5/5 thôn của xã đều có người đi lao động ở nước ngoài. Nhiều gia đình có 2-4 người đi làm việc ở nước ngoài. Thị trường lao động chủ yếu như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và các nước châu Âu,…
Gia đình bà Hoàng Thị Minh (51 tuổi, thôn Dũng) có 3 người con đi lao động ở Nhật Bản. Năm 2015, con trai đầu của bà là Lê Văn Sơn (31 tuổi), sang Nhật Bản làm thợ cơ khí, với mức thu nhập hơn 30 triệu đồng/tháng.
Sau thời gian lao động ở xứ người, anh Sơn dành dụm được một số tiền lớn giúp gia đình xây dựng căn nhà 2 tầng khang trang. Năm 2020, anh tiếp tục lo chi phí cho em trai là Lê Văn Sỹ (28 tuổi) sang Nhật Bản làm việc.
Là kỹ sư vận hành máy, anh Sỹ không chỉ được công ty lo nơi ăn, chốn ở mà còn được trả mức lương gần 40 triệu đồng/tháng. Mới đây, anh Sỹ đã bảo lãnh đưa vợ con sang ở cùng.
"Thấy các con có cuộc sống tốt, thu nhập cao ở Nhật Bản tôi rất vui. Hy vọng công việc của các con thuận lợi, có kinh tế tốt để tương lai sau này bớt khổ, đủ điều kiện phụng dưỡng bố mẹ", bà Minh chia sẻ.
Ông Hoàng Công Tùng, Trưởng thôn Ngọc Trà 1, cho biết khoảng 20 năm trở lại đây, đi lao động ở nước ngoài trở thành nghề chủ lực của địa phương.
Hiện thôn có hơn 100 lao động làm việc ở nước ngoài. Có tiền, nhiều hộ dân trong thôn xây nhà to, cửa rộng, sắm ô tô. Từ một vùng quê phổ biến là xe máy nhưng vài năm trở lại đây, không quá khó để bắt gặp những chiếc xe hơi đậu lề đường, trong ngõ.
"Ở đây, biệt thự 3 tỷ đồng là bình thường. Ô tô thì chỉ thiếu xe sang, còn xe trên dưới 1 tỷ đồng không phải là của hiếm ở thôn này", ông Tùng cho hay.
Bí quyết "dùng tiền đẻ ra tiền"
Chia sẻ về bí quyết làm giàu của xã, bà Nguyễn Thị Liên, công chức Văn hóa - Xã hội xã Quảng Trung, cho biết mỗi năm có hàng trăm tỷ đồng từ nước ngoài gửi về.
Nguồn ngoại tệ giúp nhiều hộ trở nên khá giả. Bên cạnh nguồn thu nhập chính từ lao động nước ngoài, người dân ở xã Quảng Trung còn có bí quyết "dùng tiền đẻ ra tiền" bằng cách phát triển đa ngành nghề.
"Có tiền từ nước ngoài gửi về, bà con đầu tư vào nuôi trồng, sản xuất, kinh doanh, tăng lợi nhuận", bà Liên nói.
Theo bà Liên, toàn xã có 117ha thuốc lào. Loại cây trồng này đang cho thu nhập ổn định 5-7 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, địa phương này còn có 26 mô hình nuôi trồng thủy sản gắn với tiêu thụ sản phẩm an toàn theo chuỗi liên kết, có chỉ dẫn địa lý.
Xã Quảng Trung có khoảng 1.200 lao động tham gia các nghề như thợ nề, mộc và đi làm công ty xí nghiệp, mức thu nhập ổn định 6-8 triệu đồng/người/tháng. Các ngành nghề khác như cơ khí nhỏ, buôn bán hải sản,… được duy trì, phát triển ổn định, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động.
"Hiện mức thu nhập bình quân đầu người của xã là 76 triệu đồng/người/năm. Riêng thôn Ngọc Trà 1 có mức thu nhập bình quân lên đến 80 triệu đồng", bà Liên nói.
Ông Nguyễn Đắc Huân, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Quảng Xương, cho biết, toàn huyện có gần 3.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài. Một số xã có lượng lao động ở nước ngoài cao như: Quảng Nham, Quảng Trung, Quảng Chính.
