc nguy cơ 3, Anh Chánh hướng dẫn bệnh nhân tập thở và hướng dẫn liên lạc với chương trình ATM Oxy cùng y tế địa phương để hỗ trợ bệnh nhân. Tuy sau đó không được chuyển đến bệnh viện nhưng người mẹ đã may mắn được mượn bình oxy miễn phí. Anh Chánh tiếp tục tư vấn cách thở, cách chăm sóc bệnh nhân.
2 hôm sau, tình trạng F0 khả quan hơn, bệnh nhân đã cai được oxy và đến nay đã ổn định.“Cả đêm đó tôi thức trắng. Tôi nghĩ lỡ có chuyện không may, bạn trẻ đó sẽ thành mồ côi. Suốt đêm, tôi động viên người nhà và yêu cầu theo dõi sát các các dấu hiệu bệnh nhân và động viên tinh thần và cùng người nhà lên kế hoạch chăm sóc cho người bệnh”, anh nói.
“Tôi thường góp nhặt các địa chỉ Oxy thiện nguyện trên mạng để lúc cần có thể gửi cho bệnh nhân kết hợp với việc nhờ hỗ trợ từ y tế địa phương”. Trường hợp cụ già dưới đây cũng được anh hỗ trợ theo cách như vậy.
Đó là một bệnh nhân tuổi cao, anh đã lưu ý và ưu tiên gọi trước. Người nhấc máy là con trai của bà. Tình trạng sức khỏe của F0 đang rất kém, không thể ăn, sốt nhẹ, ho, mất vị giác.
“Những câu trả lời yếu ớt vọng lại từ đầu dây bên kia khiến tôi rất lo lắng. Tôi đã hướng dẫn người nhà đếm nhịp thở của bệnh nhân vì không có các thiết bị kiểm tra như máy đo huyết áp, SPO2. Nhịp thở được xác định là 33 lần/phút, tôi gọi y tế địa phương nhờ hỗ trợ”, anh nhớ lại.
Y tế địa phương báo chỉ số SPO2 của F0 là 64%, phải thở Oxy, sau đó chỉ số của bà lên được 90%, huyết áp 120/90 mmHg. Lúc đó, anh Chánh nhanh chóng gửi thông tin cho trưởng nhóm và khởi động cấp cứu. Sau khi CDC xác nhận, anh thông báo tiếp tục cho thở Oxy và hướng dẫn bệnh nhân tập thở.
“Đêm đó, dường như tôi không ngủ. 12h đêm lại gọi hỏi thăm sức khỏe của bà, lấy các chỉ số như SPO2, huyết áp”, anh kể. Qua 2 ngày theo dõi, tình trạng của F0 đã cải thiện, cai được Oxy, có thể ăn uống. Đến nay bệnh nhân đã hồi phục.
Lúc đó, bác sĩ tư vấn của mạng lưới này mới thở phào. Anh lại tiếp tục một cuộc gọi khác, khi thấy danh sách chờ còn dài…
>>> Xem thêm tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM mới nhất
Ngọc Trang

Thứ trưởng Bộ Y tế nêu nguyên nhân F0 cộng đồng nhiều tỉnh chiếm tỷ lệ lớn
Tại cuộc họp trực tuyến với 12 tỉnh Tây Nam bộ, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, F0 trong cộng đồng chiếm tỷ lớn (có tỉnh lên tới 90%) do việc xét nghiệm được triển khai quyết liệt.
" alt=""/>Bác sĩ trắng đêm tư vấn giúp F0 103 tuổi vượt nguy kịch
Chỉ mong người dân hợp tác, không kỳ thị1 tháng điều trị Covid-19 tại trung tâm y tế là khoảng thời gian đáng nhớ đối với chị Trần Thị Phương (phường Phú An, Thuận An, Bình Dương).
