Trước khi nhờ đến mai mối, anh Huy trải qua 2 mối tình, trong đó mối tình thứ hai kéo dài 3 năm. Nếu như mối tình đầu chia tay trong hòa bình thì tình cũ gần nhất khiến anh rất đau lòng.
“Khi chia tay, tôi và cô ấy vẫn rất yêu nhau. Gia đình cô ấy không chấp nhận cho cả hai kết hôn. Thế nên, sau 3 năm hẹn hò, chúng tôi quyết định dừng lại. Tôi quyết tâm chấm dứt để bạn gái cũ tìm được hạnh phúc mới, không phải đau khổ thêm nữa”, anh Huy kể.
Lúc nói lời chia tay, chàng trai xứ Huế không quên giao ước với người yêu cũ: “Nếu sau 2 năm, em không yêu, không cưới người khác thì bằng mọi giá anh sẽ cưới em. Bây giờ, em cố gắng tìm bạn đời phù hợp, đừng làm ba mẹ buồn lòng nữa. Anh sẽ chờ em”.
Hơn một năm rưỡi chia tay, nghe tin tình cũ lấy chồng, anh Huy rất buồn nhưng cũng mừng thầm cho cô ấy.
Nhắc lại kỷ niệm cũ, anh Huy cố mím chặt môi nhưng nước mắt vẫn rơi. Nhìn người đàn ông cứng cỏi lau nước mắt, MC Quyền Linh xúc động. Ông mai động viên anh Huy bỏ qua quá khứ, tìm hạnh phúc ở tương lai.
Nghe chuyện tình buồn của anh Huy, chị Kim Huệ cũng chạnh lòng, động viên: “Tôi nghĩ khi người đàn ông khóc thì đó là chuyện đúng và đáng. Tôi thấy anh cười đẹp mà, anh cứ cười đi. Mọi thứ đều có lý do của nó, còn đoạn đường dài phía trước mình cứ bước tiếp”.
Ghi điểm nhờ chuyện Tết nội Tết ngoại
Dù nhận được sự thông cảm từ bạn gái và ông mai nhưng anh Huy vẫn khiến cho bà mối Ngọc Lan và bạn thân của cô gái đắn đo. Họ đặt câu hỏi liệu anh đã thực sự sẵn sàng cho mối quan hệ mới?
Đáp lại, anh Huy khẳng định: “Tôi xác định chấm dứt rồi thì tôi sẽ thay đổi, quên hết để hướng tới tương lai. Tôi cũng tự thấy bản thân có chút lụy tình nhưng đó không phải vấn đề đáng lo”.
Câu trả lời của anh giúp đối phương và nhiều người khác yên tâm, ủng hộ cả hai cho nhau cơ hội. Bạn thân của chị Huệ chia sẻ: “Chị Huệ là một người con gái rất hiểu chuyện, tinh tế trong các vấn đề của cuộc sống. Chị Huệ là người phù hợp đi với anh Huy một chặng đường dài. Tôi thấy anh Huy cũng hiền lành”.
Bên cạnh đó, tiêu chí chọn bạn đời của chị Kim Huệ cũng khá đơn giản. Ở tuổi 32, chị Huệ chưa vắt vai mối tình nào. Vì vậy, chị chỉ mong bạn trai biết quan tâm, lắng nghe mình chia sẻ.
Khi hàng rào mở ra, cả hai trực tiếp cảm nhận về nhau, tặng cho đối phương những món quà nhỏ. Và rồi, họ bắt đầu chia sẻ về quan điểm hôn nhân, gia đình, những điều mong muốn…
Anh Quốc Huy chia sẻ với bạn gái: “Huệ ở Bình Định, Huy ở Huế về địa lý tuy hơi xa nhưng ai cũng mong Tết con cái về nhà. Thế nên, chúng mình cố gắng ăn Tết năm bên nội, năm bên ngoại cho hai bên không thiệt thòi. Nay anh tới đây, cũng mong em tạo điều kiện cho mình cơ hội”.
