Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng dữ liệu số trong ngành ngân hàng, ông Trần Văn Tần phân tích: Dữ liệu số sẽ giúp cải thiện quyết định kinh doanh, nâng cao hiệu suất và cung cấp trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng.
Sự phát triển nhanh chóng của chiến lược kinh doanh dựa trên dữ liệu trong ngành ngân hàng đã tạo ra những lợi ích đáng kể. Cụ thể như, các ngân hàng có thể tăng cường việc tiếp cận khách hàng, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có tính cá nhân hóa cao, đồng thời tối ưu hóa quy trình phát hiện rủi ro và phòng ngừa gian lận, cải thiện quy trình vay và xử lý hồ sơ vay vốn, tăng cường khả năng dự đoán và phân tích thị trường.
Cũng theo đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, đến nay, nhiều tổ chức tín dụng đã triển khai các giải pháp cho phép khách hàng mở tài khoản thanh toán dựa trên xác thực dữ liệu dân cư; cho phép định danh, xác minh thông tin khách hàng bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp hoặc ứng dụng VNeID; làm sạch thông tin khách hàng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tối ưu quá trình cho vay bằng các giải pháp chấm điểm tín dụng, xác thực thông tin đa chiều bằng dữ liệu dân cư…
Toàn ngành đã tập trung làm sạch toàn bộ 51 triệu dữ liệu khách hàng tại Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam và các tổ chức tín dụng, đảm bảo 100% dữ liệu khách hàng được xác minh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
“Tuy vậy, trong quá trình chuyển đổi số cũng như áp dụng các mô hình mới dựa trên công nghệ hiện đại, ngành ngân hàng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có việc duy trì sự cân bằng giữa khai thác và bảo vệ dữ liệu”, đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chia sẻ thêm.
Phát triển ngân hàng mở là xu hướng ‘không thể cưỡng lại’
Ở góc độ của một trong những ngân hàng đang tích cực chuyển đổi số, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) cho rằng phát triển ngân hàng mở là xu hướng ‘không thể cưỡng lại’ của lĩnh vực ngân hàng: “Chúng ta cũng không thể độc quyền, không thể ‘ngăn sông cấm chợ’, hay ngăn chặn chia sẻ để một mình khai thác được”.
Khẳng định việc tạo điều kiện để khách hàng có thể tiếp cận dịch vụ ngân hàng ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào một cách an toàn, hiệu quả là mục tiêu của ngành ngân hàng nói chung và TPBank nói riêng, ông Nguyễn Hưng chỉ rõ: Việc này đòi hỏi các lãnh đạo ngành ngân hàng cũng phải có tư duy cởi mở hơn để cung cấp các tiện ích, dịch vụ tốt nhất cho người dùng.
Ngân hàng mở là mô hình cho phép các ngân hàng có thể trao đổi các thông tin, dữ liệu khách hàng với các tổ chức khác dựa trên sự cho phép của khách hàng, từ đó tạo ra các cơ hội cung cấp dịch vụ cho người dùng một cách toàn diện, thuận tiện.
Với ngân hàng mở, các dịch vụ xoay quanh nhu cầu khách hàng từ tài chính đến phi tài chính. Mô hình này cũng tạo ra các lợi thế cạnh tranh, các dịch vụ và cơ hội kinh doanh mới; đồng thời sẽ góp phần thúc đẩy chiến lược tài chính toàn diện. “Ngân hàng mở đặt khách hàng vào trung tâm, cung cấp dịch vụ tận nơi ngay trên các nền tảng đối tác như Fintech, thương mại điện tử, trung gian thanh toán, viễn thông...”, ông Nguyễn Hưng thông tin.
Điểm ra kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới, Tổng giám đốc TPBank kỳ vọng rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ đưa ra định hướng chiến lược và các chính sách, hướng dẫn cụ thể để quản lý mô hình ngân hàng mở phù hợp với môi trường, điều kiện kinh tế của Việt Nam.
