
PGS. TS Đoàn Lê Giang giải thích lý do tại sao nên đưa chữ Hán quay trở lại nhà trường phổ thông Việt Nam.VietNamNet xin giới thiệu lược thuật bài viết của PGS. TS Đoàn Lê Giang (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM) giải thích lý do tại sao nên đưa chữ Hán quay trở lại nhà trường phổ thông Việt Nam. Báo cáo này đã được trình bày trong hội thảo "Phát triển và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong thời kỳ hồi nhập quốc tế" diễn ra từ năm 2010.

|
Ảnh Lê Anh Dũng
|
Sự sụp đổ của Tiếng Việt?
Hiện nay trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong sách báo, Tiếng Việt đang bị dùng sai một cách khủng khiếp. Chỉ có mấy từ dùng sai mà sửa mãi mấy chục năm vẫn không hết: "yếu điểm" được dùng như "điểm yếu", "cứu cánh" được dùng như "cứu giúp", thậm chí có nhà văn nọ trên báo Văn nghệ còn dùng từ "khiếm nhã" như là "trang nhã"…
Những sai lầm yếu kém trên sẽ không có nếu học sinh được học chữ Hán, có thói quen tra từ điển Hán - Việt và Tiếng Việt. Với tình hình giáo dục như hiện nay thì nói đến việc giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt chính lại là phải học chữ Hán.
Ở Nhật Bản từ mấy chục năm trước đã cảnh báo về nguy cơ suy thoái của Tiếng Nhật qua một loạt sách bán rất chạy. Trong các sách ấy đều quy nguyên nhân cho sự suy thoái của Tiếng Nhật là ở chỗ dùng từ gốc Hán sai, kiến thức về chữ Hán nghèo nàn, lạm dụng từ gốc Tiếng Anh...
Tiếng Nhật với một chương trình giáo dục chú ý giảng dạy gần 2.000 chữ Hán mà còn như vậy, huống chi Tiếng Việt. Số từ gốc Hán chiếm đến 70% số từ vựng Tiếng Việt, mà người Việt không học, không hiểu chữ Hán, thế thì làm sao mà chẳng dùng từ sai và vốn từ nghèo nàn. Nếu tình hình không được cải thiện thì viễn cảnh về sự sụp đổ của Tiếng Việt sẽ còn không xa.
Vong bản ngay trên đất nước mình
Có lần một sinh viên Nhật Bản khoe với tôi: Em đến thăm chùa Vĩnh Nghiêm thấy đề là chùa thuộc phái Lâm Tế, em thấy rất thân thuộc vì giống như ngôi chùa ở gần nhà bà ngoại em. Nhưng đối với một thanh niên Việt Nam thì khi đến chùa, nhìn lên bảng hiệu, hoành phi, câu đối hay bài vị, họ sẽ cảm thấy xa lạ như bất kỳ một ngôi chùa nào ở Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc…
Thanh niên Việt Nam không còn thấy có một mối dây liên hệ nào giữa mình với quá khứ của ông cha. Họ không có xúc cảm nào trước một tập thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi, một quyển Kiều bằng chữ Nôm,…Có thể nói họ đang vong bản ngay chính trên đất nước mình.
Thế nên, so với các nước Đông Á: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… thanh niên Việt Nam hiện đại hóa yếu nhất, nhưng đồng thời cũng giữ bản sắc dân tộc kém nhất.
Các nhà nghiên cứu Đông Á - trừ Việt Nam - dù không chuyên về cổ điển nhưng vẫn hiểu được khá sâu chữ Hán và văn hóa truyền thống của họ, vẫn có thể đọc được thư tịch cổ của nước họ với nhiều mức độ khác nhau. Ở Việt Nam, một nhà nghiên cứu sẽ cảm thấy rất khó khăn khi hiểu về những vấn đề văn, sử, triết, ngôn ngữ cổ của dân tộc mình.
Sinh viên, nghiên cứu sinh về khoa học xã hội và nhân văn của Việt Nam gần như không hiểu được sách vở của cha ông nếu không được dịch, chú, phiên âm ra chữ quốc ngữ Latin.
Có thể nói khi ra nước ngoài học tập, sinh viên Việt Nam không thua kém gì so với sinh viên các nước Đông Á khác, nhưng riêng về khoa học xã hội và nhân văn thì còn kém khá xa. Không ít sinh viên Việt Nam than thở không biết biểu diễn bộ môn văn hóa truyền thống gì cho bạn bè các nước xem, ngoài áo dài và nem rán ra thì hết!
