Loạt siêu phẩm "dội bom"
Cuối tháng 2/2013, HTC đã cho ra mắt One - siêu phẩm được chờ đợi nhất trong quý I/2013. Dù sản phẩm bị trì hoãn và không thể lên kệ đúng như dự kiến nhưng ngay từ khi ra mắt One đã được đánh giá là chiếc smartphone sở hữu đầy đủ cấu hình và tính năng của một smartphone đầu bảng.
Với cấu hình vượt trội chip lõi tứ Snapdragon mới nhất, công nghệ chụp ảnh Ultrapixel mới và giao diện Sense, One được kỳ vọng là sẽ giúp HTC giành lại vị thế trên thị trường smartphone. Nhiều chuyên gia đồng ý rằng, One là một con dế độc đáo, cao cấp và sang trọng.
Nhưng chẳng lâu sau, vào trung tuần tháng 3/2013, Samsung cũng chính thức giới thiệu "bom tấn" Galaxy S4 - chiếc smartphone hứa hẹn nối tiếp thành công của người tiền nhiệm S3 trước đó. Với S4, người ta có thể liệt kê ra hàng tá những tính năng mà nó được tích hợp để đánh bại iPhone 5. Từ cổng hồng ngoại, chíp NFC, thẻ nhớ ngoài,...cho đến màn hình 5 inch Full HD, camera,...
Chỉ sau sự kiện S4 ra mắt vài tháng, đêm 11/7, hãng điện thoại Phần Lan cũng chính thức cho ra mắt Lumia 1020 với điểm nhấn gây chấn động là máy được tích hợp camera 41MP, sở hữu bộ ổn định quang học chống nhòe, ống kính Zeiss 6 lớp, đèn flash Xenon, có thể chụp ảnh tĩnh ở độ phân giải 38MP. Xét về mặt các ứng dụng và giao diện Windows Phone có thể chưa thể so được với iOS của Apple, tuy nhiên, chỉ riêng tính năng chụp ảnh, công nghệ PureView với camera vào loại khủng số 1 trên các dòng smartphone hiện tại cũng đủ cho thấy tham vọng của Nokia đặt vào Lumia 1020.
Bước sang đầu tháng 8/2013, chỉ sau chưa đầy 1 tháng Nokia ra Lumia 1020, Google cũng cho ra siêu phẩm đầu tiên từ sau ngày mua lại Motorola - Moto X - chiếc smartphone được sản xuất ngay chính trên đất Mỹ. Ngoài việc sở hữu một cấu hình vào loại khủng, Moto X có thiết kế bắt mắt, nhiều màu sắc và sự tuỳ biến độc đáo.
Và có lẽ nóng nhất phải kể đến LG G2 - chiếc smartphone vừa được ra mắt đêm qua từ một đối thủ của Apple cũng đến từ Hàn Quốc - LG. Một loạt điểm mạnh mà G2 có thể thoả mãn số đông người dùng smartphone. Vi xử lỉ vào hàng khủng nhất hiện nay, Snapdragon 800 tốc độ 2,3 GHz mới được Qualcomm giới thiệu tại CES vừa qua với chip đồ họa bốn lõi Adreno 330, bộ nhớ RAM dung lượng 2 GB. Dễ thấy những điểm mạnh của con dế này với màn hình 5,2 inch sát các cạnh Full HD, mật độ điểm ảnh 424 ppi (iPhone 5 chỉ là 326 ppi), công nghệ Graphic RAM giúp tiết kiệm pin, camera 13 MP chống rung quang học, nói “Answer Me” để đàm thoại,...
Android và Windows Phone đang có cả một binh đoàn đổ bộ xuống thị trường trong khi Apple vẫn án binh bất động.
Apple đang "ủ mưu" hay chậm chân?
Thông lệ của Táo khuyết cho đến nay vẫn là không ra ồ ạt nhiều smartphone cùng lúc nhưng vẫn đảm bảo được một doanh số cực tốt áp đảo cũng lúc nhiều siêu phẩm của các hãng khác ngay khi ra mắt.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại khoảng cách mà Apple tạo ra với các hãng đang ngày càng bị thu hẹp. Vị trí độc tôn về smartphone của Apple ngày càng bị lung lay dữ dội hơn bao giờ hết.
Trong khi Android và Windows Phone liên tiếp 'nã pháo' thì Apple vẫn đặt mình ở thế chờ thời điểm phản công. Có lẽ, một phần vì triết lí ra sản phẩm mới cố hữu của Táo khuyết, chọn "điểm rơi" cho sản phẩm, tự tin với lượng fan đông đảo và hệ thống phân phối rộng khắp hay còn những "vũ khí" bí mật nào nữa cho chiếc điện thoại mới nhưng rõ ràng iPhone đang chịu sức ép ghê gớm.
