Tuổi thơ bị bạn bè bắt nạt, giáo viên phớt lờ
Cô bé thần đồng Adhara sinh năm 2011 trong một gia đình bình thường ở khu dân cư thu nhập thấp tại thủ đô Mexico City (Mexico).
Năm 3 tuổi, Adhara được chẩn đoán mắc chứng khuyết tật phát triển sau khi khả năng nói của cô bé bị suy giảm đáng kể.
Adhara vẫn hồn nhiên không nhận ra sự khác biệt của bản thân, và chỉ khi đến tuổi đi học, cơn ác mộng mới thực sự bắt đầu. Mẹ của Adhara, Nallely Sanchez, tiết lộ con gái đã phải chuyển trường 3 lần và đã phải vượt qua rất nhiều khắc nghiệt trong cuộc sống học đường.
Khi đi học, Adhara thường xuyên bị bắt nạt và chế giễu là "kẻ kỳ quái", "đồ lập dị". "Một hôm Pérez đang chơi trong căn nhà mô hình thì các bạn khóa cửa, nhốt con ở trong và đánh ầm ầm vào căn nhà đó. Tôi không muốn con gái phải chịu đựng tổn thương như vậy", bà Nallely nhớ lại.
"Các giáo viên không mấy thông cảm, họ luôn nói với tôi rằng ước gì Adhara có thể hoàn thành các bài tập. Con cảm nhận được và bắt đầu tự xa lánh bản thân, không muốn chơi với các bạn cùng lớp". Bà cũng tiết lộ Adhara rất chán nản vì mọi người không đồng cảm.
Bất chấp khó khăn, Adhara đã hoàn thành chương trình tiểu học năm 5 tuổi, chương trình cấp hai năm 6 tuổi và kết thúc chương trình cấp ba năm 8 tuổi, theo The People. Tuy nhiên, vô tình hay hữu ý, giáo viên tại trường đã không phát hiện ra tài năng của cô bé.
Theo lời khuyên của bác sĩ, gia đình Adhara đã gửi con gái đến trung tâm phát triển tài năng giành cho học sinh đặc biệt.
Năm 11 tuổi, sau khi làm bài kiểm tra IQ tại trường, cô bé Mexico đã đạt được số điểm ấn tượng 162 - cao hơn cả chỉ số của nhà bác học vật lý vĩ đại Albert Einstein và nhà vật lý, vũ trụ học nổi tiếng Stephen Hawking.
Bà Nallely nói rằng thành tích của con gái ngày nay đã gửi một thông điệp mạnh mẽ tới các giáo viên trong lớp- những người đã buông tay và bỏ rơi cô bé trong những thời khắc khó khăn nhất.
Kể từ thời điểm này, cuộc đời của Adhara đã có những thay đổi lớn. Cô bé nhận được sự giáo dục phù hợp với trình độ, không còn bị coi là “khác người”.
Ước mơ ‘hái sao’ trên trời
Cô bé lấy bằng cử nhân ngành Kỹ thuật hệ thống của Đại học CNCI (Mexico) và vừa hoàn thành chương trình thạc sĩ Toán học tại Đại học Công nghệ Mexico. Đáng kinh ngạc, đây là thành tích của một cô bé mới chỉ 11 tuổi.
Bên cạnh thời gian học tập, Adhara cũng viết cuốn sách về trải nghiệm của bản thân mang tên “Don’t give up” (Đừng bỏ cuộc). Cô bé cũng nghiên cứu phát triển vòng tay thông minh có khả năng theo dõi cảm xúc của trẻ em, dự đoán, ngăn chặn động kinh và một số căn bệnh khác.
Chia sẻ về dự định tương lai, Adhara ước mơ đến Mỹ để tham dự kỳ thi tuyển sinh vào Đại học Arizona, ngôi trường mơ ước với chuyên ngành Vật lý Thiên văn. Thiên tài nhí hy vọng sẽ trở thành phi hành gia trong tương lai.
Điểm trùng hợp là tên của Adhara là Arc 7, có nghĩa là ngôi sao sáng thứ hai trong chòm sao Canis Major (chòm sao Đại Khuyển là một trong 48 chòm sao cổ điển của Ptolemy và là một trong 88 chòm sao hiện đại).
Cô bé nói: “Em muốn đi vào vũ trụ và đặt chân xuống sao Hỏa. Nếu bạn không thích nơi mình đang ở, hãy tưởng tượng xem bạn muốn ở đâu. Em thấy bản thân mình ở Cơ quan Hàng không và Vũ trụ (NASA) nên rất đáng để cố gắng".
Tạp chí Pháp Marie Clarie đưa tin cô bé Mexico hiện đang quảng bá hoạt động khám phá không gian và toán học cho các sinh viên trẻ của Cơ quan Vũ trụ Mexico.