Tại sao? Trước hết là vì kinh tế, nhưng quan trọng hơn là: Nền giáo dục của chúng ta rất kém trong việc giáo dục văn hóa truyền thống mà việc loại bỏ chữ Hán là biểu hiện đầu tiên và gây ấn tượng nhất.

|
Ảnh Lê Anh Dũng |
100 năm – một chủ trương bỏ dở
Trong luận văn khét tiếng Luận về chính học cùng tà thuyếtcủa Ngô Đức Kế, nhà chí sĩ đã phê phán một cách mạnh mẽ tình trạng học thuật đương thời: “Âu học vẫn chưa vin được ngọn ngành mà Hán học đã đứt cả cội rễ”.
Trường Đông Kinh Nghĩa Thục của các chí sĩ Duy tân thành lập năm 1907, cho đến nay vẫn được nhiều chuyên gia đánh giá là trường học có tư tưởng giáo dục tiên tiến, sâu sắc nhất ở nước ta từ trước đến nay. Tuy cổ động việc học chữ quốc ngữ Latin thay cho chữ Nôm, nhưng trường vẫn tổ chức học một cách nghiêm túc 2 ngoại ngữ bắt buộc: Pháp văn và Hán văn.
Nếu từ đó đến nay tư tưởng giáo dục ấy được thực hiện thì chúng ta đã có một nền giáo dục Việt Nam khác hẳn: Hiện đại hơn, nhưng cũng đậm đà bản sắc dân tộc hơn.
Trước năm 1945 ở nước ta, sau khi bỏ các kỳ thi chữ Hán, chữ Hán vẫn được giảng dạy trong nhà trường, mỗi tuần 1 - 2 tiết, nhưng cũng đủ cho người học hiểu được chữ Hán, không dùng sai Tiếng Việt và để cái tinh thần truyền thống qua thứ chữ ấy góp phần tạo nên cốt cách con người.
Nhờ vậy mà các trí thức được đào tạo thời Pháp nhìn chung đều có một kiến thức Hán học khá vững chắc bên cạnh kiến thức Tây học căn bản. Chính họ đã làm rường cột trí thức cho quốc gia và mãi mãi là niềm tự hào của đất nước: Đào Duy Anh, Cao Xuân Huy, Đặng Thai Mai, Ca Văn Thỉnh, Trần Văn Giáp, Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Văn Huyên, Trần Văn Giàu…
Dạy chữ Hán trong nhà trường như thế nào?
Nhìn ra các nước Đông Á, không có nước nào dám đoạn tuyệt với chữ Hán.
Người Trung Quốc đã từng mơ Latin hóa chữ viết của mình, nhưng giấc mơ ấy bất khả. Họ đành bằng lòng quay về với việc dùng chữ Hán giản thể, và dạy cho học sinh phổ thông biết tối thiểu khoảng 3.000 chữ Hán để có thể đọc được tiếng phổ thông.
Người Nhật Bản cũng từng thử nghiệm dùng chữ Romaji (Chữ Latin) nhưng những văn bản ấy hồi đầu thế kỷ XX trở thành những bản mật mã. Họ đành sử dụng hệ thống chữ Kana (chữ phiên âm) mà dân tộc họ đã sáng tạo ra từ hơn 10 thế kỷ trước với hai dạng Hiragana và Katakana, bên cạnh đó vẫn bắt buộc học sinh tốt nghiệp trung học phải biết thuần thục 1.945 chữ Hán.
Người Hàn Quốc sử dụng chữ Hangul mà dân tộc họ đã sáng tạo ra từ TK.XV, trong văn bản thông thường hiện nay hầu như không còn chữ Hán nữa, nhưng những văn bản cổ hơn hay tài liệu khoa học thì dùng khá nhiều. Vì vậy Hàn Quốc vẫn dạy chữ Hán cho học sinh: Cấp 2 dạy 900 chữ, cấp 3 dạy 900 chữ, tổng cộng là 1.800 chữ. Lên đại học, sinh viên muốn đi sâu vào khoa học xã hội thì phải học chữ Hán nhiều hơn nữa.
Riêng có Việt Nam là hoàn toàn không dạy chữ Hán trong chương trình phổ thông. Điều ấy có liên quan gì với tình trạng kinh tế Việt Nam phát triển kém nhất, tiếng Việt dùng sai, nghèo nàn và bản sắc văn hóa dân tộc mờ nhạt nhất so với các nước trong khu vực?