Thời gian cách ly tại nhà, việc chị làm hàng ngày là gọi điện cho các đơn vị, tổ chức để xin làm tình nguyện viên, hỗ trợ các F0 và công tác phòng chống dịch. Cuối cùng, hoàn thành thời gian cách ly, chị tham gia là tình nguyện viên Tổ test nhanh của Tỉnh đoàn Bình Dương với nhiệm vụ sàng lọc, tách F0 ra khỏi cộng đồng.
 |
Đội tình nguyện viên tham gia lấy mẫu test nhanh. |
“Thời gian đi lấy mẫu không cố định, cứ có lịch là chúng tôi lên đường. Sáng, sau khi đến khu vực cần test, chúng tôi chia đội và đăng ký bàn. Các tình nguyện viên nhận đồ bảo hộ, que test nhanh và chuẩn bị công việc. Trong khi đó, chính quyền địa phương huy động người dân đến khu vực test…”, chị Phương nói.
Công việc yêu cầu các tình nguyện viên phải tuân thủ tuyệt đối các quy tắc như khử khuẩn, bảo hộ. Nếu khu vực lấy mẫu là vùng đỏ, sau khi hoàn thành, họ phải rời sang khu vực khác để ăn uống, nghỉ ngơi đảm bảo an toàn. Cứ 3 ngày/lần, họ phải xét nghiệm để phòng nguy cơ lây nhiễm.
“Lúc làm việc, chúng tôi hạn chế uống nước để giảm nhu cầu đi vệ sinh, tránh trường hợp phải thay một bộ đồ bảo hộ. Những lúc trời nóng, mồ hôi đổ ướt áo, thật không hề dễ chịu. Có những hôm đứng cả ngày để lấy mẫu, đêm về 2 gót chân tôi đau nhức, không nhấc nổi”, chị Phương nói.
Theo chị Phương, công việc thuận lợi nhất là khi nhận được sự hợp tác của người dân. Nhiều người biết mình có khả năng là F0 đã trốn trong nhà, lực lượng chức năng phải đến can thiệp mới chịu ra để thực hiện test nhanh. Cuối cùng trong gia đình 3 người đó, có 2 người (mẹ và con) kết quả dương tính. Sau đó, phía y tế sẽ can thiệp để đưa đi cách ly, điều trị.
Chị cũng chạnh lòng với những lần bị kỳ thị. “Có lần, sau khi đi tập huấn để chuẩn bị làm tình nguyện viên về nhà, tôi và người em nhận được ánh mắt lo lắng của người hàng xóm. Người này khuyên một người khác: “Đừng lại gần nó”.
 |
Chị Trần Thị Phương |
Người ta biết chúng tôi sẽ là tình nguyện viên, tiếp xúc nhiều người và sợ sẽ lây bệnh cho họ. Không chỉ vậy, ở một số nơi còn tình trạng kỳ thị với người là F0 dù đã khỏi bệnh và về nhà để cách ly. Lý do họ đưa ra là: “Chưa chắc đã hết bệnh, vẫn có khả năng lây cho người khác”, chị Phương kể.
Tuy nhiên theo nữ tình nguyện viên này, cũng có những người dân rất thân thiện. Sau khi được lấy mẫu, họ nhẹ nhàng nói lời cảm ơn. “Thậm chí, nhiều nơi người dân còn mang gà, xôi, nước uống… ra tặng đội test nhanh”, chị Phương kể.
Ngày 25/8, chị Phương tiếp tục vào khu cách ly ở ĐH Quốc Gia TP.HCM để hỗ trợ y bác sĩ chăm sóc F0. Chị nói: “Đây như một cách để tôi trả ơn đối với các lực lượng y bác sĩ, tình nguyện viên đã giúp tôi khỏi bệnh”.
Giấu gia đình đi làm tình nguyện
Tối 25/8, trời mưa lớn, anh Trần Văn Tài (SN 1994, ở Bình Hòa, Thủ Dầu 1, Bình Dương) đang chờ xe để trở về nhà. Anh cùng các tình nguyện viên khác vừa kết thúc 1 ngày test nhanh cho người dân. “Có hôm 11, 12h đêm chúng tôi mới về đến nhà”, anh nói.