Adhara hiện đang trên đà đạt được một cột mốc quan trọng. Cô bé đang ở giai đoạn cuối cùng để hoàn thành bài kiểm tra G- một loạt bài kiểm tra nghiêm ngặt mở đường cho cô bé gia nhập hàng ngũ NASA với tư cách là một nhà khoa học trẻ. Nếu thành công, Adhara sẽ khắc tên mình vào lịch sử, trở thành người tự kỷ đầu tiên bay vào vũ trụ- một thành tích vượt qua mọi rào cản và phá vỡ định kiến.
Câu chuyện cổ tích vẫn đang được Adhara Pérez Sánchez tiếp tục viết, nó chứng minh rằng tuổi tác không phải là rào cản đối với thành tích và tâm trí con người hoàn toàn khả năng thực hiện những kỳ công phi thường. Nó cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc công nhận và nuôi dưỡng tài năng, đảm bảo rằng mọi đứa trẻ có cơ hội phát huy hết tiềm năng của mình.
Sự quyết tâm và niềm tin vững chắc chắc chắn sẽ giúp cô bé Mexico đạt được ước mơ “hái sao” trên trời của mình.
Tử Huy
Vị PGS cũng tiết lộ rằng ông đã không tuân thủ các quy tắc xác minh danh tính của trường đại học kể từ khi chúng được đưa ra vào năm 2008, bao gồm cả việc từ chối xuất trình chứng minh nhân dân hoặc đăng ký để nhận dạng khuôn mặt.
Sự việc một lần nữa làm dấy lên cuộc tranh luận về việc liệu các trường đại học hàng đầu của Trung Quốc có nên dễ tiếp cận hơn với công chúng hay không.
Nhiều trường đại học hàng đầu như ĐH Bắc Kinh và ĐH Thanh Hoa vẫn duy trì các hạn chế đối với công chúng vào trường với các quy định Covid-19 được áp dụng từ năm ngoái.
Trong khi một số người nói rằng các trường đại học này là công trình công cộng cần được mở cửa hoàn toàn cho công chúng, nhiều sinh viên và nhân viên phản đối việc mở cửa trở lại do lo ngại gây ra sự gián đoạn cho cuộc sống trong khuôn viên trường.
Tuy nhiên, những hạn chế đối với nơi công cộng cũng gây ra sự bất tiện cho sinh viên và nhân viên, bao gồm tắc nghẽn ở cổng vào và khó khăn khi bạn bè và gia đình đến thăm.
Đáp lại bài viết của giáo sư, ĐH Bắc Kinh nói với hãng truyền thông trong nước The Paper rằng trường sẽ kéo dài thời gian thăm quan và cải thiện việc bố trí an ninh tại cổng khuôn viên trường để giảm tắc nghẽn.
Là hai trong số những trường đại học hàng đầu của Trung Quốc, cả Bắc Đại và Thanh Hoa đều đã thu hút số lượng lớn các chuyến tham quan học tập và du khách sau khi mở cửa trở lại cho công chúng trong năm nay.
Người bên ngoài trường muốn tham quan phải đăng ký trước từ rất sớm nhưng thậm chí cũng không có vé. Trong kỳ nghỉ hè, một số người còn đầu cơ bán vé vào cửa cho những địa điểm nổi tiếng của ĐH Bắc Kinh với mức giá từ 300 đến 500 NDT (1 triệu-1,7 triệu đồng).
Đã có những cáo buộc rằng cơ quan tổ chức trại hè đã cấu kết với các cựu sinh viên và lợi dụng đặc quyền của họ để đăng ký du khách, tính phí cắt cổ lên tới 10.800 NDT (gần 37 triệu đồng)/ người và đặc biệt nhắm vào những người muốn tham gia trại hè trường đại học.
Nhiều sinh viên đã lo ngại về lượng khách hiện tại trong khuôn viên trường. Jin, sinh viên năm cuối trường báo chí và truyền thông của ĐH Bắc Kinh, phản đối việc mở cửa thêm khuôn viên trường cho công chúng.
Theo Jin, trách nhiệm chính của trường đại học là đóng góp cho xã hội thông qua nghiên cứu và giáo dục chứ không phải bằng cách trở thành một “điểm thu hút khách du lịch”.
Jin giải thích: “Tôi nghĩ người Trung Quốc chúng tôi có một cảm giác tôn kính hoặc ngưỡng mộ đặc biệt đối với các trường đại học nổi tiếng, điều này khác với các nước khác”.
Áp lực lên các trường đại học để nới lỏng hơn nữa các hạn chế đang gia tăng. Theo một cuộc thăm dò trực tuyến với 27.000 người được hỏi, 70% ủng hộ các trường đại học mở cửa hơn nữa vì đây là “nguồn lực xã hội”, trong khi chỉ có 20% phản đối.
Trong bài viết của mình, giáo sư Li kêu gọi trường đại học nên đạt được sự cân bằng giữa việc duy trì trật tự trong khuôn viên trường và mở cửa cho công chúng.
Tử Huy