Theo ông Huân, nguồn thu từ lao động ở nước ngoài giúp đời sống người dân tại nhiều làng quê trên địa bàn huyện ngày càng được nâng cao, góp phần tạo nên bộ mặt nông thôn ngày một khởi sắc.
Theo Dân Trí
Mẹ tôi thường xuyên đọc tin tức về những nàng dâu Việt bị nhà chồng xa lánh hay thậm chí bạo hành. Mẹ kiên quyết ngăn cản, không cho tôi kết hôn xa, nhất là ra nước ngoài làm dâu", chị Nguyễn Nhung (36 tuổi, quê Thái Nguyên, đang sống tại Hàn Quốc) chia sẻ.
"Nhưng 8 năm kể từ khi kết hôn, sự lo lắng của mẹ tôi đã hoàn toàn tan biến. Mẹ hay nói, mẹ chồng tôi thương con dâu hơn con đẻ, chẳng giống những bà mẹ chồng khó tính trong phim. Dù sống ở hai đất nước khác nhau nhưng mỗi năm hai bà thông gia vẫn sum vầy ít nhất một lần, thân thiết vô cùng", chị Nhung kể.
Bén duyên trong tour du lịch Nam Bộ
Chị Nhung và ông xã Kang Wonmin (tên tiếng Anh là David, SN 1976) quen nhau trong một tour du lịch các tỉnh Nam Bộ. Chuyến đi đó, ngoài chị và 2 em trai là người Việt, còn lại đều là người nước ngoài. Em trai chị Nhung được xếp ngồi cạnh anh David.
"Trên quãng đường dài, họ nói chuyện qua lại với nhau. Cứ khúc nào không hiểu, em trai lại nhờ tôi phiên dịch bằng tiếng Anh. Tôi và anh David khá bất ngờ khi biết đối phương cũng từng du học ở Australia như mình", chị Nhung kể.
Hai du khách xa lạ vì điểm chung trên mà nhanh chóng "bắt sóng". Họ nói chuyện hợp tới mức người hướng dẫn viên nhầm tưởng họ là một đôi. "Sau này anh David mới tâm sự, lúc gặp tôi, anh đã rung động. Sau chuyến đi, anh lấy lý do gửi hình ảnh để xin thông tin liên lạc. Tôi thấy ngại nên chỉ đưa địa chỉ email", chị nhớ lại.
Thời gian sau đó, anh David bay sang Việt Nam nhiều lần để tìm gặp chị Nhung. Tuy nhiên, vì đã có công việc ổn định tại Việt Nam và không muốn xa gia đình, chị Nhung 2 lần nói lời từ chối. "Anh David khá sốc nên có khoảng thời gian gần một năm, anh không liên lạc với tôi. Mọi chuyện tưởng như dừng ở đấy", chị kể.
Năm 2015, sau một số biến cố, chị Nhung rời TPHCM, trở về Hà Nội sống và làm việc. Khoảng thời gian này, chị gặp những vấn đề về tâm lý.
Không hiểu do "thần giao cách cảm" hay sự trùng hợp ngẫu nhiên, anh David quay lại tìm chị. Anh trò chuyện, tâm sự và đưa ra những lời khuyên chân thành, giúp chị Nhung vượt qua cơn khủng hoảng. Chính thời gian này, trái tim cô gái Việt đã rung động.
Sau đó ít lâu, chị Nhung chính thức nhận lời yêu anh David. Lo sợ bố mẹ ngăn cản, chị Nhung giấu chuyện tình cảm "kín như bưng". Bố mẹ chị từng nhiều lần nhắc nhở con gái, không muốn con lấy chồng xa, nhất là định cư ở nước ngoài.
Thời gian yêu nhau, chị Nhung thường sang Hàn Quốc vừa du lịch vừa kết hợp gặp người yêu. Đầu năm 2016, anh David ngỏ lời mời chị tới thăm gia đình mình. Chị Nhung đầy lo lắng vì thực tế, chị cũng "ám ảnh" cảnh mẹ chồng nàng dâu trên phim, thêm vào đó, chị chưa biết tiếng Hàn, rất khó giao tiếp với gia đình bạn trai.
