- Tốt nghiệp loại khá ngành Quản trị kinh doanh Trường ĐH Ngoại thương, Trịnh Huy Minh vẫn quyết định thi lại đại học rồi nộp đơn vào Trường Lâm nghiệp để học kiến thức về trồng trọt.
|
Trịnh Duy Minh quyết định thi lại đại học để vào học tại Trường Lâm nghiệp mặc dù đã tốt nghiệp Trường ĐH Ngoại thương. Ảnh: Lê Văn. |
Minh là một thí sinh khá đặc biệt của Trường Đại học Lâm nghiệp trong đợt xét tuyển đại học năm nay.
Vừa tốt nghiệp loại khá ngành Quản trị Kinh doanh của Trường ĐH Ngoại thương vào tháng 6, Minh vẫn quyết định tham dự kỳ thi THPT 2016 để lấy kết quả xét tuyển vào Trường ĐH Lâm nghiệp.
Vào ngày nộp hồ sơ xét tuyển, với tổng điểm 3 môn là 21,7 điểm, cao hơn mức điểm chuẩn năm ngoái của trường gần 7 điểm, Minh đã quyết định nộp Giấy chứng nhận kết quả thi cho trường để xác nhận nhập học.
Lý giải về lựa chọn khá bất ngờ của mình, chàng trai quê Thanh Hóa giải thích, Minh muốn vào Trường Lâm nghiệp để học những kiến thức căn bản canh tác nông nghiệp, phục vụ cho công việc hiện tại cũng như kế hoạch tương lai của mình.
Hiện tại, mặc dù mới ra trường, song Minh đã tự gây dựng cho mình một trang trại trồng nấm với diện tích khoảng 2.000 mét vuông tại huyện Ba Vì, Hà Nội.
Từ tháng 8 năm ngoái, khi đang là sinh viên năm thứ 4, theo giới thiệu của một người bạn, Minh lặn lội từ Hà Nội lên Ba Vì để học trồng nấm. Thế rồi Minh thuê luôn mảnh đất gần cơ sở của người hướng dẫn để vừa học vừa thực hành luôn.
Tới nay, Minh đã thu hoạch vụ nấm đầu tiên. Với diện tích trồng khoảng 1.000 mét vuông, Minh đã thu hoạch được 8 tạ nấm, thu về khoản tiền 40 triệu đồng. "Nếu trừ tiền thuê đất cũng như nhân công, giống, nguyên liệu số tiền lãi em còn lại khoảng 20 triệu đồng" - Minh cho hay.
Theo Minh, chi phí tốn kém nhất là tiền thuê đất mất khoảng 12 triệu một năm, còn lại tiền thuê nhân công không mất nhiều vì chủ yếu Minh đều tự làm, từ việc chăm sóc cho tới toàn bộ khâu thu hoạch nấm. "Em chỉ thuê nhân công vào một số thời điểm cần thiết, khoảng 1-2 ngày" - Minh nói thêm.
Minh cho biết, mặc dù vẫn có lãi, song vụ nấm đầu tiên của em thực tế là "mất mùa" bởi sản lượng nấm đáng ra phải được gấp đôi như vậy. Nguyên nhân chính là do Minh đã trồng nấm sai thời điểm và những kiến thức về kỹ thuật trồng và chăm sóc chưa thực sự thành thục.
Đây là lý do chính khiến Minh quyết định thi lại đại học, nộp đơn vào Trường ĐH Lâm nghiệp để học những kiến thức căn bản nhất về kỹ thuật gieo trồng. "Quá trình trồng vụ nấm đầu tiên khiến em nhận ra rằng để làm công việc này, cần phải có kiến thức cơ bản thì mới có hiệu quả" - Minh giải thích.
Gần một năm qua là quãng thời gian khá vất vả của Minh khi vừa phải kết thúc chương trình học tại Trường ĐH Ngoại thương để tốt nghiệp, vừa phải mày mò để chăm lo cho vụ nấm đầu tiên và vẫn phải ôn tập để thi lại đại học.
