Trước đó, theo RBK, Phó Thủ tướng Alexander Novak ngày 21/2 đã viết thư cho chính phủ kiến nghị tạm dừng xuất khẩu xăng và dầu diesel khi thị trường trong nước bước vào mùa cao điểm về nhu cầu nhiên liệu.
Quan chức này giải thích, nhu cầu nội địa leo thang vì sự gia tăng sử dụng nhiên liệu trong lĩnh vực nông nghiệp vào vụ canh tác mùa xuân, việc bảo trì theo kế hoạch tại các nhà máy lọc dầu và việc đi lại ngày càng tăng dịp nghỉ hè sắp tới. Những yếu tố đó sẽ dẫn đến sự bó hẹp nguồn cung trong nước.
Tại Nga, giá trên sàn giao dịch đối với xăng AI-92 và AI-95 cũng như dầu diesel đã tăng 8 - 23% kể từ đầu năm. Giá bán lẻ nhiên liệu cũng tăng tương ứng. Ông Novak tin, các biện pháp ứng phó hiệu quả sẽ là tăng hạn mức giao dịch các mặt hàng xăng dầu trên sàn giao dịch và áp dụng lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu.
Ngoài ra, theo giới quan sát, giá xăng trong nước là vấn đề rất nhạy cảm đối với các tài xế và nông dân tại Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, trước cuộc bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra từ ngày 15 - 17/3. Một số nhà máy lọc dầu của Nga đã bị Ukraine tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) trong những tháng gần đây nhằm tìm kiếm lợi thế trong cuộc xung đột đã bước sang năm thứ 3 giữa hai nước, gây ảnh hưởng đến sản xuất nhiên liệu thiết yếu của đối phương.
Chính phủ Nga từng ban hành lệnh cấm xuất khẩu xăng và dầu diesel hồi tháng 9/2023 vì giá bán buôn tăng mạnh. Song, Moscow đã cho dỡ bỏ biện pháp này vào tháng 11 cùng năm. Bộ Năng lượng Nga cho hay, trong 2 tháng áp dụng biện pháp tạm thời này, thị trường nội địa đã hình thành tình trạng dư thừa nhiên liệu và giá bán buôn xăng dầu trên sàn giao dịch đã giảm đáng kể.
Đài RT đưa tin, lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 1/3 sẽ không áp dụng đối với khối lượng cung cấp đã thỏa thuận cho các nước thuộc Liên minh kinh tế Á - Âu (gồm Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan) cũng như Mông Cổ, Uzbekistan, Abkhazia và Nam Ossetia. Đây sẽ là lệnh cấm xuất khẩu xăng thứ hai do Nga ban hành trong vòng chưa đầy 6 tháng, nhưng sẽ không áp dụng đối với xuất khẩu dầu diesel như biện pháp hạn chế hồi cuối năm ngoái.
Hãng thông tấn Anadolu trích dẫn lời các chuyên gia nhận định, lệnh cấm mới sẽ giúp Nga ổn định thị trường nhiên liệu trong nước, nhưng có khả năng làm giảm doanh thu của các công ty kinh doanh xăng dầu nội địa. Ngay sau khi có thông tin về lệnh cấm, giá xăng AI-92 ở xứ sở bạch dương đã giảm 3,3%.
Động thái cũng có thể tác động tiêu cực đến thị trường thế giới giữa những lo lắng về nguồn cung, trong bối cảnh hoạt động lọc dầu của Mỹ sụt giảm và khó khăn trong vận chuyển nhiên liệu vì căng thẳng ở khu vực Biển Đỏ. Tuy nhiên, các nhà phân tích tỏ ra thận trọng khi đưa ra cảnh báo về nguy cơ tăng giá xăng dầu trên toàn cầu.
Mặc dù là một trong các nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, nhưng xuất khẩu xăng của Nga ít hơn so với dầu thô và dầu diesel. Việc xuất khẩu xăng của nước này hiện chỉ ở quy mô nhỏ, khoảng 100.000 thùng/ngày. Năm ngoái, nước này đã sản xuất được 43,9 triệu tấn xăng và xuất khẩu khoảng 5,76 triệu tấn trong số đó, tương đương khoảng 13% sản lượng.
Các nhà nhập khẩu xăng dầu lớn nhất của Nga hiện chủ yếu là các nước châu Phi và Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE). Tháng trước, Nga đã giảm xuất khẩu xăng sang các quốc gia không thuộc Khối thịnh vượng chung để bù đắp cho việc sửa chữa ngoài kế hoạch tại các nhà máy lọc dầu bị hỏa hoạn và hư hại vì tập kích UAV. Do đó, lệnh cấm mới của Nga có thể chỉ ảnh hưởng đến các nước nhập khẩu và khó có khả năng làm giá xăng dầu thế giới tăng mạnh.