Quan điểm của nhà trai về Tết nội Tết ngoại khiến bà mai Ngọc Lan và chị Kim Huệ thích thú. Sự chân thành, thấu hiểu của anh Huy thực sự chạm đến trái tim của chị Huệ. Vì vậy, chị đã chấp nhận hẹn hò và hi vọng tiến xa hơn với người bạn trai xứ Huế.
Tôi ngồi ngẫm lại những câu từ rất thú vị của tiếng Việt như "Ngựa đá chứ không phải ngựa đá”, “Năm con mèo đến là năm con mèo đến chứ không phải năm con mèo đến”…
Ngồi so sánh với các thứ ngôn ngữ khác mà tôi biết như tiếng Anh, Pháp, Nga… và thấy các ngôn ngữ thường chỉ có một đại từ nhân xưng ở các ngôi như I, Je, Ia ở ngôi thứ nhất, You, Tu, Tưi ở ngôi thứ hai, He/She, Il/Elle, Ôn/Ana ở ngôi thứ ba nhưng tiếng Việt của chúng ta thì có rất nhiều từ để thể hiện. Ví dụ xưng ở ngôi thứ nhất có các từ như anh, em, con, tao, tôi, cháu, ông, bà, chú, bác, cô, dì, cậu, mợ...
Tôi ngồi nghĩ về một từ thôi - "chết". Chỉ một từ "chết" này mà tiếng Việt có biết bao nhiêu từ để miêu tả như: thân hoại mạng chung, mất, qua đời, từ trần, tạ thế, nhắm mắt xuôi tay, về cõi vĩnh hằng, yên giấc ngàn thu, về nơi suối vàng, về nơi nhàn cảnh, tỏi, toi...
Tôi ngồi ngẫm lại các cụm từ có chữ "ăn" mà chẳng liên quan gì đến việc ăn, tức là cho thức ăn vào miệng. Đây nhé: ăn chơi, ăn chia, ăn nằm, làm ăn, ăn mặc, ăn nhậu, ăn tiêu, ăn bớt, ăn bẩn, ăn chặn, ăn cắp, ăn Tết. Tôi đã tìm ra hơn 60 cụm từ “ăn” mà không liên quan đến ăn theo nghĩa đen của từ này.
Ngày nay, vì học ngoại ngữ rất quan trọng nên nhiều người có thể không để ý, không có thời gian khám phá, đi tìm cái hay, cái đặc biệt của tiếng Việt, nhưng ai để ý một chút sẽ thấy tiếng Việt của chúng ta đẹp lắm, khác biệt lắm, thú vị vô cùng.
Tôi ngồi và nhớ lại các sự kiện lịch sử của dân tộc ta và nhớ về năm 1945, sắc lệnh số 20 về việc học chữ Quốc ngữ bắt buộc được ban hành. Sắc lệnh quan trọng này đã đưa chữ Quốc ngữ trở thành hệ chữ viết chính thức hiện nay của tiếng Việt. May thay chúng ta chính thức dùng chữ Quốc ngữ và thật sự may mắn khi tôi học tiếng Pháp, tiếng Anh dễ dàng hơn nhiều so với các bạn Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Tôi ngồi và nhớ lại mốc quan trọng của tiếng Việt: Khoa thi Hán học cuối cùng được tổ chức vào năm 1919. Đây có lẽ là mốc quan trọng khi chữ Nôm, chữ Hán chính thức rút lui, nhường chỗ cho chữ Quốc ngữ. Thật sự là tuyệt vời!
Lịch sử chữ Quốc ngữ không chỉ có 100 năm trở lại đây mà từ 400 năm trước, khi các giáo sĩ Dòng Tên tạo ra nó từ đầu thế kỷ thứ 17. Để thực hiện công cuộc truyền đạo tại Việt Nam, các giáo sĩ phương Tây với sự cộng tác của một số thầy người Việt đã tạo nên một lối chữ viết căn cứ trên mẫu tự Latin để có thể diễn tả ngôn ngữ Việt. Rõ ràng việc nghiên cứu lịch sử chữ viết tiếng Việt của chúng ta là một đề tài quan trọng, một vấn đề lớn và cần được quan tâm hơn nữa.