|
Ảnh Đinh Quang Tuấn
|
Làm thế nào để dạy chữ Hán trong nhà trường?
Chủ trương đưa chữ Hán vào dạy trong trường phổ thông chắc chắn sẽ gây phản ứng dữ dội từ nhiều phía. Chúng tôi đã hình dung ra những câu hỏi cơ bản và cách trả lời sau:
Hỏi:Sao không nghĩ học cái gì khác hiện đại, kiếm ra tiền, lại bày ra trò học Hán Nôm – một thứ chữ “cổ lỗ, lạc hậu” đã chết từ lâu rồi?
Trả lời: Việc giáo dục không phải chỉ học cái hiện đại, dễ kiếm tiền, việc giáo dục con người có sứ mệnh lớn hơn thế nhiều. Lợi ích của việc học chữ Hán như đã nói ở trên là để cứu lấy Tiếng Việt, để bảo vệ văn hóa dân tộc, để góp phần xây dựng người Việt Nam trở thành những con người có học vấn, có căn bản, biết tiếp thu cái mới, nhưng cũng biết kế thừa tinh hoa truyền thống…
Việc này không có gì mới mà chỉ là kế thừa tư tưởng giáo dục của ông cha, cũng tương tự như người Nhật, người Hàn dạy chữ Hán, người phương Tây dạy chữ Latin cho con em họ.
Hỏi: Học sinh hiện nay học đã quá tải rồi, học thêm chữ Hán nữa thì còn thì giờ đâu nữa?
Trả lời:Học trò quá tải vì chương trình của chúng ta quá rườm rà và vì cách học nhồi nhét, cách thi theo kiểu “trả bài” của chúng ta. Nên lược bớt chương trình đi, chỉ học những môn căn bản thôi. Chữ Hán là một trong những môn căn bản. Chính việc học chữ Hán sẽ cho chúng ta thấy học ngữ văn mà học thuộc văn mẫu mất rất nhiều thì giờ như hiện nay là không cần thiết. Hơn nữa có lẽ trước mắt chúng ta chỉ cần dạy cho học sinh khoảng 1.000 chữ Hán để biết chữ nghĩa căn bản, biết cách tra từ điển, biết cách tự học. Sau này khi có điều kiện tốt hơn, có thể dạy khoảng 2.000 chữ Hán như người Nhật, người Hàn Quốc đang làm.
Hỏi:Hay để giản tiện, chỉ học âm Hán Việt như trong các sách ngữ văn hiện nay có được không?
Trả lời:Không được. Vì chữ Hán là một thể thống nhất Hình - Âm - Nghĩa, chúng ta lược bỏ Hình đi thì từ gốc Hán sẽ không để lại một dấu ấn nào khả dĩ trong đầu óc học sinh. Hơn nữa mỗi một chữ Hán còn mang theo nó toàn bộ văn hóa truyền thống.
Hỏi: Giả sử Quốc hội cho phép thực hiện chương trình dạy chữ Hán đại trà ở trường phổ thông thì lấy đâu ra giáo viên?
Trả lời:Hiện nay vẫn có nhiều giảng viên ở những đại học lớn biết chữ Hán nhất là ở các khoa ngữ văn, lịch sử của các trường đại học. Chúng ta bắt đầu từ việc dạy đại trà cho sinh viên ngữ văn ở các đại học, rồi cho dạy thí điểm ở một số trường phổ thông. Sau đó dạy cho học sinh trung học cơ sở. Dần dần mở rộng ra học sinh chuyên ban khoa học xã hội ở trung học phổ thông. Cuối cùng mới tính toán đến việc dạy cho tất cả học sinh các ban khác.
Nếu chúng ta kiên quyết, kiên trì đưa Hán văn vào chương trình phổ thông thì sẽ đến ngày chúng ta thấy kết quả. Tiếng Việt của chúng ta sẽ giàu có hơn, trong sáng hơn, ít bị sai hơn.
Chúng ta sẽ có được thế hệ người Việt Nam mới: hiện đại, giàu có, mạnh mẽ, nhưng cũng uyên thâm cổ học, biết cắm rễ tri thức của mình vào nguồn mạch phương Đông và dân tộc, biết sống thung dung theo đạo học phương Đông và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc… Một thế hệ người Việt Nam mới như mong ước của các sĩ phu Duy tân đầu Thế kỷ XX và của cả dân tộc ta sẽ thành sự thật.
PGS.TS Đoàn Lê Giang" alt=""/>Tại sao nên đưa chữ Hán quay trở lại trường phổ thông?