Anh Tài từng là F0, ngày 18/7, anh được chuyển đi cách ly tại khu cách ly tập trung với các triệu chứng đau họng, mất khứu giác…
Nhận kết quả âm tính sau 14 ngày, anh tiếp tục về nhà cách ly thêm 2 tuần nữa. Thời gian là F0, ở khu cách ly, anh thấy nhiều người trở nặng, nhiều người đã mất đi: “Tôi thấy xót xa nên khi khỏi bệnh, muốn giúp những người khác”.
 |
Anh Tài lấy mẫu test nhanh cho một người dân. |
Lúc đầu, anh định đăng ký vào bệnh viện dã chiến để chăm sóc các F0 nhưng ba mẹ phản đối vì lo con vất vả, nguy cơ có thể nhiễm lại lần nữa. Vì vậy khi đăng ký làm tình nguyện viên lấy mẫu test nhanh, anh đã giấu cả nhà. “Sau này, gia đình có biết nhưng không phản đối nữa, chỉ dặn tôi cẩn thận”, anh kể.
Để giữ an toàn cho gia đình, anh thuê phòng trọ ở riêng trong quá trình làm tình nguyện viên. Là tình nguyện viên của Tỉnh đoàn Bình Dương, công việc chủ yếu của anh là lấy mẫu test nhanh, thống kê thông tin, nhập dữ liệu…
Công việc bắt đầu từ sáng kéo dài qua trưa bởi thấy người dân đứng chờ, nắng nóng, các tình nguyện viên lại cố gắng làm xong để họ không phải đợi sang tận chiều buổi chiều.
Anh Tài cho biết, đi lấy mẫu có lúc được đứng trong bóng mát nhưng cũng có lúc, anh và tình nguyện viên phải làm ở điểm di động, đứng ngoài đường nắng nóng.
“Nhiều lúc bà con kêu: “Sao nắng dữ vậy?”, mình cũng chỉ biết động viên: “Cô, chú ráng lên. Tụi con mặc bộ đồ đứng đây còn thấy nóng hơn nhưng mọi người cùng chịu khó để mau chóng hoàn thành công việc, nghỉ ngơi”, anh nhớ lại.
Anh cũng ấn tượng với trường hợp gia đình 4 người (2 vợ chồng 1 trai, 1 gái), trong đó người chồng và con gái út dương tính với SASR-CoV-2. Con gái út sinh năm 2021, chỉ mấy tháng tuổi.
Cuối cùng, do bé còn quá nhỏ nên bé và mẹ được cách ly tại nhà. Người chồng phải đi cách ly, điều trị ở trung tâm. “Đi làm công việc này, chúng tôi vui nhất là ngày không có ca F0 nào”, anh nói.
 |
Trên xe đến điểm lấy mẫu tets nhanh. |
Trong đoàn tình nguyện viên của anh có cả những sinh viên. Họ một ngày ở nhà học online, ngày lại lên đường đi lấy mẫu. Cũng có người bạn anh Tài, tối qua nhận tin ông ngoại mất nhưng anh không thể về. Sáng sớm, người này vẫn lên đường để cùng đoàn hỗ trợ người dân chống dịch.
Anh cũng có một người bạn. Người này bị chủ trọ không cho về phòng do sợ có nguy cơ lây nhiễm. Tối nay lại xin về ở cùng anh.
Kết thúc ngày làm việc, họ được ăn cơm cùng các tình nguyện viên khác của tỉnh đoàn. Nhưng có hôm mệt, không ăn nổi, anh Tài chỉ muốn về đến phòng để nghỉ ngơi.
“Đêm đói quá, tôi ăn tạm mì tôm, cháo gói… cố ăn, để có sức khỏe, ngày mai lại tiếp tục công việc”, anh nói.
Gia đình nhỏ của anh có vợ và con trai đang ở cách nơi anh ở chỉ khoảng 7 km nhưng vì giữ an toàn nên anh chưa thể về thăm nhà. Đôi lúc nhớ con, anh lại chỉ biết nhờ đến những cuộc điện thoại.
>>> Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất
Ngọc Trang

Hà Nội thêm 13 ca Covid-19, quận Hai Bà Trưng có số mắc nhiều nhất
Sáng nay, Hà Nội thêm 13 ca mắc Covid-19, trong đó có 7 ca tại khu cách ly và 6 ca tại khu vực phong tỏa.
" alt=""/>F0 khỏi bệnh đi làm tình nguyện viên: ‘Chỉ mong không bị kỳ thị’