Từng là học sinh chuyên Hóa, Trường THPT Chuyên Lam Sơn nhưng trong lần thi lại đại học này, Minh không thi môn Hóa mà thi 3 môn Toán, Sinh, Anh.
Minh giải thích, sau 4 năm học đại học, kiến thức phổ thông đã hao hụt đi nhiều, vì vậy em quyết định chọn môn Sinh vừa gần với chuyên ngành lựa chọn vừa để nhờ mẹ ôn tập giúp. Mẹ của Minh là giáo viên môn Sinh học của Trường Lam Sơn, nay đã nghỉ hưu.

|
Trịnh Duy Minh nói rằng, em không nghĩ việc lựa chọn Trường ĐH Ngoại thương là sai lầm. Ảnh: Lê Văn. |
Tôi hỏi Minh rằng, sau 4 năm học hành vất vả ở một trường ĐH khá có tiếng hiện nay và có tấm bằng loại khá nhưng em lại phải thi lại đại học để bắt đầu học trồng nấm từ đầu thì có phải là phí phạm mất 4 năm hay không? Minh cười và thừa nhận, đúng là lúc lựa chọn trường ĐH cách đây 4 năm, em cũng chưa định hướng rõ ràng nghề nghiệp cho mình.
"Thời điểm đó em cũng chưa biết Trường Ngoại thương là gì, chỉ thấy nhiều người chọn trường đó nên mình cũng chọn. Thêm nữa, lúc đó sức khỏe em cũng yếu, không thể lựa chọn theo ngành xây dựng của bố nên quyết định học một ngành kinh tế" -Minh giải thích.
Tuy vậy, chàng trai sinh năm 1993 cũng khẳng định rằng, chưa bao giờ nghĩ là mình lựa chọn sai. Bởi lẽ, "có 4 năm học ngành Quản trị kinh doanh thì em mới có thể có nghĩ tới việc tự xây dựng một trang trại nấm của mình. Nếu như em học một trường kỹ thuật nào đó như Bách khoa thì em sẽ không nghĩ tới việc này" - Minh nói.
"Em không muốn đi xin việc với tấm bằng của Trường ĐH Ngoại thương mà đi trồng nấm vì muốn được làm một công việc tự do và chính mình làm chủ" - Minh nói thêm và giải thích, đó là điều mà em có được được trong thời gian học tại Trường Ngoại thương.
Minh nói rằng, em lựa chọn ngành Công nghệ sinh học bởi lẽ kế hoạch của em không chỉ dừng lại ở việc trồng nấm. "Nấm chỉ là khởi đầu. Sau này, em muốn đi sâu vào những vấn đề khác liên quan tới ươm tạo các giống cây trồng" - Minh giải thích.
Hiện tại, Minh vừa bắt tay vào vụ nấm thứ 2 của mình và cũng đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc theo học chuyên ngành Công nghệ sinh học tại Trường ĐH Lâm nghiệp. Vừa phải theo học một chuyên ngành mới vừa phải một mình chăm lo cho trang trại nấm mà sắp tới Minh sẽ mở rộng quy mô, công việc của chàng trai 9x sắp tới sẽ khá vất vả.
Thế nhưng, Minh cho biết, em vẫn đang tranh thủ thời gian rảnh rỗi lúc chưa phải dành nhiều thời gian chăm sóc nấm để đi học thêm tiếng Anh. "Em dự định sẽ tìm kiếm một học bổng nào đó có liên quan tới ngành công nghệ sinh học để đi học phục vụ cho công việc sau này" - Minh nói.
Chàng trai vóc người nhỏ bé hẳn là có nhiều dự định và cả những hoài bão cho tương lai của mình. Những hoài bão ấy có thể thành hiện thực, có thể không. Minh có thể thành công, cũng có thể thất bại. Song điều đáng quý ở chàng cử nhân Ngoại thương là em dám ước mơ và quyết tâm để thực hiện nó.