Nhận định việc triển khai mô hình ngân hàng mở sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển cho hệ thống ngân hàng, song lãnh đạo TPBank cũng chỉ rõ những rủi ro, thách thức từ mô hình này, đơn cử như rủi ro dữ liệu - Dữ liệu từ nhiều nguồn nên cần được bảo mật, quy chuẩn, đồng bộ và xác thực; rủi ro bên thứ ba – Cần phân định trách nhiệm các bên khi xảy ra sự cố thất thoát dữ liệu, tổn thất tài chính cho khách hàng; rủi ro công nghệ - Cần liên tục nâng cấp nền tảng công nghệ để đáp ứng lưu lượng sử dụng và bảo mật.
Từ quan sát thực tế triển khai của TPBank và các ngân hàng tại Việt Nam, đại diện TPBank cho biết, khung pháp lý bảo mật dữ liệu khách hàng hiện đã có, tuy nhiên chưa có hướng dẫn triển khai rõ ràng. Vì thế, cần ban hành văn bản hướng dẫn, hội thảo định hướng, chia sẻ kinh nghiệm để triển khai đồng bộ, thống nhất.
Tương tự, đến nay các thông tư, nghị định của các cơ quan quản lý cho hệ thống ngân hàng đã có; song vẫn cần ban hành thêm các quy định, hướng dẫn cụ thể với các bên tham gia ngân hàng mở khác như Fintech, sàn thương mại điện tử, các tổ chức doanh nghiệp khác...
Ngoài ra, do chưa có quy chuẩn kỹ thuật thống nhất, nên để phát triển mô hình ngân hàng mở, ngành ngân hàng còn cần xem xét việc ban hành quy chuẩn API framework, cơ chế thí điểm có kiểm soát sandbox và quy chuẩn an toàn bảo mật.
Du khách quét mã QR tìm hiểu di tích Văn Miếu tỉnh.
Hào hứng tham quan, chiêm bái tại khu di tích lịch sử Đền thờ Trạng nguyên Phạm Công Bình, xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, chị Nguyễn Thu Hương - du khách đến từ thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ chia sẻ: "Chỉ với thao tác đơn giản mở điện thoại, truy cập mã QR, tôi có thể tra cứu và tìm hiểu thêm nhiều thông tin chi tiết, hữu ích về Khu di tích lịch sử Đền thờ Trạng nguyên Phạm Công Bình.
Có thể dễ dàng nhận thấy các thông tin về di tích được ghi ngắn gọn nhưng rất rõ ràng, ảnh minh họa cũng đầy đủ, chân thực, đa màu sắc, rất đẹp, chuyên nghiệp và sinh động. Đây là một trải nghiệm rất thú vị của tôi sau nhiều năm tham quan di tích này”.
Với không gian văn hóa độc đáo và là nơi thờ các bậc tiên thánh, tiên nho va danh nhân khoa bảng của Vĩnh Phúc, Văn Miếu tỉnh đã trở thành điểm tham quan, trải nghiệm lý tưởng của du khách trong và ngoài nước.
Để tăng hiệu quả quảng bá du lịch cũng như bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích, Bảo tàng tỉnh phối hợp với đơn vị cung ứng dịch vụ, quản lý phần mềm ứng dụng thông minh “63Stravel” đăng tải các nội dung thuyết minh, giới thiệu về cảnh quan kiến trúc, giá trị văn hóa của công trình Văn Miếu tỉnh và các hình ảnh tích hợp về không gian Văn Miếu tỉnh lên nền tảng ứng dụng.
Từ đó, tạo lập các mã QR để du khách có thể sử dụng thiết bị thông minh truy cập vào ứng dụng hoặc quét mã QR tại chỗ để nghe thuyết minh tự động giới thiệu về Văn Miếu tỉnh bằng 4 ngôn ngữ gồm tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Hàn và tiếng Nhật kèm theo hình ảnh minh họa trực quan, sinh động.
Anh Nguyễn Văn Hưng - du khách đến từ huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội cho biết: Đến với Văn Miếu Vĩnh Phúc, tôi đã được tìm hiểu về di sản trên không gian số, với nhiều hình ảnh, thông tin giới thiệu rất hấp dẫn, ấn tượng.
