Trường Mầm non Trần Phú (TP Hà Tĩnh) là một trong những trường học đạt kết quả nổi bật trong quá trình chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục, trong đó có thanh toán không dùng tiền mặt hoạt động thu - chi.
Cô Bùi Thị Hòa - Hiệu trưởng Trường Mầm non Trần Phú chia sẻ: “Nhà trường hiện có 9 lớp với 276 trẻ. Thời gian qua, chúng tôi đã linh hoạt triển khai các giải pháp để triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong hoạt động thu – chi và nhận được sự đồng tình cao của các bậc phụ huynh. Đến nay, 100% phụ huynh đã thực hiện các khoản đóng nộp cho trẻ qua phần mềm. Việc làm này không chỉ giúp phụ huynh tiết kiệm thời gian, tạo thuận lợi trong giao dịch mà còn giúp nhà trường dễ dàng quản lý tài chính. Tới đây, chúng tôi sẽ đề xuất với ngân hàng tiếp tục đưa hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đi vào chiều sâu với việc cấp mã thanh toán cho từng học sinh để việc đóng nộp của phụ huynh diễn ra thuận lợi hơn”.
Trong lĩnh vực y tế, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt cũng đạt nhiều kết quả khả quan. Từ năm 2023, Bệnh viện Đa khoa TP Hà Tĩnh là đơn vị được lựa chọn thí điểm thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi là Đề án 06) trên địa bàn tỉnh, trong đó có nội dung đẩy mạnh thanh toán online.
Bà Dương Thị Lân - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Tài chính – Kế toán, Bệnh viện Đa khoa TP Hà Tĩnh cho hay: “Từ đầu năm đến nay đã có gần 4.000 lượt bệnh nhân thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, tăng trên 23% so với cùng kỳ năm 2023. Hình thức thanh toán hiện đại này giúp bệnh nhân giảm chờ đợi và giảm nhân lực thực hiện công tác thanh toán cho bệnh viện. Thời gian tới, bệnh viện sẽ liên kết ngân hàng, thực hiện mã hóa thông tin bệnh nhân và số tiền viện phí trên phần mềm để tạo thuận lợi cho người bệnh trong quá trình thanh toán viện phí”.
Thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng tất yếu của nền kinh tế hiện đại, mang lại nhiều lợi ích cho cả người dân, doanh nghiệp và xã hội. Loại hình thanh toán hiện đại này tại Hà Tĩnh những năm gần đây phát triển nhờ sự mở rộng của dịch vụ ngân hàng số.
Vietcombank Hà Tĩnh là chi nhánh có số lượng khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt lớn. Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Hà – Trưởng phòng Dịch vụ Khách hàng, Vietcombank Hà Tĩnh, quý I/2024, chi nhánh đã phối hợp với Công an tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh và UBND các phường, xã trên địa bàn TP Hà Tĩnh đẩy mạnh phát triển tài khoản thanh toán lương hưu cho đối tượng người có công và hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội, qua đó góp phần gia tăng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt.
Tính đến 30/4/2024, Vietcombank Hà Tĩnh đang phục vụ dịch vụ hơn 362.000 khách hàng cá nhân, trong đó có gần 250.000 khách hàng đăng ký ngân hàng số Vietcombank Digibank. Việc sử dụng dịch vụ này không chỉ tạo tiện ích cho khách hàng mà còn giúp Vietcombank đến gần hơn với mục tiêu phát triển ngân hàng số.
Hiện nay, lượng khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán online tại BIDV Hà Tĩnh cũng không ngừng gia tăng nhờ đẩy mạnh công tác truyền thông và các chính sách ưu đãi. Thực tiễn cho thấy, bên cạnh chi tiêu mua sắm hàng hóa, khách hàng cá nhân và các tổ chức, doanh nghiệp đã "chuộng" hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đối với các lĩnh vực y tế, giáo dục, an sinh xã hội.
Hiện nay, hệ thống ngân hàng Hà Tĩnh đang hướng khách hàng vào kênh thanh toán hiện đại, góp phần thực hiện mục tiêu số hóa ngành ngân hàng. Theo đó, bên cạnh việc đầu tư hạ tầng công nghệ mang tính cạnh tranh, tạo ra sự tiện ích trong các phần mềm thì các tổ chức tín dụng còn áp dụng các chính sách ưu đãi nhằm kích cầu khách hàng sử dụng dịch vụ.
Thời gian qua NHNN Chi nhánh đã tăng cường chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số theo chỉ đạo của NHNN, của tỉnh. Trong đó, tiếp tục thực hiện đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt theo Kế hoạch số 09/KH-UBND ngày 14/1/2022 của UBND tỉnh. Nhờ đó, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, an sinh xã hội.
Tính đến ngày 30/4/2024, tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện qua ngân hàng đạt trên 80%, tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền nước qua ngân hàng và các đơn vị thu hộ hơn 80%. Số tiền học sinh nộp học phí và các khoản thu qua tài khoản ngân hàng chiếm tỷ lệ trên 82% tổng số tiền thu; số tiền thu viện phí qua ngân hàng chiếm tỷ lệ trên 28% trong tổng số tiền thu viện phí; tỷ lệ số đối tượng an sinh xã hội chi trả qua tài khoản đạt trên 68% tổng số đối tượng được hưởng an sinh xã hội.