Không biết iPhone 5S và 5C (những chiếc iPhone mới được đồn đoán sẽ ra mắt mùa thu này) có khiến người ta quên nhanh được các siêu phẩm của Android và Windows Phone vừa ra mắt hay không nhưng rõ ràng, việc Apple chậm chân trong việc lấp đầy các phân khúc smartphone trên thị trường là điều đã thấy rõ.
Hải Phong
" alt=""/>Loạt 'bom tấn' smartphone phả hơi nóng vào gáy AppleThoạt nhìn, sự khác biệt này rất đáng ngạc nhiên. Gian hàng App Store của Apple và Google Play đều có hơn 800.000 ứng dụng và con số mới nhất cho thấy số lượt tải ứng dụng Android đã vượt iOS khoảng 10%. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng App Store vẫn kiếm tiền tốt hơn rất nhiều.
Đối với các nhà phát triển ứng dụng, điều đó là hiển nhiên: Đi theo tiếng gọi của đồng tiền. Vì vậy, mặc dù doanh thu trung bình của Android đã tăng 2,5 lần trong năm qua theo tuyên bố của Google, Apple mới là người chiếm được trái tim và hoạch định sản phẩm của các lập trình viên. Hầu hết các nhà phát triển đều tạo ứng dụng cho iOS trước, sau đó mới đặt chân lên Android. Kiểu hoạt động này phổ biến tới mức nếu mọi chuyện diễn ra theo huớng ngược lại, nó sẽ trở thành tin lớn. Khi Facebook giới thiệu ứng dụng Home dành cho Android đầu năm nay trong khi iOS vẫn tiếp tục phải đợi, CEO Mark Zuckerberg nhận thấy mình phải tuyên bố thực tế đó, có lẽ là vì tính bất thường của nó.
Lòng trung thành của giới phát triển là lợi thế lớn nhất của Apple, và Google từ lâu đã có kế hoạch đoạt lấy nó. Năm 2011, CEO Eric Schmidt của Google dự đoán rằng đến giữa năm 2012, các nhà phát triển sẽ chuyển sang xu hướng ưu tiên Google. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa trở thành hiện thực. Nếu tới thời điểm này, Google vẫn còn có ý định biến ham muốn đó thành sự thật, hãng sẽ phải làm rất nhiều điều như:
- Tiếp tục nâng cấp hệ thống Google Play
- Khuyến khích các hãng phần mềm vượt ra khỏi kiểu kinh doanh game miễn phí
- Tìm cách khích lệ người dùng Android chịu trả tiền mua ứng dụng
- Đối đầu với lợi thế thẻ tín dụng của Apple, có thể bằng thanh toán qua nhà mạng
- Củng cố sức mạnh của Android tại các thị trường đang phát triển trên thế giới
- Giúp lập trình viên Android viết ứng dụng có chất lượng hơn
Những chiến lược trên không mới với Google, thực chất hãng đã và đang tiến hành chúng không bằng cách này thì cách khác. Dù vậy, chắc chắn đây là một công việc không hề dễ dàng, dự đoán của Eric Schmidt không thể thành sự thật là một minh chứng cho điều đó. Để hiểu tại sao, hãy cùng tìm hiểu sâu hơn về thị trường phát triển ứng dụng.
Đồng tiền biết nói... và nhà phát triển lắng nghe
Trung bình, mỗi quý Apple trả cho các nhà phát triển ứng dụng của mình hơn 1 tỉ USD. Google không công bố con số tương ứng của mình, tuy nhiên một bài nghiên cứu gần đây của hãng App Annie chỉ ra rằng App Store đem về doanh thu cao gấp 2,3 lần so với Google Play.
Trong khi đó, hãng nghiên cứu Canalys cũng khẳng định doanh thu quý I/2013 của App Store chiếm 74% tổng doanh thu ngành kinh doanh ứng dụng, để lại cho Google Play chưa đến 20%. Distimo cho biết, 200 ứng dụng iOS hàng đầu kiếm về 5,1 triệu USD mỗi ngày trong tháng 4/2013 chỉ riêng tại Mỹ. Con số đó của Google Play chỉ là 1,1 triệu USD, mặc dù sẽ còn tiếp tục tăng lên. Đây là một thực tế không thể bỏ qua đối với giới phát triển, bởi 25 hãng ứng dụng hàng đầu chiếm tới 50% tổng doanh thu của cả 2 gian hàng.
Khi iPhone App Store trình làng vào năm 2008, Android vẫn còn chưa nằm trong kế hoạch của Google. Với tư cách là những người tiêu dùng đầu tiên của thị trường, người dùng iOS sớm làm quen với việc tải và trả tiền mua ứng dụng trong môi trường được kiểm soát và ít cạnh tranh hơn bây giờ rất nhiều.