"Ngày tôi ra sân bay, chuẩn bị đến giờ khởi hành, mẹ bỗng nhiên gọi điện. Dường như mẹ có linh cảm gì đó nên không muốn tôi qua Hàn Quốc, yêu cầu lập tức về nhà. Lúc ấy tôi chỉ còn cách xin mẹ: 'Hãy để con đi tìm câu trả lời cho chính trái tim con'", chị Nhung nhớ lại.
![]() | ![]() |
Mẹ chồng Hàn "tung chiêu" thuyết phục thông gia Việt
Khi chị Nhung tới Hàn Quốc, anh David dẫn chị tới gặp bố mẹ và vợ chồng em trai. Trên chuyến xe, chị Nhung hồi hộp vô cùng. Nhưng vừa gặp mặt bố mẹ bạn trai, cô gái Việt đã có cảm giác gần gũi, ấm áp.
Bố anh David là một nhà giáo về hưu, nhìn ông đứng đắn, nghiêm túc nhưng nói chuyện lại hài hước. Mẹ anh - bà Lee, khi ấy đã ngoài 60 tuổi nhưng vẫn trẻ trung, gương mặt phúc hậu. Ông bà có thể giao tiếp tiếng Anh cơ bản, nên chị Nhung bớt e ngại.
Vợ chồng em trai anh David đều du học và sống ở New Zealand nên nói tiếng Anh thành thạo. Em dâu người New Zealand gốc Hàn nhiệt tình phiên dịch, giúp cuộc gặp gỡ trở nên rôm rả, vui vẻ.
"Em dâu tôi nói, thấy anh David dẫn tôi về ra mắt, mẹ anh vui tới mức không ăn nổi", chị Nhung kể.
Cuộc gặp gỡ ở xứ Hàn diễn ra suôn sẻ, nhưng ngày chị Nhung trở về Việt Nam lại là ngày "bão táp đổ tới". Biết con gái yêu bạn trai người Hàn Quốc, mẹ chị kiên quyết không đồng ý. Các dì kể với chị Nhung rằng, mẹ chị khóc suốt.
Bà lo ngại con gái đi lấy chồng xa thì "bố mẹ mất con", cộng thêm rào cản ngôn ngữ, khác biệt văn hóa với gia đình chồng, chị Nhung khó có thể hạnh phúc.
"Lúc anh David tới thăm nhà, anh không hiểu những gì bố mẹ tôi nói nhưng nhìn mẹ tôi khóc sưng mắt, mắt tôi cũng đỏ hoe, anh biết gia đình đang phản đối mối quan hệ", chị Nhung kể.
Anh David rất bình tĩnh. Anh xin phép một tháng sau được đưa bố mẹ tới thăm nhà chị Nhung.
Nghe con trai kể về cuộc gặp đầu tiên với gia đình bạn gái, bà Lee càng quyết tâm sang Việt Nam sớm. Bà dành cả tuần để chuẩn bị quà cho thông gia tương lai, tập dượt bài phát biểu. Bà Lee nhờ các con lên mạng tìm hiểu và dạy mình một số câu giao tiếp tiếng Việt cơ bản.
Ngày đến Việt Nam, bà Lee gặp gỡ bố mẹ chị Nhung, chia sẻ rất chân tình. Bà xúc động nói, nhất định sẽ coi con dâu như con gái, không để con thiệt thòi khi sống xa quê hương.
"Tôi có nhờ một người em làm phiên dịch giúp hai mẹ. Thông qua phiên dịch và nhất là biểu cảm chân thành của mẹ chồng tôi, mẹ tôi dường như trút được nỗi lo. Lúc chia tay, hai bà ôm nhau, mắt đỏ hoe", chị Nhung kể.
Mẹ chị Nhung cũng an tâm hơn khi trực tiếp thấy bà thông gia tương lai gần gũi, thân thiết với con dâu thứ hai.
Sau đó không lâu, vợ chồng chị Nhung làm đám cưới ở hai quốc gia. Bà Lee một lần nữa "ghi điểm" với thông gia khi tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa, phong tục đám cưới Việt Nam. Bà sang Việt Nam, mang theo dụng cụ để đo Hanbok cho thông gia rồi đưa con dâu qua Hàn Quốc chọn váy cưới.
Mỗi món quà bà gửi tặng con dâu đều viết kèm những lời cảm động.