Chiều ngày 21/8, buổi toạ đàm “Thi đấu Toán học, ích gì?” trong khuôn khổ Ngày hội Toán học mở đã diễn ra tại thư viện Tạ Quang Bửu (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội).Mở đầu buổi thảo luận, bà Nguyễn Thị Lê Hương, Viện phó Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán liệt kê khoảng 20 cuộc thi Toán học trong nước và quốc tế mà rất nhiều học sinh Việt Nam có tham gia. Các kỳ thi này tốt hay nhảm nhí, có mang tính thương mại, đánh bóng tên tuổi hay không, làm thế nào để phụ huynh phân biệt được…là những vấn đề cần được nhìn nhận thấu đáo.

|
Các khách mời trong buổi toạ đàm “Thi đấu Toán học, ích gì?” thuộc khuôn khổ Ngày hội Toán học mở diễn ra tại thư viện Tạ Quang Bửu, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội |
Trả lời câu hỏi chủ đề của buổi toạ đàm “Thi đấu Toán học, ích gì?”, TS Trần Nam Dũng – thành viên Titan Education và Spunik Education cho rằng, các kỳ thi nhìn vào mặt tích cực đang tạo không khí học tập cho học sinh. “Đây là một trong những cái gốc của sự học. Học phải có thi. Thi trước hết là để kiểm tra, đánh giá. Thi cũng tạo ra những hiệu ứng tâm lý tốt. Thi là để thi đua, nếu đạt được thì trẻ rất là phấn khởi để tiếp tục học tiếp”.
Tuy nhiên, TS Dũng cũng đưa ra một số khuyến nghị. Ông cho rằng thi là để khuyến học, mà khuyến học thì nên dành cho tất cả các lớp, tất cả các đối tượng, chứ không chỉ cho một vài đối tượng như hiện nay.
Ông Dũng cũng chia sẻ về cách thức tổ chức kỳ thi ở một số nước. “Các kỳ thi của họ không gắn liền với cơ quan Chính phủ, mà là các tổ chức có chuyên môn, các tổ chức phi Chính phủ. Họ không lấy tiền của Nhà nước để tổ chức các kỳ thi, mà thu lệ phí của học sinh. Kinh phí được xã hội hoá, tạo điều kiện cho tất cả mọi người, học sinh tất cả các khối lớp đều được thi”.
Đồng tình với quan điểm của TS Trần Nam Dũng, PGS Nguyễn Vũ Lương khẳng định, “ngay như ở trường của tôi, nếu như trường chuyên mà bỏ các kỳ thi thì trường chuyên mất ý nghĩa”.
“Các kỳ thi một mặt là để đánh giá trình độ của học sinh, một mặt quan trọng hơn là chăm sóc cho từng học sinh. Nếu như chỉ có các kỳ thi quốc tế, quốc gia thôi thì không đủ để đáp ứng mong muốn, nguyện vọng của học sinh”.
Theo ông, “phần lớn các kỳ thi là cần thiết và có ích, chỉ có điều người lớn phải tổ chức như thế nào cho hiệu quả”.
Ngoài ra, ông cũng đề xuất, các kỳ thi nên được chuyển giao cho các nhà khoa học nắm chuyên môn vững, trình độ công nghệ thông tin tốt để tối ưu hoá, đảm bảo chất lượng các kỳ thi. Nếu như chất lượng kỳ thi được đảm bảo, Việt Nam hoàn toàn có thể tổ chức các kỳ thi mà học sinh nước ngoài có thể tham gia.
Nói tiếp ý kiến “kỳ thi dành cho tất cả mọi người” của TS Dũng, PGS Lê Anh Vinh – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Khoa học Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, phần lớn các kỳ thi là dành cho học sinh giỏi, khiến nó xa rời với đại đa số học sinh. Ông Vinh chia sẻ, ông rất tâm đắc với ý “ngày hội Toán học mở” của GS Ngô Bảo Châu trong bài phát biểu khai mạc, nghĩa là nó không quá xa vời, mà phải gần gũi để trẻ con thấy rằng có rất nhiều cách để yêu thích Toán. PGS Lê Anh Vinh cũng đưa ý kiến, không cần cứ phải là học sinh giỏi mới được tham gia các kỳ thi, để phong trào học tập được lan rộng, chứ không phải chỉ ở một nhóm nhất định.