"Apple có lợi thế đối với iTunes, vốn yêu cầu một thẻ tín dụng để liên kết với bất cứ tài khoản nào", Greg Sterling, nhà nghiên cứu cấp cao tại hãng Opus Research cho biết. "Điều này khiến việc mua ứng dụng trả tiền trở nên nhanh chóng và dễ dàng hơn rất nhiều so với những phương thức thanh toán mà Android sử dụng".
Trong khi đó, "người dùng Android thường có tâm lý rằng mọi thứ đều miễn phí" – Rich Morrow, nhà nghiên cứu của hãng GigaOm Pro đồng thời là kỹ sư trưởng của QuicCloud cho biết. Người dùng iPhone cũng sử dụng điện thoại và ứng dụng với tần suất cao hơn người dùng Android. Các cuộc điều tra độc lập cho thấy ứng dụng iOS thường được đánh giá cao hơn ứng dụng Android. Cuối cùng, có thể kết luận rằng mặc dù số lượng người dùng iOS ít hơn, nhưng họ lại giàu hơn, ít nhất là khi xem xét theo số tiền họ bỏ ra mua ứng dụng. iOS có màn trình diễn tốt nhất tại các quốc gia phát triển, còn Android lại thống trị ở các thị trường đang phát triển.
Google có thể làm được gì?
Hãy bắt đầu bằng các thứ đơn giản! Google phải tiếp tục cải thiện gian hàng Google Play để người dùng có thể dễ dàng khám phá các ứng dụng, không chỉ các ứng dụng hàng đầu. Sterling cho rằng, công ty đã rất mạnh tay nâng cấp Google Play để rút ngắn khoảng cách với đối thủ. Tuy nhiên, các ứng dụng không nằm trong top đang nổi – vốn chỉ bao gồm các game miễn phí, kiếm tiền thông qua chi trả in-app – vẫn đang "lặn không sủi tăm" giữa hàng ngàn ứng dụng. Công bằng mà nói thì đây cũng là một vấn đề đối với App Store.
Doanh thu của Google Play phụ thuộc rất nhiều vào hình thức free-to-play, và hình thức này đã tạo ra một áp lực vô hình cho các nhà phát triển Android: Họ phải khiến khách hàng download và sử dụng phần mềm trước khi có quyền yêu cầu khách trả tiền. Trong hội nghị Google I/O diễn ra vào tháng 5 vừa qua, trưởng bộ phận kinh doanh thương mại Google Play, ông Ibrahim Elbouchikhi cho biết giá trị thông qua hình thức chi trả in-app đã tăng 700% so với năm ngoái. Và mặc dù hệ thống chi trả in-app của Google đã phát triển tới phiên bản thứ 3, bao gồm các nâng cấp cho phép giảm đáng kể lượt tương tác với người dùng, nhưng rất nhiều người vẫn cảm thấy khó chịu trước những đòi hỏi của ứng dụng áp dụng hình thức chi trả in-app.
Một sự lựa chọn khác là đăng kí (subscription), vốn đã tăng 200% mỗi quý kể từ năm 2012 theo Elbouchikhi. Tuy nhiên, ngay cả vị quản lý này cũng phải thừa nhận rằng thuyết phục người dùng đăng kí là một rào cản lớn.
Câu đố lớn nhất dành cho Google là làm sao để khiến người dùng Android có thể có giao dịch lần đầu thành công. Đây là một công việc khá khó, bởi Google không yêu cầu thẻ tín dụng khi người dùng đăng nhập tài khoản trên Android. Đó cũng là lý do Google đã phát hành các thẻ tặng Google Play Gift Cards vào năm ngoái và bắt đầu các chiến dịch quảng bá. Ý tưởng đằng sau các việc làm này, theo Elbouchikhi là kiếm lại số tiền đáng nhẽ sẽ được khách hàng trả cho ứng dụng Android và khích lệ họ trở thành một người dùng ứng dụng trả tiền, thay vì chỉ "dám" dùng các ứng dụng miễn phí như trước đây. Một khi khách hàng đã mua một, hai rồi ba ứng dụng, họ sẽ sẵn sàng mua nhiều hơn.
Đây là một hướng đi đúng, nhưng Google vẫn cần cải tạo quá trình mua ứng dụng trên Android, một điều mà hãng biết là chưa thể tốt bằng Apple.