Gia đình thông gia Việt - Hàn thường sum vầy ít nhất 1 lần mỗi năm
Sau đám cưới, chị Nhung vẫn tiếp tục ở Việt Nam để làm việc. Lúc này, chị cũng biết tin có bầu. Mẹ chồng thường xuyên gọi điện qua thăm hỏi, động viên con dâu.
“Khi con được 8 tháng tuổi, nhận thấy con phải xa bố sẽ thiệt thòi, tôi quyết định nghỉ công việc yêu thích, gắn bó suốt 4 năm để sang Hàn Quốc định cư. Ở Hàn Quốc, việc thuê người giúp việc không hề đơn giản.
Giai đoạn này, mẹ chồng đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều. Bà vừa ở bên động viên, giúp tôi vượt qua nỗi buồn xa nhà, xa công việc, vừa tự tay làm đồ ăn, lái xe hơn 10km mang sang bồi bổ cho con, cháu. Tôi ở Hàn Quốc đã 8 năm nhưng chưa biết nấu món Hàn nào, bởi mẹ chồng lo cho hết", chị Nhung tâm sự.
U70 vẫn lái ô tô đi du lịch cùng con
Theo chị Nhung, mẹ chồng chị rất tân tiến. Bà không sống chung và không can thiệp vào cách nuôi con của vợ chồng chị.
Thông thường, phụ nữ Hàn Quốc sau khi kết hôn sẽ ở nhà nội trợ. Tuy nhiên, vốn là cô gái năng động, từng học và làm trong lĩnh vực kinh doanh quốc tế, chị Nhung sắp xếp thời gian để vừa nuôi con nhỏ vừa học tiếng Hàn, kết hợp kinh doanh online. Bố mẹ chồng rất ủng hộ nàng dâu Việt.
Khi cháu nội 2 tuổi, hàng ngày, ông nội sang đưa - đón cháu đến trường để chị Nhung yên tâm đi học.
Năm 2019, chị Nhung mở công ty riêng, chuyên xuất nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm chức năng, thiết bị y tế. Đây cũng là lĩnh vực chồng chị đang công tác nên có nhiều kinh nghiệm, mối quan hệ, dễ dàng hỗ trợ vợ.
Thời điểm này, bà Lee chính thức về hưu, ngừng kinh doanh quán ăn. Biết con dâu thường phải đi tới các nhà máy ở xa thành phố từ sáng sớm tới tối muộn nên mỗi ngày, bà lái ô tô sang đưa đón, phụ các con chăm sóc cháu nội, nấu ăn cho các con.
"Nếu không có bố mẹ chồng, tôi không biết phải xoay xở thế nào để vừa chăm con vừa kinh doanh. Có khi tối muộn, về tới nhà, thấy con đang vui chơi với ông bà, mâm cơm ấm nóng đầy ắp thức ăn, tôi đỏ hoe mắt", chị Nhung xúc động.
Theo nàng dâu Việt, chồng chị đôi khi khô khan với bố mẹ. Khi về làm dâu, chị coi bố mẹ chồng như bố mẹ đẻ. Chị thường xuyên tìm kiếm những món quà nhỏ hay tổ chức chuyến dã ngoại để gia đình ba thế hệ thêm gắn kết.
Mỗi năm, mẹ chồng Hàn và nàng dâu Việt lại "trốn nhà" đi du lịch nước ngoài cùng nhau. “Bố tôi tuổi cao nên khó đi xa, còn chồng tôi bận công tác. Mẹ chồng thành bạn đồng hành lý tưởng”, chị Nhung nói. Có năm, do con trai bận, bà Lee trực tiếp đưa con dâu, cháu nội về Việt Nam ăn Tết, đi du lịch cùng thông gia.
![]() | ![]() |
"Lấy chồng xa nhưng 8 năm qua, tôi đều đặn về nhà đón Tết, nghỉ hè, chỉ trừ năm dịch Covid-19 bùng phát. Hai gia đình năm nào cũng bay qua, bay lại thăm nhau vài chuyến nên gắn bó lắm. Con gái tôi được hưởng sự thương yêu, chăm sóc của ông bà cả nội, cả ngoại.