|
GS Ngô Bảo Châu đưa ra thắc mắc, liệu có phải là bất thường hay không khi Việt Nam có tất cả các kỳ thi của thế giới? |
Phát biểu tại buổi toạ đàm, GS Ngô Bảo Châu chia sẻ câu chuyện riêng của mình với các kỳ thi: “Hồi tôi còn bé, tôi rất thích đi thi, chưa bao giờ tôi sợ thi cả. Đỗ cũng thích mà trượt cũng thích. Có lẽ do một số yếu tố về mặt di truyền, người Việt Nam thích đi thi, thì tôi cũng không phải là trường hợp cá biệt”.
Tuy nhiên, ông đặt ra một câu hỏi tại buổi toạ đàm: “Chẳng hạn khi tôi ở Pháp, học sinh Pháp có thi Kangaroo. Khi sang Mỹ thì họ thi IMC. Ở Singapore có kỳ thi của Singapore, ở Trung Quốc có kỳ thi của Trung Quốc. Nhưng liệu có phải là bất thường hay không khi Việt Nam có tất cả các kỳ thi đó?”
Thắc mắc mà GS Châu đưa ra khiến câu chuyện chuyển hướng sang vấn đề chất lượng các kỳ thi. Theo PGS Lê Anh Vinh, chất lượng của một kỳ thi được đánh giá dựa trên 3 yếu tố: uy tín của ban tổ chức, chất lượng thí sinh và chất lượng đề thi.
Ở một góc nhìn khác, TS Trần Nam Dũng cho rằng một kỳ thi tốt cần đảm bảo 2 yếu tố: sự công bằng và tính chuyên môn. “Ở Việt Nam đã có những kỳ thi không công bằng” – ông khẳng định. Tình trạng này xảy ra khi người trong ban chọn đề cũng có những học sinh đi thi. Họ sẽ chọn những đề thi mà mình đưa ra, và thường là những đề lắt léo, chỉ có học sinh của mình làm được. Và khi đã có tư tưởng học sinh của mình, học sinh của người khác, khi đã nghĩ tới thành tích thì yếu tố công bằng sẽ không được đảm bảo. Ông cũng chia sẻ, ở nhiều nước, ban ra đề rất đông, khoảng 30-50 người, mỗi người góp một ít, đề thi rất đa dạng. Nhưng ở Việt Nam, có thể vì lý do bảo mật hay gì đó mà ban ra đề chỉ là một nhóm rất ít.
Trước băn khoăn của một số phụ huynh, rằng liệu các kỳ thi có đang gây sức ép, đang biến các em thành “gà công nghiệp” hay không, và liệu có thể không có các kỳ thi mà vẫn tốt hay không, các khách mời toạ đàm cũng đưa ra một số quan điểm.
TS Trần Nam Dũng cho biết, bản thân ông không ủng hộ việc luyện thi trong một thời gian dài, có chăng chỉ cần 2, 3 buổi trước kỳ thi để giải thích cho các em về cách thức, hình thức đề thi. Bản thân là một nhà giáo dục, ông cũng thường xuyên giải thích cho phụ huynh hiểu có những kỳ thi hoàn toàn giống nhau, không nhất thiết phải tham gia tất cả. “Mục đích của kỳ thi là để khuyến học, chứ không phải là huy chương. Tôi không khuyến khích luyện thi là một khoá học dài”.

|
PGS Lê Anh Vinh cho rằng các kỳ thi không nên chỉ dành cho đối tượng học sinh giỏi |
Trong khi đó, PGS Lê Anh Vinh khẳng định, hiện nay các kỳ thi đều dựa trên tinh thần tự nguyện tham gia, không ai bắt ép các em phải tham gia cả. “Chúng ta nói về thành tích, tưởng rằng chúng ta đang nói về nhà trường nhưng đôi khi sức ép lớn nhất lại là từ phụ huynh. Nếu như cảm thấy việc học tập đang là áp lực thì chúng ta đừng nên tạo áp lực cho trẻ con nữa. Nếu như thấy con mình phải thi 4, 5 kỳ thi mệt mỏi quá, thì chúng ta đừng ép con mình phải làm như vậy”.
“Chúng ta nên đặt nhẹ thành tích xuống thì sẽ thấy mọi việc rất nhẹ nhàng, đặc biệt là về học tập, thi cử. Tôi nghĩ là đầu tiên phải từ gia đình, sau đó sẽ tác động đến nhà trường, chứ không nên cả hai bên đổ cho nhau để cuối cùng trẻ con là người thiệt thòi nhất”.
Nguyễn Thảo
" alt=""/>Thắc mắc của GS Ngô Bảo Châu khi bàn luận ‘thi toán, ích gì?’