2. Trước khi tuyên bố giải thể, bóng đá Quảng Ninh là một cái tên đáng gờm tại V-League khi luôn duy trì thành tích ổn định ở giải đấu cao nhất nước.
Sự đáng gờm của đội bóng đất Mỏ không phải tự nhiên mà có, bởi khi ấy Than Quảng Ninh sở hữu tiềm lực tài chính hùng mạnh, đội ngũ cầu thủ, BHL tốt, sân bãi tới hội CĐV nằm trong nhóm đầu V-League.
Nhưng, chỉ sau vài mùa kể từ khi lên chơi ở V-League (năm 2015) rốt cuộc đội bóng vùng Đông Bắc dính vào lùm xùm nợ lương, thưởng hay lót tay và giải thể trong sự tiếc nuối của người hâm mộ đất mỏ.
Vậy nên, lúc này dù vui khi tỉnh nhà trở lại với bóng đá nhưng người hâm mộ Quảng Ninh cũng gánh theo sự phấp phỏng, bởi chẳng biết duy trì bao lâu hay lại loé lên rồi chợt tắt như từng chứng kiến.
3. Bóng đá Việt Nam sau hơn 20 năm khoác áo chuyên nghiệp thực tế có rất nhiều câu chuyện giống như Than Quảng Ninh. Vấn đề nằm ở chỗ mùa giải nào cũng xuất hiện chứ chẳng phải lâu lâu.
Những đội bóng giàu truyền thống thời xưa cũ không thích nghi được với môi trường mới và bị xoá sổ thì đã đành, đằng này còn có cả các CLB từng đại diện là hình mẫu của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam cũng đứng ở bờ vực giải tán mới đáng buồn.
Nguyên nhân dẫn tới bỏ giải, xoá sổ gạch tên phần lớn khá giống nhau khi diễn ra công thức: Háo hức, hứa hẹn làm bóng đá chuyên nghiệp vì cái chung, đầu tư mạnh mẽ trên thị trường chuyển nhượng và sau đó nợ nần trước khi mất tích.
Bóng đá Việt Nam xoay vòng luẩn quẩn như thế nên giải hạng Nhất chưa khi nào lên tới 14 đội giống V-League như đề án được xây dựng những ngày đầu khoác áo chuyên nghiệp cũng chẳng có gì lạ.
Vòng luẩn quẩn đáng buồn kéo dài, nên nhiều người mới nói bóng đá Việt Nam dự được World Cup chỉ là giấc mơ dài chưa có cơ sở biến thành hiện thực.