Hôm nay, tôi cầm trên tay 2 bản của cuốn sách Lịch sử chữ quốc ngữ 1620 - 1659của linh mục Đỗ Quang Chính vừa mới xuất bản chào mừng Ngày tôn vinh tiếng Việt. Sách do tủ sáchRa Khơiấn hành năm 1972, là tài liệu có giá trị trong ngành Ngữ học Việt Nam. Ấn phẩm có thêm một số sửa chữa của tác giả vào năm 2007. Cả bản sách phổ thông lẫn bản đặc biệt của cuốn sách làm tôi rất xúc động. Tôi ngồi đọc đi đọc lại và suy ngẫm rất nhiều.
Sách gồm có bốn chương: Chương 1 tổng hợp một số nhận xét của một số người Tây phương về tiếng Việt, chương 2 sơ lược giai đoạn thành hình chữ Quốc ngữ từ năm 1620 đến năm 1648, chương 3 nói về việc linh mục Đắc Lộ soạn thảo và cho xuất bản hai sách chữ Quốc ngữ đầu tiên năm 1651. Cuối cùng là phân tích những tài liệu viết tay năm 1659 của hai người Việt Nam là Igesico Văn Tín và Bento Thiện.
Tôi đang đặc biệt nhớ đến công lao của Francisco de Pina, người châu Âu đầu tiên nói thạo tiếng Việt và Alexandre de Rhodes, người đã soạn thảo và cho xuất bản hai cuốn sách chữ quốc ngữ đầu tiên. Tôi muốn nhìn thấy tận mắt và muốn có bản sao chép của 2 cuốn từ điển của Gaspar d’Amaral và Antonio Barbosa.
Ngay trong lúc này, tôi thành tâm muốn có mặt tại quê hương của Francisco de Pina là Guarda, Bồ Đào Nha và quê hương của Alexandre de Rhodes là Avignon, ở miền nam nước Pháp. Tôi cũng muốn đến ngay Thanh Chiêm, Quảng Nam, nơi khai sinh ra chữ Quốc ngữ để tìm lại những dấu tích cổ xưa, để biết ơn và trân trọng.
Ngay trong sáng hôm nay, tôi rất hạnh phúc khi hơn 8 giờ sáng, đúng ngày tôn vinh tiếng Việt và ngày phát hành sách Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620 - 1659, Giáo sư Phan Văn Trường đã có mặt tại Đường Sách Nguyễn Văn Bình, quận 1, TP.HCM và đã chụp ảnh với cuốn sách này. Giáo sư đích thân ra mua sách ủng hộ, tham gia tôn vinh tiếng Việt và chữ Quốc ngữ.
Hạnh phúc còn hơn nữa khi GS Phan Văn Trường nhắn tin với mong muốn rất nhân văn: "... chúng ta tặng tất cả các đại sứ quán của các nước trên thế giới cuốn sách mà Thái Hà xuất bản. Bên cạnh cuốn sách, chúng ta có thể nói đôi dòng về nền văn hóa và văn học của nước Việt Nam".
Ngay lúc này, tôi đang rất thích thú với nhận xét của Alexandre de Rhodes rằng: “… nghe người Việt nói chuyện với nhau, nhất là giữa nữ giới, tôi có cảm tưởng như mình nghe chim hót…”. Tôi cũng cứ ngẫm suy mãi, tiếng Việt của chúng ta khi thể hiện qua âm nhạc thì luôn thật tuyệt vời. Và rõ ràng cần tôn vinh tiếng Việt nhiều hơn, mạnh hơn, cụ thể hơn ở trong nước, với 100 triệu đồng bào đang nói tiếng Việt, viết tiếng Việt.
TS Nguyễn Mạnh Hùng