Theo BBC và Reuters, ông Donald Trump là cựu Tổng thống Mỹ đầu tiên phải đối mặt với cáo buộc hình sự ngay cả khi đang tranh cử vào Nhà Trắng.
Mối quan hệ của ông Trump và cựu diễn viên phim cấp 3
Stormy Daniels tuyên bố, đã quan hệ tình dục với ông Trump và đã nhận 130.000 USD từ luật sư cũ của ông từ trước cuộc bầu cử năm 2016 để giữ im lặng về cuộc gặp gỡ thân mật này.
Luật sư Michael Cohen sau đó bị bỏ tù vì nhiều tội danh.
Cựu Tổng thống bác bỏ mọi thông tin nói rằng ông có quan hệ tình dục với cô Daniels kể từ khi các cáo buộc xuất hiện vào năm 2018.
Thân thế Stormy Daniels
Stormy Daniels, tên thật là Stephanie Clifford, từng tuyên bố trong các cuộc phỏng vấn rằng cô đã gặp ông Trump tại một giải đấu gôn từ thiện vào tháng 7/2006. Sau đó, hai người đã quan hệ tình dục tại phòng khách sạn của ông Trump tại Hồ Tahoe, một khu nghỉ dưỡng nằm giữa California và Nevada. Vào thời điểm đó, một luật sư của ông Trump đã phản đối mạnh thông tin này.
Trong một buổi trả lời phỏng vấn, khi được hỏi rằng liệu ông Trump có yêu cầu cô giữ im lặng về đêm mà họ được cho là hẹn hò hay không, cô Daniels nói: "Ông Trump dường như không hề lo lắng về điều đó. Ông ấy hơi kiêu ngạo".
Phu nhân của ông Trump lúc đó là bà Melania không có mặt tại giải đấu vì vừa sinh con.
Nhận tiền để giữ im lặng
Năm 2016, vài ngày trước khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra, cô Daniels tuyên bố, luật sư của ông Trump là Michael Cohen đã đưa cho cô 130.000 USD dưới dạng "tiền bịt miệng" để giữ im lặng về vụ việc.
Daniels nói, cô nhận tiền vì lo ngại cho sự an toàn của gia đình mình. Ngoài ra cô còn bị đe dọa về thể chất và pháp lý để buộc phải im lặng.
Năm 2011, ngay sau khi Stormy Daniel đồng ý trả lời phỏng vấn tạp chí In Touch về cáo buộc quan hệ với ông Trump, cô và con gái bị một nam giới lạ mặt tiếp cận ở bãi đỗ xe Las Vegas cùng lời cảnh cáo "để ông Trump được yên". Cuộc trả lời phỏng vấn của cựu diễn viên này với tạp chí In Touch mãi tới năm 2018 mới được công bố đầy đủ.
Trước khi cuộc trả lời phỏng vấn của cô Daniels trên chương trình 60 Minutes của đài CBS được phát sóng vào năm 2018, một công ty có liên quan tới luật sư Cohen đã đe dọa cựu diễn viên này bằng một vụ kiện lớn với mức bồi thường lên tới 20 triệu USD do vi phạm thỏa thuận không tiết lộ thông tin hay còn gọi là thỏa thuận im lặng giữa hai bên.
Cô Daniels nói với phóng viên CBS rằng bản thân có nguy cơ bị phạt hàng triệu đô la khi phát biểu trên truyền hình quốc gia, nhưng "điều quan trọng với tôi là có thể bảo vệ mình".
"Trả tiền bịt miệng" có phải bất hợp pháp?
Trả tiền ai đó để họ giữ im lặng không phải là việc làm bất hợp pháp tại Mỹ. Tuy nhiên, vì khoản tiền được thanh toán một tháng trước khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra nên nhiều người chỉ trích ông Trump cho rằng nó có thể dẫn tới việc vi phạm quy định tranh cử.
Tháng 8/2018, luật sư Cohen nhận tội trốn thuế và phá vỡ các quy định tài chính tranh cử, một phần liên quan tới khoản thanh toán của ông cho cựu diễn viên phim người lớn Daniels và một người khác được cho là tình nhân của ông Trump. Dù ban đầu luật sư Cohen nói ông Trump không liên quan tới khoản tiền trên nhưng sau đó ông đã làm chứng rằng chính ông Trump đã chỉ đạo trả khoản tiền 130.000 USD. Luật sư này nói thêm, ông Trump đã trả lại gấp đôi số tiền bịt miệng 130.000 USD.
Cựu Tổng thống Donald Trump đã thừa nhận hoàn trả khoản thanh toán (điều này không bị coi là bất hợp pháp) song phủ nhận mối quan hệ tình ái và bất kỳ hành vi sai trái nào liên quan tới luật chiến dịch tranh cử.