Thanh toán qua nhà mạng
Cuối cùng, chỉ có một cách giúp Google cạnh tranh với Apple xét về sự đơn giản khi mua ứng dụng: Thanh toán thông qua tiền điện thoại. Google cho biết có khoảng 50% người dùng Android hiện nay sử dụng các mạng di động hỗ trợ thanh toán. Elbouchikhi cho biết: "Chúng tôi đã đầu tư rất nhiều vào công nghệ này", tuy nhiên thực sự có bao nhiêu giao dịch thành công qua phương thức này vẫn chưa được tiết lộ.
Thanh toán qua nhà mạng là yếu tố rất quan trọng tại các thị trường đang phát triển, nơi Android thống trị. Rất nhiều người dùng tại các quốc gia này không sử dụng thẻ tín dụng. Google có ý định mở rộng phương thức thanh toán qua nhà mạng tới nhiều quốc gia nữa, nhưng không rõ liệu đến bao giờ tất cả 134 thị trường nơi Android đang có mặt sẽ được hưởng dịch vụ này.
Dù vậy, khả năng vươn rộng tới nhiều thị trường vẫn đang là một thế mạnh của Android. Elbouchikhi khẳng định, Google đang nỗ lực để khiến các nhà phát triển ứng dụng nhận biết được những thị trường tiềm năng nhất, từ đó xây dựng phần mềm tập trung vào các thị trường này.
Giảm chi phí phát triển
Android cũng cần phải giúp các nhà phát triển ứng dụng đặt chân lên máy tính bảng dễ dàng hơn. Elbouchikhi cho biết, kinh doanh ứng dụng cho máy tính bảng kiếm lời gấp 1,7 lần so với smartphone và Google đang giúp đỡ giới phát triển làm được điều đó. Tuy nhiên, vấn đề của Google nằm ở sự phân mảnh của hệ điều hành này. Có hàng ngàn phiên bản và cấu hình của Android mà các nhà phát triển cần phải để ý và "làm vừa lòng", điều này khiến chi phí phát triển tăng lên rất cao.
Theo Elbouchikhi, phiên bản mới nhất của Android đem tiền về nhiều gấp 2,2 lần các phiên bản cũ. Tuy nhiên không may là có chưa tới 40% thiết bị Android đang chạy trên phiên bản Jelly Bean 4.1 trở lên. Cho tới khi Google tìm ra cách cập nhật cho số đông người dùng, các lập trình viên vẫn phải dành thời gian, tiền bạc và công sức để hỗ trợ nhiều phiên bản Android nhất có thể, bao gồm cả các phiên bản cũ vốn chẳng đem về nhiều lợi nhuận.
Trong khi đó, hầu hết người dùng iOS đều được cập nhật và các nhà phát triển chỉ phải bỏ công hỗ trợ rất ít phiên bản phần mềm lẫn thiết bị. Mặt khác, theo nhà phân tích Morrow, "Google đang hết sức nỗ lực để cải thiện công nghệ điện toán đám mây" với giá thành rẻ và tích hợp sâu hơn vào các ứng dụng Google Play. Một nền tảng đơn giản, nằm trong tầm với chi trả kèm theo nhiều dịch vụ mà các nhà phát triển cần tới sẽ có thể giúp Google giành lại đội ngũ phát triển từ iOS.
Tập trung vào ứng dụng và giao tiếp
Có thể yếu tố quan trọng nhất hay tạo ra điều khác biệt vẫn chính là bản thân ứng dụng. Những ứng dụng được đánh giá cao hơn thường giúp tác giả và Google kiếm nhiều tiền hơn.
Một cách để giúp tạo ra các ứng dụng chất lượng cao là Google cải thiện khả năng giao tiếp, cung cấp thông tin với các lập trình viên. Công ty vẫn thường xuyên bổ sung tính năng vào hệ thống Google Play Developer Console – một hệ thống dành cho việc phát hành và phân phối ứng dụng Android, ra mắt vào năm 2012. Ngoài ra, Google Wallet Merchant Center cung cấp công cụ quản lý tài khoản, phân tích và báo cáo tùy theo yêu cầu của người dùng.
Những nguồn cung cấp thông tin tự động này hoạt động khá hiệu quả, nhưng vẫn chưa đủ. Google cần cởi mở hơn với các nhà phát triển. Tại hội nghị I/O, Elbouchikhi tỏ ra quá kín đáo khi né tránh các câu hỏi về việc một ứng dụng Android "hot" có thể thu được bao nhiêu tiền, có lẽ bởi con số không mấy khả quan.
Nếu Google thật sự muốn Android là nền tảng giành được sự chú ý đầu tiên từ giới phát triển ứng dụng, bước thứ nhất là phải cởi mở hơn về những lợi ích giới phát triển có thể nhận được, sau đó là xóa bỏ sự phân mảnh đang hành hạ họ.
(Theo Vnreview)" alt=""/>Vũ khí bí mật giúp Android đánh bại iOS