" alt=""/>Cử nhân Ngoại thương thi vào ĐH Lâm nghiệp học trồng nấm
- Cuộc trò chuyện giữa tôi và Lại Thành Minh, thủ khoa "kép" của Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam là chuỗi dài những bất ngờ.Đọc cái tên đầy "nam tính" của Minh, tôi đã nghĩ sẽ gặp một chàng trai với mái tóc cắt ngắn kiểu thời thượng và đeo khuyên tai. Thế nhưng, khi nghe giọng Minh trên điện thoại, tôi mới biết Minh là một cô gái.

|
Lại Thành Minh, nữ thủ khoa kép của Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh: Lê Văn |
Và ngồi trước mặt tôi trong quán cà phê tranh thủ giờ nghỉ trưa cho cuộc phỏng vấn cũng không phải là một cô gái tóc nhuộm xanh đỏ, mắt kẻ chì thật đậm như tôi tưởng tượng.
Thành Minh có cái nhẹ nhàng, dễ chịu của một cô gái Hà Nội đồng thời cũng có sự tự tin, nhí nhảnh của một tâm hồn nghệ sĩ - những người ưa thích tự do và sự khoáng đạt.
Điều đó cũng chẳng có gì lạ khi cả bố và mẹ Minh đều là những người làm nghệ thuật. Bố của Minh là kiến trúc sư đồng thời là họa sĩ tranh cổ động nổi tiếng Lại Văn Thành còn mẹ em hiện là giảng viên của Trường ĐH Mỹ Thuật Việt Nam.
Từ khi còn nhỏ, thông qua công việc cũng như những cuộc trò chuyện cùng cha mẹ, Minh cũng bắt đầu tìm tòi và dần yêu thích nghệ thuật. Sự hun đúc của truyền thống gia đình đã định hướng cho lựa chọn nghề nghiệp của Minh sau này.
Khi vào ĐH, Minh đã lựa chọn thi vào Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam.Năm đó, dù vừa trải qua cú sốc về tinh thần do người bố mà em rất thân thiết qua đời, Minh vẫn thi đỗ cả 2 khoa Hội họa và Đồ họa của trường.
Đứng trước 2 lựa chọn: Đi theo con đường truyền thống của cha mẹ hay lựa chọn một ngành hoàn toàn mới, Minh đã chọn hướng đi thứ 2. Với điểm số 36 điểm, Minh là thủ khoa đầu vào của Khoa Đồ họa, Trường ĐH Mỹ thuật năm đó.
Lựa chọn ngành thiết kế đồ họa của Minh là một bất ngờ với nhiều người.
"Lúc đó mọi người ai cũng khuyên em nên học hội họa vì gia đình em có truyền thống, có sẵn nền tảng kiến thức rồi thì con đường tương lai cũng thuận lợi. Tuy nhiên, em lại thích được học những cái mới hơn" - Minh chia sẻ.
Minh cho rằng, là một người thích công nghệ, em cảm thấy thiết kế đồ họa phù hợp với khả năng của mình hơn và em cũng cảm thấy có hứng thú hơn. "Em cảm thấy mình không phải là một người có đủ kiên nhẫn để cầm cọ vẽ" - Minh bày tỏ.
Dù vậy, với Minh, dù là hội họa truyền thống hay một ngành mới như thiết kế đồ họa thì quan trọng nhất vẫn là nền tảng kiến thức, đặc biệt là tư duy mỹ thuật. "Đó là điều quan trọng nhất mà em nhận được từ cha mẹ mình" - Minh nói.
Minh cho biết, mặc dù em lựa chọn hướng đi không giống như con đường mà mẹ em đã định hướng, song mẹ em vẫn rất tôn trọng ý kiến và lựa chọn của em chứ không ép buộc.
Cô Dung, mẹ của Thành Minh cho biết, khi Minh nói chuyện với cô về lựa chọn ngành thiết kế đồ họa, trong lòng cô cũng có một chút băn khoăn nhưng cuối cùng cô vẫn tôn trọng quyết định của con gái. "Lúc đó chỉ lo nó là con gái mà làm thiết kế đồ họa suốt ngày ôm máy tính thì vất vả không chịu được" - cô Dung nhớ lại.