Đặc biệt, tôi có thể quét mã QR để xem, nghe các bài thuyết minh về di tích trên màn hình điện thoại, rất thuận tiện và phù hợp với du khách trong quá trình tham quan.
"Công trình gắn mã QR được xem như cuốn cẩm nang du lịch số bao gồm tài liệu giới thiệu; hình ảnh, video tham quan thực tế, tích hợp với tính năng chỉ đường giúp du khách dễ dàng tìm kiếm, trải nghiệm, tìm hiểu di tích lịch sử. Chỉ trong thời gian ngắn triển khai, đến nay đã có hàng nghìn người dân về trẩy hội và quét mã QR tại Văn Miếu tỉnh", Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Lê Hải chia sẻ.
Nâng tầm giá trị
Trên địa bàn tỉnh có 514 di tích lịch sử đã được xếp hạng gồm 3 di tích quốc gia đặc biệt, 65 di tích đã được xếp hạng là di tích quốc gia, 446 di tích cấp tỉnh.
Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số góp phần quản lý, nâng cao giá trị điểm đến, tăng hiệu quả quảng bá, giới thiệu du lịch địa phương.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc chuyển đổi số di sản, các đơn vị sở hữu di sản bước đầu có những nỗ lực trong tiếp cận các thành quả công nghệ mới để tạo ra giá trị gia tăng cho di sản.
Xu thế toàn cầu hóa và sự phát triển công nghệ số đặt ra vấn đề giữ gìn văn hóa truyền thống trong thời đại số. Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa đã mang lại hiệu quả cao.
Những dự án ứng dụng công nghệ gắn với bảo tồn di sản văn hóa cho thấy sự quan tâm của người trẻ đối với di sản của cha ông, tạo cầu nối để thế hệ hôm nay dễ dàng tiếp cận những giá trị quý báu của dân tộc.
Số hóa di tích, di sản văn hóa mang lại nhiều lợi ích cho việc bảo tồn và truyền đạt di sản văn hóa. Việc chuyển đổi thông tin thành dạng số hóa giúp bảo vệ di sản trước những mối đe dọa như hư hỏng và phá hủy.
Đồng thời giúp tăng cường khả năng truy cập và sử dụng thông tin về di sản từ xa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu, học tập và thưởng thức di sản một cách linh hoạt và hiệu quả.
Trước thực tế đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 52 về việc số hóa và ứng dụng trên nền tảng số hồ sơ khoa học, tư liệu di sản văn hóa Vĩnh Phúc, giai đoạn 2022 - 2030 với mục tiêu đến năm 2030 sẽ thực hiện số hóa 100% dữ liệu hồ sơ khoa học, tư liệu các di tích cấp tỉnh; 100% di sản tư liệu, hiện vật, nhóm hiện vật, cổ vật quý hiếm, có giá trị tiêu biểu hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh; 100% dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể trong danh mục kiểm kê, có giá trị đặc sắc hoặc có nguy cơ mai một…
Cùng với công tác số hóa tài liệu giới thiệu các điểm di tích, hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa vào hoạt động ứng dụng thông tin du lịch; ứng dụng công nghệ 3D trong quảng bá du lịch nhằm đem đến cho du khách trải nghiệm thú vị.
Bên cạnh đó, hệ thống dữ liệu của 60 điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đã được kết nối liên thông với nhau, góp phần từng bước xây dựng bản đồ du lịch số.
Sau 1 năm triển khai, đến nay App du lịch thông minh của Vĩnh Phúc đã có gần 900.000 lượt người truy cập và tải về để khai thác giá trị văn hóa của các di tích.
Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra sâu rộng, nhanh chóng, việc số hóa các di tích là việc làm có ý nghĩa nhằm giới thiệu, quảng bá hệ thống di sản văn hóa, hình ảnh đất và người Vĩnh Phúc thông qua ứng dụng nền tảng công nghệ số gắn với phát triển du lịch trực tuyến, thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu văn hóa Vĩnh Phúc của bạn bè trong nước và quốc tế.
TheoThiệu Vũ(Báo Vĩnh Phúc)
" alt=""/>Số hóa di sản: Kết nối quá khứ với hiện tại