TheoThu Phương(Báo Hà Tĩnh)
" alt=""/>Xu thế thanh toán không dùng tiền mặt ở Hà Tĩnh tăng nhanhTheo EY, những công nghệ mới nổi này đang tạo ra một “sự thay đổi địa chấn” trong cách các doanh nghiệp vận hành và các công ty phải theo kịp tốc độ thay đổi nhanh chóng nếu không sẽ có nguy cơ bị bỏ lại phía sau.
Quay vào bên trong với AI tạo sinh
Forbes nhận định ngành công nghiệp viễn thông đang gặp khó với quy trình và phương pháp vận hành lỗi thời. Bởi vậy, AI tạo sinh sẽ mang đến những khả năng sinh lời mới, trong một số trường hợp, lợi nhuận có thể gia tăng từ 3 - 4% trong hai năm và lên mức 8 - 10% trong năm năm, bằng cách cải thiện quản trị vòng đời thuê bao và giảm chi phí vận hành.
Các thử nghiệm AI tạo sinh đang được triển khai từ khắp mọi nơi, bao gồm AT&T, SK Telecom, Vodafone và thậm chí cả Bell Canada.
Neel Mehta - giám đốc CNTT của nhà mạng Bell cho hay, công ty đang đặt cược lớn vào sự kết hợp giữa nền tảng dữ liệu và chiến lược AI: “Chúng tôi coi dữ liệu là loại dầu mới và AI là nhà máy lọc dầu”.
Nhà mạng này đang sử dụng AI tạo sinh để dự báo và chăm sóc khách hàng. Chẳng hạn, AI được sử dụng để dự báo các sự cố môi trường có thể gây mất mạng trên diện rộng, như bão tuyết hoặc mưa lớn.
Trong hoạt động bán hàng, AI có thể tối ưu hoá quy trình bằng việc “hấp thụ” toàn bộ tài liệu bán hàng, từ đó đưa ra mô hình định giá cho từng sản phẩm và dịch vụ khác nhau.
Một ứng dụng khác là sử dụng chatbot để trả lời bất kỳ câu hỏi nào từ phía người quản lý hoặc tập hợp dữ liệu thời gian thực trong toàn chuỗi về trải nghiệm khách hàng. Với hoạt động dịch vụ khách hàng, chatbot AI có thể tăng năng suất tổng đài viên từ 15 - 20%.
Ngoài ra, AI tạo sinh có thể tối ưu hóa cấu hình công nghệ, nâng cao năng suất lao động, cải thiện hàng tồn kho cũng như quy hoạch mạng. Những phương pháp tiếp cận AI này có thể cho phép công ty viễn thông đánh giá chính xác khả năng tương thích của các thành phần, yêu cầu bảo trì, cải thiện kế hoạch vận hành và tối ưu hóa vốn.
Xu hướng tất yếu
Với một ngành công nghiệp tồn tại nhiều hệ thống “cũ” như viễn thông, AI tạo sinh được ví như một luồng gió mới.
Nghiên cứu của EY cho thấy, AI và tự động hoá dẫn đầu danh mục ưu tiên đầu tư của các nhà mạng.
“AI tạo sinh đang xếp thứ ba với 43% doanh nghiệp hiện tại đã đầu tư và 33% có kế hoạch đầu tư trong ba năm tới”,Adrian Baschnonga, chuyên gia phân tích EY, cho biết.
Đồng quan điểm, Manoj Prasanna Kumar, người đứng đầu nền tảng doanh nghiệp tại Singtel Digital Infra nhận định, AI, tự động hóa và robot đang dẫn đầu như những lĩnh vực được đặc biệt quan tâm.
“Chúng tôi thấy ngày càng nhiều khách hàng áp dụng AI, đặc biệt là tự động hóa, trong khi rất nhiều khách hàng trong lĩnh vực công nghiệp 4.0 đang áp dụng robot”, Kumar nói. “AI thường được sử dụng trong các doanh nghiệp lớn, tập trung trong khâu phân tích dự đoán, thực tế ảo và thực tế hỗn hợp cho quy trình bảo trì, tự động vận hành”.
Theo Kumar, các ứng dụng phổ biến nhất của GenAI là tự động hóa trải nghiệm hỗ trợ khách hàng và đào tạo hoặc nâng cao kỹ năng cho nhân viên trong xử lý các nhiệm vụ ngày càng phức tạp.
Tom Loozen, phụ trách nhóm viễn thông toàn cầu của EY cho biết, hầu hết các doanh nghiệp đều ủng hộ việc áp dụng dần các công cụ AI mang tính sáng tạo hơn là đại tu toàn bộ hoạt động.
Ngày 17/5 hàng năm là ngày Viễn thông và Xã hội thông tin thế giới. Năm nay, “Sáng tạo số để phát triển bền vững” là chủ đề được lựa chọn bởi Liên hiệp Viễn thông quốc tế (ITU).
(Theo Forbes, McKinsey)