Chồng tôi chăm chỉ học tiếng Việt để nói chuyện với bố mẹ vợ dễ dàng hơn. Tôi thực sự thấy may mắn khi cả gia đình dành tình cảm chân thành cho nhau, xóa nhòa đi khoảng cách địa lý và rào cản văn hóa”, nàng dâu Việt tâm sự.
Ảnh: NVCC
Tác giả Nguyễn Thái Bình, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật chia sẻ đặt chân tới Sa Pa lần đầu năm 1998. Khi đó, nơi đây còn sơ khai, giao thông khó khăn, hạ tầng du lịch gần như chưa có. Tuy nhiên, anh nhìn thấy tiềm năng phát triển cũng như vẻ đẹp của phong cảnh, con người nơi đây nên đã cùng thầy giáo - tác giả Phạm Hoàng Hải viết chung cuốn sách.
"Hơn 20 năm đã qua, diện mạo du lịch Sa Pa đã thay đổi, việc quảng bá, xúc tiến du lịch tốt hơn, thu hút nhiều khách trong nước và nước ngoài. Đến nay, sự phát triển của Sa Pa đã vượt xa kỳ vọng của khách du lịch, cũng như chính quyền, nhân dân thị xã Sa Pa. Việc xuất bản cuốn sách được thực hiện với trách nhiệm, mong muốn góp phần nhỏ bé quảng bá cho du lịch Sa Pa, để nơi đây trở thành điểm đến yêu thích của nhiều người hơn nữa", tác giả Nguyễn Thái Bình chia sẻ.
Từng có thời gian dài công tác tại Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, tác giả Nguyễn Thái Bình chia sẻ câu chuyện về việc xây dựng tuyến cáp treo đi Fansipan: "Những ngày đầu, việc xây tuyến cáp treo này gần như là không tưởng. Nhưng cuối cùng sức lực và ý chí của con người thật sự vĩ đại, để hôm nay, chúng tôi có thể đi lên 'nóc nhà Đông Dương' một cách thuận tiện”.
Vì thế, việc tổ chức ra mắt sách trên đỉnh Fansipan - điều trước nay chưa tác giả nào làm, để đại biểu tham dự có cơ hội được trải nghiệm những cảnh sắc tuyệt đẹp, những dịch vụ ấn tượng tại Sa Pa, để thêm nể phục bàn tay, khối óc hăng say lao động của những con người không ngại gian khổ, hy sinh đã xây dựng Sa Pa trở thành điểm đến du lịch văn hóa và thiên nhiên hàng đầu thế giới.
Đọc cuốn sách, độc giả ấn tượng từ cái tên Sa Pa giữa trời mây trắng, như đang đứng ở giữa mây trời bao la nơi đây. Nội dung của tác phẩm gần gũi, dễ tiếp nhận, đúng như tác giả viết trong lời nói đầu: "Cầm cuốn sách, bạn đọc có thể đọc bất kỳ bài nào, bất kỳ trang nào tùy thích mà không cần đọc theo thứ tự từ đầu đến cuối".
Ngay phần đầu tiên - Huyền ảo mây trắng Sa Pa, hai tác giả mô tả chính xác những trạng thái của mây trong cùng một ngày, như "khi thì mây trắng xốp trải rộng phủ kín núi rừng”, lúc lại “hạ xuống dưới đáy của thung lũng Ô Quy Hồ".
Không chỉ tái hiện phong cảnh, sách khắc họa rõ nét tính cách con người nơi đây. So với lần ấn bản cách đây 21 năm, sách cập nhật những thay đổi tại đây, có thể kể đến các giá trị bản địa đã và đang được khôi phục, hay kế hoạch mang văn hóa Tây Bắc lan tỏa rộng rãi ở trong nước và quốc tế.
Cuốn sách cũng giới thiệu đến độc giả về đỉnh thiêng Fansipan - nóc nhà Đông Dương, niềm tự hào của người dân Lào Cai và Việt Nam với địa hình địa chất độc đáo, cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, gắn với những huyền tích linh thiêng. Fansipan không chỉ còn là điểm đến dành riêng cho những người gan dạ, đam mê khám phá mà còn là điểm đến của hàng triệu du khách, sau tuyến cáp treo đạt nhiều kỷ lục Guinness.