Còn Minh thì kể: "Thực ra mẹ em cũng muốn tốt cho em nhưng em muốn tìm con đường đi mới cho mình. Và mẹ cũng rất tôn trọng em. Mẹ sẵn sàng cho em có những trải nghiệm để em có thể học hỏi thêm".
Giấc mơ khởi nghiệp với thời trang
Tốt nghiệp đại học với mức điểm trung bình 5 năm là 8,91, điểm kỳ thi tốt nghiệp ĐH là 9,49 (đồ án 9,22 và khóa luận 9,82), Minh một lần nữa trở thành thủ khoa đầu ra của Trường ĐH Mỹ thuật, trở thành một trong số 100 thủ khoa xuất sắc của các trường ĐH Hà Nội được vinh danh trong năm 2016.

|
Lại Thành Minh bên cạnh người mẹ của mình. Ảnh: NVCC |
Thế nhưng, những thành tích này dường như không làm ảnh hưởng nhiều đến con đường mà Minh đã lựa chọn. Một tháng sau khi tốt nghiệp, Minh nộp hồ sơ xin vào một công ty khởi nghiệp làm công việc thiết kế thương hiệu và quảng cáo với mức lương không hề cao so với mức thu nhập của một người làm thiết kế chuyên nghiệp.
Minh cho biết, em rất thích thú công việc truyền thông thương hiệu, do vậy, hiện tại, khi mới ra trường, em chủ yếu muốn tìm một môi trường để có thể học hỏi và bồi dưỡng các kiến thức, kỹ năng phục vụ cho công việc của mình sau này nên cũng chưa quan tâm nhiều tới mức lương.
Ngoài công việc truyền thông, cô thủ khoa ĐH Mỹ thuật Việt Nam cũng ấp ủ giấc mơ khởi nghiệp, tự xây dựng một thương hiệu thời trang của của riêng mình. Minh cho biết, từ nhỏ, em đã yêu thích thiết kế thời trang và việc em lựa chọn ngành thiết kế đồ họa thực chất là vì ước mơ từ bé này.
"Mọi người hỏi em là vì sao học thiết kế đồ họa lại đi thiết kế thời trang? Thực tế thì không có gì mâu thuẫn cả. Những kiến thức và kỹ năng này đều hỗ trợ rất tốt cho nhau. Ngay cả việc em lựa chọn công việc về truyền thông thương hiệu cũng là cách để giúp em thực hiện mục tiêu này" - Minh nói.
Nói về điều này, cô Dung, mẹ của Minh chia sẻ rằng, bản thân cô cũng rất bất ngờ khi biết con gái đam mê thời trang. Đây cũng không phải là hình dung của cô về nghề nghiệp của cô con gái duy nhất của mình. Dẫu vậy, cô nói rằng, cô sẽ vẫn tôn trọng và ủng hộ lựa chọn của con.
Minh cũng cho biết, ngoài việc học hỏi các kỹ năng về truyền thông thương hiệu, thời gian tới, em sẽ tìm cơ hội để trau dồi kiến thức về thời trang. "Năm tới, em cũng dự định sẽ quay trở lại trường học cao học để nâng cao kiến thức" - Minh chia sẻ.
Tôi hỏi rằng, trước sau em đều lựa chọn ngược lại những gì mà mẹ đã định hướng cho em, liệu em có sợ đến một ngày mình sẽ thất bại và hối hận không? Cô thủ khoa trả lời rằng: "Em nghĩ trên con đường khởi nghiệp chuyện thành công hay thất bại đều có thể xảy ra. Vì thế, nếu như không đạt được thành công như mục tiêu mình mong muốn, em cũng không hối hận".
"Em vẫn còn rất trẻ mà" - Minh nói.
" alt=""/>Thủ khoa kép 'cãi' lời mẹ mơ gây dựng thương hiệu thời trang